.

Tái nhiễm sốt xuất huyết làm bệnh nặng hơn

Cập nhật: 20:36, 19/12/2022 (GMT+7)

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, mỗi người chỉ mắc sốt xuất huyết (SXH) 1 lần trong đời, nhưng đây là quan điểm hoàn toàn sai. Một người có thể mắc SXH tới 4 lần. Không những vậy, những lần tái nhiễm cũng có thể làm bệnh nặng hơn, thậm chí tử vong nếu không được chuẩn đoán, điều trị kịp thời.

Một người có thể nhiễm SXH 4 trong lần trong cuộc đời. Trong ảnh: Nhân viên y tế của Bệnh viện Vũng Tàu kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân SXH. (Ảnh mang tính chất minh họa)
Một người có thể nhiễm SXH 4 trong lần trong cuộc đời. Trong ảnh: Nhân viên y tế của Bệnh viện Vũng Tàu kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân SXH. (Ảnh mang tính chất minh họa)

Nhiều người tái nhiễm SXH

Đầu năm 2022, anh Nguyễn Văn Hoàng (36 tuổi, ở đường 30/4, TP.Vũng Tàu) đã mắc SXH. Thế nhưng, đến tháng 11, anh lại tiếp tục mắc SXH lần 2. Ở lần tái nhiễm này, tình trạng bệnh của anh nặng hơn lần nhiễm đầu. Ngoài sốt, cơ thể mệt mỏi, anh Hoàng còn bị giảm tiểu cầu sâu ở mức nguy hiểm khi còn 45G/L, chảy máu chân răng, chảy máu mũi. 

Nhờ có hiểu biết về bệnh SXH nên khi thấy xuất hiện các dấu hiện cảnh báo của bệnh có chiều hướng trở nặng anh đã nhập viện tại Bệnh viện Vũng Tàu và được điều trị kịp thời. “Mấy ngày đầu tôi điều trị tại nhà, nhưng khi thấy biểu hiện của bệnh nặng nên tôi nhanh chóng vào viện điều trị. Lần tái nhiễm này tôi bị bệnh nặng hơn, thời gian bình phục cũng dài hơn lần nhiễm đầu”, anh Hoàng nói.

Việc tái nhiễm SXH như anh Hoàng không là chuyện hiếm gặp. Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với Bệnh viện Vũng Tàu thực hiện về sự lưu hành của vi rút Dengue gây bệnh SXH cho thấy, nhiều người bệnh đã tái nhiễm SXH. 

Theo đó, Viện Dịch tễ Trung ương thu thập 4.927 mẫu từ các bệnh nhân nội trú, ngoại trú đến khám và sàng lọc sốt SXH Dengue tại Bệnh viện Vũng Tàu trong giai đoạn 2020-2022. Viện đã sử dụng kỹ thuật PRNT (trung hóa giảm đám hoạt tử phân tích) trên 567 mẫu. Kết quả ghi nhận mẫu có nhiều hơn 1 loại kháng thể kháng vi rút Dengue (đã từng nhiễm nhiều lần). Trong đó có 53 mẫu từng nhiễm 4 type D1, D2, D3 và D4; 78 mẫu nhiễm 3 type D1, D2 và D3; 62 mẫu nhiễm 3 type D1, D2 và D4.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 16.200 ca SXH, trong đó có hơn 1.200 ca có dấu hiệu cảnh báo và gần 250 ca nặng. Tỉnh đã có 16 ca tử vong do SXH.

Tái nhiễm SXH rất nguy hiểm

Theo các bác sĩ, bệnh SXH do vi rút Dengue gây ra. Loại vi rút này có 4 type gây bệnh, bao gồm: D1, D2, D3, D4. Mỗi lần mắc bệnh là do 1 type Dengue xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, mỗi người có thể mắc SXH 4 lần trong đời, tương ứng với 4 type Dengue. 

Nguyên nhân của tình trạng này là do có 4 type vi rút gây bệnh khác nhau nên mỗi lần mắc bệnh cơ thể người bệnh chỉ tạo ra miễn dịch với type vi rút đó mà không có khả năng chống lại các type Dengue còn lại. 

SXH tái nhiễm lần thứ 2 rất nguy hiểm do tình trạng bệnh thường nặng hơn lần đầu. Trong lần nhiễm đầu, bệnh nhân thường mắc SXH do vi rút type D1 gây ra. Đây là type cổ điển với những biểu hiện lâm sàng nhẹ như: người mệt mỏi, nhức đầu, xuất huyết ít, thời gian mắc bệnh ngắn. Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân sẽ có kháng thể suốt đời với type D1.

Tuy nhiên, ở lần mắc SXH thứ 2, bệnh nhân thường có biểu hiện nặng hơn do các type vi rút khác gây ra. Khi đó, cơ thể người bệnh tồn tại song song 2 loại kháng thể. 2 loại kháng thể này có thể xảy ra xung đột làm tăng phản ứng nên gây ra tình trạng bệnh nặng hơn như: choáng váng, xuất huyết, thậm chí là trụy tim. Hơn nữa, ở lần nhiễm thứ 2, bệnh nhân có thể có những diễn biến bất thường hơn, cần được theo dõi sát sao, đặc biệt là những trường hợp có bệnh mãn tính như: tiểu đường, tim mạch, gan, thận... hoặc phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, người cao tuổi.

Cũng theo các bác sĩ, việc chẩn đoán SXH tái nhiễm dựa vào triệu chứng lâm sàng kết hợp với các kết quả xét nghiệm và các yếu tố tiền sử nhiễm bệnh. Tái nhiễm SXH rất nguy hiểm nên người bệnh cần đặc biệt chú ý. Thông thường, SXH lần đầu có thể được điều trị khỏi tại nhà. Tuy nhiên, SXH lần 2 nguy hiểm hơn nên bệnh nhân tuyệt đối không được chủ quan mà cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị, hướng dẫn của bác sĩ. Có chế độ ăn uống hợp lý như: uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, các loại nước trái cây, uống oresol để bù nước, ăn đồ ăn dễ tiêu... Đặc biệt đối với những bệnh nhân bị béo phì, tiểu đường, tim mạch, phụ nữ mang thai, trẻ em… cần được theo dõi chặt chẽ và phải chuyển lên tuyến trên nếu bệnh diễn biến nặng.

GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định: “Tái nhiễm SXH có nhiều nguy cơ làm cho bệnh trở nặng hơn so với lần nhiễm đầu. Vì vậy, khi có dấu hiệu của việc tái nhiễm SXH, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

 
.
.
.