.
KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11)

Không ngừng sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học

Cập nhật: 18:54, 18/11/2022 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN:

Dù ở cương vị công tác nào, những “người đưa đò thầm lặng” vẫn không ngừng sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học để truyền đạt kiến thức đến HS một cách dễ dàng, gần gũi nhất.

Nhờ thay đổi phương pháp giảng dạy của cô Đặng Thị Bưởi nên HS thích thú học môn Lịch sử hơn.
Nhờ thay đổi phương pháp giảng dạy của cô Đặng Thị Bưởi nên HS thích thú học môn Lịch sử hơn.

Đưa môn Lịch sử đến gần HS

Sáng 17/11, lớp 11A1, Trường THPT Hắc Dịch (TX.Phú Mỹ) có tiết Lịch sử, với bài học về Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Trong tiết học trước, nhóm HS gồm 4 em: Như Ý, Vân Anh, Thị Thúy và Trúc Diễm được cô Đặng Thị Bưởi, GV môn Lịch sử giao nhiệm vụ chuẩn bị bài thuyết trình về tình hình nước Nga trước năm 1917. Sau 4-5 ngày chuẩn bị, nhóm HS trên đã hoàn thành bài thuyết trình trên phần mềm Powerpoint, với nhiều hình ảnh lịch sử sinh động, minh họa cho bài học. Nhóm còn cử ra một HS thuyết trình, giải đáp các ý kiến của các bạn trong lớp. Cô Bưởi là người cuối cùng nhận xét, góp ý và bổ sung những kiến thức còn thiếu trong bài thuyết trình, thảo luận của học trò.

Đây là một trong những phương pháp dạy học mới mà cô đang áp dụng, được HS đón nhận. Em Như Ý nói: “Em thích cách cô Bưởi giao nhiệm vụ, gợi ý cho chúng em giải quyết vấn đề. Trong quá trình tìm kiếm hình ảnh và nội dung cho bài thuyết trình môn Lịch sử đã giúp em nắm chắc vấn đề hơn. Bài thuyết trình có các hình ảnh sinh động sẽ làm cho môn học trở nên hấp dẫn và thích thú”.

Cô Bưởi chia sẻ, là người đam mê và yêu thích môn Lịch sử. Nhưng cô thấy dư luận xã hội vẫn còn xem nhẹ môn học này, cho đây là môn học khô khan, nhàm chán. Do đó, cô luôn trăn trở làm sao để môn học đến gần với HS hơn. “Muốn HS thay đổi thì mình phải thay đổi trước”, cô nói. Là GV giàu tâm huyết, hết lòng với nghề, cô Bưởi đã không ngừng sáng tạo, đổi mới phương pháp để mỗi giờ học Lịch sử trở nên hấp dẫn, thú vị. Mỗi tiết dạy của cô không còn khô khan với những sự kiện, ngày tháng, số liệu, thay vào đó là sự sống động qua cách tổ chức lớp học, cách gợi mở kiến thức từ những câu chuyện kể, sơ đồ, hình ảnh, video minh họa, kiến thức liên môn và cả những ví dụ liên tưởng gần gũi. Sự đổi mới cách dạy của cô không chỉ giúp HS dễ tiếp cận kiến thức, hoàn thành chương trình học mà quan trọng đã giáo dục cho các em thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.  

Phát huy sự sáng tạo của HS

Cũng là một nhà giáo có tiếng, cô Đỗ Thị Thúy Dương, GV Ngữ văn Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã “làm mới” phương pháp dạy học của mình. Cô cho rằng, nhiều HS vẫn xem học Văn là đọc, chép kiến thức, học thuộc các bài văn mẫu… Song thực tế, học Văn cũng cần có tư duy sáng tạo, cần nắm được phương pháp học và làm bài hiệu quả. Nhằm tăng cảm hứng cho môn học, gợi mở đam mê nghiên cứu, rèn tư duy phản biện, đối thoại và các kỹ năng mềm khác cho HS, cô đã thực hiện dự án CLB Văn học - Nghệ thuật.

Đơn cử như Chương trình Ngữ văn lớp 12 có phần Văn học Việt Nam từ Cách mạng 1945-1975. Để giúp HS hiểu rõ và cảm thấy không xa lạ với giai đoạn lịch sử này, cô Dương đã dạy bài học qua dự án CLB Văn học - nghệ thuật với tên gọi “Chiến tranh trong mắt tôi”. Cô liên hệ và mời các “nhân chứng sống” là cựu chiến binh các thời kì chiến tranh đến cùng sinh hoạt, nói chuyện với học trò. Cô Dương còn thực hiện các dự án trang website văn học và kênh Youtube về dạy học Văn, nhằm xây dựng cộng đồng dạy học Văn miễn phí.

Ngoài ra, cô Dương còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong dạy môn Ngữ văn. Cô phân tích, trong SGK Ngữ văn bậc THPT, các tác giả có giới thiệu nhiều văn bản về một chủ đề, nhưng thời gian dạy của GV eo hẹp. Người dạy chỉ cần lưu tâm 2 vấn đề về yêu cầu cần đạt (về phẩm chất, năng lực) và xu hướng kiểm tra đánh giá thì việc dạy sẽ không nặng nề. Hơn nữa, trong hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn bậc phổ thông cần tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu HS vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để các em khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe.

Do đó, xu hướng kiểm tra, thi cử sẽ không dùng văn bản trong 3 bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh diều) mà căn cứ vào thể loại và lựa chọn văn bản ngoài SGK. Đây là điểm khác biệt so với chương trình và lối kiểm tra cũ, tránh được việc học và đoán đề trúng tủ trong thi cử. Cô Dương cho rằng, GV nên xóa bỏ tư tưởng phải dạy hết các văn bản trong SGK mà chọn một vài văn bản phù hợp với điều kiện từng lớp, tập trung dạy và làm bài kỹ 1 hoặc 2 văn bản, các văn bản khác cho tìm hiểu khái quát, HS tự trình bày cảm nhận riêng. 

Tâm huyết với nghề

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu Trưởng Trường TH Nguyễn Thái Học (TP.Vũng Tàu) đã có hơn 25 năm công tác trong ngành giáo dục. Cô đã kinh qua nhiều vị trí từ giáo viên đứng lớp đến cán bộ quản lý ở nhiều đơn vị trường học. Nhưng ở vị trí nào, cô Thủy đều phát huy năng lực, phẩm chất đạo đức và tình yêu với nghề. 

Chỉ tính sau 2 năm về làm Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thái Học, diện mạo và chất lượng dạy học của nhà trường được nâng lên đáng kể. Trong đó, cô đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 1-3. Cô quan niệm, đội ngũ nhà giáo tốt thì làm việc gì cũng thành công. Vì vậy, cô đã chú trọng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho GV, tổ chức nhiều chuyên đề để giải quyết những vướng mắc cũng như chia sẻ các phương pháp dạy học mới cho đồng nghiệp.

Mặt khác, cô còn mạnh dạn thực hiện xã hội hóa về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để phục vụ việc dạy và học; đồng thời phối hợp chặt chẽ và trao đổi với phụ huynh để HS chủ động, tự giác học tập.

Là người đứng đầu một đơn vị có gần 100 cán bộ, GV, nhân viên, cô Thủy luôn tạo cho đồng nghiệp có môi trường làm việc thoải mái và xây dựng tập thể nhà trường đoàn kết, gắn bó. “Tôi luôn làm việc công tâm, khách quan, khen thưởng rõ ràng. Khi xử lý công việc vừa phải có lý có tình, tìm hiểu kỹ hoàn cảnh từng GV để có sự hỗ trợ kịp thời”, cô Thủy tâm sự.

Cùng với tập trung nâng cao chất lượng dạy học, cô Thủy còn khởi xướng nhiều hoạt động ngoài giờ như: Phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, mở các lớp năng khiếu… nhằm phát triển thể lực và năng khiếu cho học trò. Cô tiết lộ, mong muốn lớn nhất của cô là xây dựng ngôi trường thân thiện, hạnh phúc và tiên tiến, HS an toàn. HS vừa được học văn hóa vừa được tham gia các hoạt động phong trào và các kỹ năng mềm, nhất là khả năng giao tiếp tiếng Anh. Vì vậy, cô đã mạnh dạn liên kết với các trung tâm anh ngữ có GV nước ngoài đến dạy tăng cường các tiết tiếng Anh cho HS, đồng thời mỗi khối tổ chức 1 CLB tiếng Anh và sinh hoạt 1 tháng/lần.

“Khi còn làm GV tôi luôn tâm niệm phải dạy học bằng cả trái tim nhiệt huyết và tình yêu thương HS. Khi làm quản lý, tôi muốn xây dựng đội ngũ nhà giáo có tâm, có tầm, hết lòng vì học trò”, cô Thủy nói thêm.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

.
.
.