.

''Tôi sẽ làm tất cả vì các em''

Cập nhật: 18:08, 06/01/2023 (GMT+7)

Mẹ từng nói với tôi: “Nếu nghĩ về kinh tế thì con đừng làm người thầy!”. Và sau 30 năm, tôi đã có thể nói với mẹ tôi rằng: “Con đã sống xứng đáng với câu nói của mẹ. Con đã không nghĩ về kinh tế mẹ ạ!”. Cô Trần Thị Phương, GV đang “đóng chốt” tại cơ sở phụ Hải Đăng của Trường TH Võ Nguyên Giáp (phường 12, TP.Vũng Tàu) rưng rưng chia sẻ câu chuyện nghề của mình.

Giờ ra chơi, dưới tán xoài, HS quây quần xung quanh, nghe cô Phương đọc truyện.
Giờ ra chơi, dưới tán xoài, HS quây quần xung quanh, nghe cô Phương đọc truyện.

“Nghĩa vụ” hóa thành “nghĩa tình”

“Ngôi trường” của cô Phương chỉ là 1 dãy nhà có 4 phòng, trong đó có 3 phòng học lợp mái tôn đã cũ với khoảng sân bê tông khá rộng có những cây xoài xum xuê tỏa bóng. Tuy đơn sơ nhưng “ngôi trường” được chăm chút chu đáo nên rất sạch sẽ và thoáng mát. Nền nhà lát gạch bông đã bạc màu nhưng vẫn được lau sạch bong. HS các lớp đều bỏ dép ngay ngắn ngoài cửa lớp.

Khi chúng tôi có mặt, cô Phương đang say sưa với bài giảng của mình. Giọng nói nhẹ nhàng, ánh mắt âu yếm, cử chỉ dịu dàng. Lũ trẻ say sưa nhìn cô, những gương mặt gầy guộc, đen đúa như sáng bừng. Tiếng ê a đọc bài của trẻ nhỏ hòa vào cái nắng hanh hao của ngày cuối năm: “Mặt trời tỉnh giấc/ Hai má ửng hồng/ Tung đám mây bông/ Vươn vai thức giấc”. Một ngày mới đã lên ở “ngôi trường” đặc biệt mang tên Hải Đăng: ngọn đèn soi sáng cuộc đời của những đứa trẻ lam lũ.

Trong gần 30 năm gắn bó với nghề giáo, cô đã có hơn 20 năm công tác tại các cơ sở phụ của Trường TH Hải Nam và Trường TH Võ Nguyên Giáp. Năm 1994, khi mới ra trường, cô về công tác tại Trường TH Hải Nam. Như nhiều GV mới “chân ướt chân ráo” về trường khi ấy, cô phải đi “nghĩa vụ” ở cơ sở phụ Phước Cơ 1 năm rồi mới về lại cơ sở chính. Cơ sở phụ Phước Cơ có 5 phòng học tường gạch lợp mái tôn, không “la phông”, không sân chơi. Trong mỗi phòng học chỉ có những bộ bàn ghế sờn cũ. Trường phải “kéo” điện từ ngôi miếu gần đó về “dùng nhờ”, chỉ ngày mưa mới dám mở đèn cho các em học.

Sau một năm “nghĩa vụ”, cô Phương lên gặp Hiệu trưởng nhà trường và đưa ra lời đề nghị khiến ai nấy không khỏi bất ngờ: Tình nguyện ở lại “đóng chốt” tại cơ sở phụ. “Khi ấy HS lớp tôi là con em của những gia đình lao động nghèo, quanh năm mò cua bắt ốc. Còn GV chúng tôi cũng chật vật với đồng lương ít ỏi, chỉ 164 ngàn đồng/tháng. Trong khi đó, riêng tiền đi xem buýt ngày 2 lượt tới trường đã tốn tới…180 ngàn đồng”, cô Phương nhớ lại và cho biết thêm, cô không sao quên được hình ảnh đồng nghiệp gầy gò, còng lưng đạp chiếc xe đạp cũ kỹ ngược chiều gió chướng, chở theo 2 đứa con nheo nhóc đến trường. Hầu như ai cũng có chồng là bộ đội, quanh năm đi biền biệt. Chồng cô cũng công tác xa nhà, nhưng may mắn hơn đồng nghiệp là được sống chung với bố mẹ chồng, được ông bà đỡ đần, nên cô quyết định đi “nghĩa vụ” thay các chị em còn vất vả hơn mình.

Đến cuối thập niên 90, với sự “ra đời” của bãi rác Phước Cơ, lớp học của cô Phương ngày càng đông khi thu nhận thêm những “công dân bãi rác” từ khắp mọi miền theo bố mẹ lang bạt nhặt rác mưu sinh: “Các em vất vả lắm! 3 giờ sáng đã phải đi nhặt rác. HS của tôi đủ mọi lứa tuổi, từ 6 tới 12, 14 tuổi, có em 16 tuổi vẫn tới ngồi ngoài hành lang lớp học, tha thiết bảo: “Cô, cô dạy cho con biết cái chữ thôi!”. Cô Phương thổn thức khi nhớ về những HS đặc biệt của mình.

Thắp sáng những mảnh đời khó khăn

Năm 2007, sau khi bãi rác Phước Cơ di dời về huyện Tân Thành (nay là TX. Phú Mỹ), cô Phương trở về Trường TH Hải Nam cơ sở chính, đảm nhiệm vị trí Bí thư Đoàn trường. Thế nhưng, hình ảnh những học trò đặc biệt ở những cơ sở phụ vẫn canh cánh trong lòng. Năm 2011, một lần nữa, cô Phương tình nguyện về cơ sở phụ Hải Đăng (trước thuộc Trường TH Hải Nam, nay thuộc Trường TH Võ Nguyên Giáp) và gắn bó cho đến tận bây giờ.

Cơ sở Hải Đăng hiện có 84 HS từ lớp 1 tới lớp 3, chủ yếu là HS nhập cư. HS lớp 4, lớp 5 được chuyển về cơ sở chính để được học tiếng Anh và Tin học. Lớp học của cô Phương có 39 em thì chỉ có 7 em là HS địa phương, còn lại 32 là HS tạm trú, lưu trú từ các địa phương khác về. Cuộc đời của các em là những mảnh ghép không hoàn hảo. Có em chỉ có cha hoặc mẹ, có khi chỉ có ông bà. Mỗi em một hoàn cảnh, nhưng “mẫu số chung” là sự thiếu vắng cả vật chất và tình thương. Có em đến lớp với những vết bầm tím do bị cha đánh sau những cơn say, có em chi chít vết thương trên mặt do bị chuột cắn, có em bị cha mẹ bỏ lại trường đi trốn nợ…

“Tôi chỉ là hạt cát nhưng sẽ làm tất cả vì các em”, cô Phương tâm sự. Mỗi năm học, cô vừa vận động từ thiện, vừa dành đồng lương ít ỏi của mình để lo cho các con từ bộ quần áo đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập, thẻ BHYT… Thậm chí, cô còn kiêm luôn vai trò chuyên viên tư vấn tâm lý cho phụ huynh, HS. Mỗi giờ lên lớp, cô kiên trì hướng dẫn các con từ cách cầm bút, cách đặt những nét bút đầu tiên: “Mình phải dạy thật kỹ, vì về nhà, sẽ không ai kèm cặp các con…”.

Hơn 30 năm đi dạy, cô nhớ mãi câu chuyện cậu HS tên Tr. bỏ học để đi lượm ve chai kiếm sống. Khi tới nhà vận động em ra lớp, cô hỏi: “Một ngày con lượm được bao nhiêu tiền ve chai?”. Tr. nói: “Một ngày em lượm được 28 cái ổ khóa”. “Ổ khóa ở đâu mà con lượm được nhiều vậy?”. “Thì em đi khắp các nhà, gia đình mở cổng đi làm chưa kịp khóa thì em lấy ổ khóa đó đem đi bán”, Tr. hồn nhiên đáp lời khiến tôi sững sờ…

Nếu không được đến trường, không biết cuộc đời cậu bé sẽ đi về đâu. Cô thấy vậy liền tới gặp phụ huynh mẹ của Tr. thì được biết hoàn cảnh của chị rất tội nghiệp, một thân một mình nuôi hai con nhỏ, đứa lớp 1, đứa chưa đầy tuổi, không biết làm gì kiếm sống. Để động viên Tr. đi học, cô vận động HS trong lớp quyên góp đồ cũ, ve chai tập trung về lớp. Với số ve chai quyên góp được, cô chia ra thành những bọc nhỏ, bỏ thêm 1 ít tiền, để sau mỗi buổi học đưa Tr. đem về cho mẹ bán lấy tiền. Nhiều năm trôi qua, cậu bé “mỗi ngày lượm được 28 ổ khóa” đã trở thành công nhân lái máy cẩu tại một khu chế xuất ở Sài Gòn. “Cảm ơn những gì cô đã làm cho em!”. Tr. thường nói trong những lần về thăm cô giáo cũ.

Có em HS theo học cô từ lớp 1, nhưng 12 năm sau vẫn được cô giúp đỡ để có tiền lên Sài Gòn ôn thi ĐH, rồi trở thành bác sĩ đa khoa ở bệnh viện tỉnh. Có em khuyết tật trí tuệ được cô Phương kiên trì kèm cặp nay đã có thể học hòa nhập với bạn bè… “Cảm ơn cô Phương đã cho con tôi một cơ hội!”, đó là lời nhắn nhủ đầy xúc động của một phụ huynh dành cho cô Phương, người đã trao cho những đứa trẻ đặc biệt cơ hội để thay đổi cuộc đời.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

 
.
.
.