Phát huy vai trò, vị thế nhà giáo
TIN LIÊN QUAN:
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT về những đóng góp của “những người lái đò thầm lặng” và các giải pháp nâng cao năng lực, phẩm chất cùng vị thế của đội ngũ nhà giáo.
Nhiều nhà giáo đã được vinh danh vì sự cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục. Trong ảnh: Bà Trần Thị Ngọc Châu trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho thầy Trần Quang Vinh, GV bộ môn Toán, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng HS giỏi. |
* Phóng viên: Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, bà có thể điểm lại những thành tựu nổi bật mà ngành GD-ĐT tỉnh đã đạt được trong thời qua?
- Bà Trần Thị Ngọc Châu: Thấm nhuần quan điểm: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển”, những nhiệm kỳ qua, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn quan tâm, chăm lo cho giáo dục và đào tạo; Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển hệ thống trường, lớp, đầu tư trang thiết bị dạy học đáp ứng cho yêu cầu phát triển giáo dục-đào đạo theo hướng toàn diện, tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa; hỗ trợ học phí, tiền ăn cho học sinh, tăng cường chương trình dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ giáo viên, cán bộ làm công tác quản lý giáo dục.
Chất lượng phổ cập được duy trì và ngày càng nâng cao. Toàn tỉnh đã đạt được chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo nhân tài và đầu tư từ đào tạo chất lượng mũi nhọn THPT. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có 389 học sinh đạt giải quốc gia, trong đó có 04 giải nhất, 06 giải nhì, 123 giải ba và 198 giải khuyến khích. Đặc biệt, năm 2017, lần đầu tiên kể từ khi thành lập tỉnh, Bà Rịa-Vũng Tàu có HS giành Huy chương Vàng Olympic Toán học Quốc tế.
Cùng với việc giữ vững, củng cố chất lượng giáo dục, Bà Rịa-Vũng Tàu còn là một trong những địa phương đi đầu cả nước về xây dựng, kiên cố hóa hệ thống trường học. Bên cạnh đó, trang thiết bị dạy học cũng đáp ứng yêu cầu phát triển giáo GD-ĐT theo hướng toàn diện.
Có thể khẳng định, GD-ĐT của tỉnh đã có sự chuyển biến căn bản và toàn diện, phát triển và khẳng định vị thế với sự phát triển của giáo dục cả nước, tạo được niềm tin trong Nhân dân.
* Đóng góp vào những thành tựu đó, đội ngũ cán bộ quản lý, GV đã thể hiện vai trò của mình như thế nào, thưa bà?
- Đồng hành cùng chặng đường dài với nhiều thành tích đáng tự hào ấy, không thể không nói tới vai trò của đội ngũ nhà giáo, những người đưa đò thầm lặng đã không ngừng sáng tạo, miệt mài rèn đức, luyện tài, vượt qua bao khó khăn, lo toan trong cuộc sống, đã không ngừng cống hiến và hi sinh để thắp lửa tri thức và hun đúc tâm hồn, lý tưởng cho thế hệ tương lai.
Mặc dù còn có những khó khăn nhất định về trường lớp, cơ sở vật chất, cùng với việc thiếu GV các cấp học nhưng ngành GD-ĐT của tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đóng góp to lớn trong việc bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ, phát triển con người một cách toàn diện, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đặc biệt là trong giai đoạn ngành giáo dục phải đối mặt với không ít thử thách, khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi công nghệ để bắt kịp xu thế thời đại, thích ứng với phương thức dạy học mới. Cùng với sự cố gắng của các em HS, sự đồng hành ủng hộ của phụ huynh và toàn xã hội, các thầy cô đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết để hoàn thành nhiệm vụ năm học với nhiều kết quả tích cực, thực hiện thắng lợi mục tiêu “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”.
Từ đó, có thể thấy được vai trò không thể thay thế được của đội ngũ nhà giáo trong sự phát triển GD-ĐT của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
* Riêng với yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, cùng với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, đội ngũ nhà giáo đã có đóng góp như thế nào?
- Yêu cầu đổi mới căn bản GD-ĐT cùng với việc triển khai chương trình GDPT mới 2018 đòi hỏi đội ngũ nhà giáo ngoài truyền đạt kiến thức cho HS còn phải hướng dẫn các em phát huy khả năng tự học, tự trau dồi, giúp HS phát huy phẩm chất, năng lực của mình. Trước yêu cầu đó, đội ngũ nhà giáo của tỉnh đã không ngừng bồi dưỡng, học hỏi để từng bước thích nghi, thậm chí nhiều thầy cô đã chủ động “đi trước đón đầu” xu thế mới. Nhờ vậy, GD-ĐT của tỉnh đã có sự chuyển biến căn bản và toàn diện, việc triển khai chương trình GDPT mới có nhiều thuận lợi.
* Ngành sẽ làm gì để tiếp tục nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ và củng cố, nâng cao vị thế nhà giáo, thưa bà?
- Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho đội ngũ bồi dưỡng, nâng cao kiến thức. Cùng với đó, tỉnh sẽ có những chương trình, chính sách tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo thực hiện chương trình GDPT mới một cách thiết thực và chất lượng nhất. Song song với việc quan tâm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo để các thầy cô toàn tâm, toàn ý cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Bên cạnh chuyên môn, ngành còn chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo về kỹ năng giảng dạy, ứng xử, kỹ năng tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tâm lý cho phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, vị thế của nhà giáo trong xã hội đã có nhiều thay đổi. Đội ngũ nhà giáo đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Ngoài vấn đề thu nhập thấp, nhà giáo còn phải đối mặt với áp lực rất lớn khi toàn xã hội đều tham gia đóng góp cho giáo dục.
Để nâng cao vị thế nhà giáo, tôi cho rằng, cần có cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ GV, song song với việc bồi dưỡng kiến thức xã hội để GV có thể đối diện với áp lực trong công việc và trong cuộc sống.
Tôi mong muốn xã hội nhìn nhận, sẻ chia, thấu hiểu, đồng hành với ngành GD-ĐT nói chung và các thầy cô giáo nói riêng. Hãy đóng góp cho ngành với mục đích xây dựng một cách tích cực để ngành giáo dục ngày càng phát triển.
Với đội ngũ nhà giáo, tôi mong muốn các thầy cô hãy lắng nghe phản hồi từ xã hội, coi đó là tấm gương phản chiếu để nhìn nhận, soi rọi lại bản thân mình. Nếu đã làm tốt, các thầy cô hãy phát huy để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Nếu chưa hãy tự điều chỉnh để hoàn thiện bản thân mình. Từ đó, các thầy cô sẽ trở thành tấm gương sáng cho học trò, góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong giáo dục.
|
* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
KHÁNH CHI (Thực hiện)