.
KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11)

Miệt mài gieo chữ

Cập nhật: 18:27, 18/11/2022 (GMT+7)

Trong sự tất bật, hối hả của cuộc sống, với những nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền thì vẫn còn có không ít người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, mang chữ đến trẻ em nghèo, góp phần cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thầy Đặng Phúc Tôn dạy chữ cho các em nhỏ tại lớp học tình thương ở Chùa Hương Hải (ấp 4, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ).
Thầy Đặng Phúc Tôn dạy chữ cho các em nhỏ tại lớp học tình thương ở Chùa Hương Hải (ấp 4, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ).

Gieo chữ nơi cửa Phật

Khi ngày mới bắt đầu, những giọt nắng nhẹ tràn qua kẽ lá cũng là lúc các em nhỏ tất tả đến với lớp học tình thương mang tên “Hạnh phúc từ trái tim nhân ái” tại Chùa Hương Hải (ấp 4, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ). 25 em của lớp học này có độ tuổi từ 5-15, đa phần đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là các em dân tộc Khơme ở Sóc Trăng theo cha mẹ lên đây mưu sinh. Đây là lớp học bán trú từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Lớp học không chỉ là nơi các em được cung cấp kiến thức mà còn được truyền đạt nhiều kỹ năng sống, điều hay, lẽ phải trong cuộc sống và quan trọng hơn, đó chính là nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ mọi người xung quanh.

Lớp học do Thượng toạ Thích Trí Định, Phó Thư ký - Trưởng Ban Thông tin- Truyền thông Ban Trị sự GHPG tỉnh và sư Tịnh Kiến tại Chùa Hương Hải mở lớp. Là người đứng lớp dạy trực tiếp các em nhỏ tại đây, thầy giáo Đặng Phúc Tôn (SN 1964, nguyên Hiệu trưởng Trường TH Tóc Tiên) chia sẻ, sau gần 5 tháng đưa lớp học tình thương đi vào hoạt động, nhiều phụ huynh đã gọi điện đến để nói lời cảm ơn, vì con cháu của họ đã có nhiều thay đổi tiến bộ.

“Phụ huynh khoe rằng con của mình đã học được đức tính lễ phép, biết chào hỏi và nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ. Ngoài ra, các bé ở nhà mỗi tối còn thường tập đọc, tập viết. Khi nghe những điều chia sẻ từ phía phụ huynh, mọi mệt nhọc, lo lắng trong tôi đều tan biến, thay vào đó là niềm vui, hạnh phúc”, thầy Tôn nói.

Là lớp trưởng của lớp, học giỏi nhưng hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, em Nguyễn Văn Hom, 14 tuổi, đến từ Sóc Trăng chia sẻ: “Ba mẹ và 2 anh trai hằng ngày phải mưu sinh bằng nghề nhặt rác. Từ khi tham gia lớp học, em đã đọc thành thạo tiếng Việt, biết viết và tính số. Em sẽ cố gắng học để làm người tử tế”.

Hết lòng vì học sinh nghèo

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng hơn 30 năm qua, thầy Trần Đức Thảo (80 tuổi, ngụ nhà số 319/4, Trần Phú, phường 5, TP. Vũng Tàu) vẫn duy trì đều đặn lớp học tình thương của mình. Lớp học đặc biệt này không ồn ào, náo nhiệt, không tiếng trống khai trường. Ở đó, người dân chỉ bắt gặp hình ảnh ông giáo già vẫn cần mẫn lên lớp uốn nắn từng nét chữ, hướng dẫn từng phép tính cho những em nhỏ, học sinh nghèo. Lớp học mới đầu chỉ có 3, 4 em nhưng đến nay, đã có 30 em từ 5 đến 14 tuổi, học theo nhiều chương trình từ lớp 1 đến lớp 5.

Hầu hết các em học tại lớp tình thương đều có hoàn cảnh rất khó khăn, cha mẹ bán vé số, phụ hồ, xé cá, mực thuê… không đủ điều kiện cho con đến trường. Cũng có những em chậm tiếp thu nên không thể theo chương trình tại các trường phổ thông. Đến lớp học tình thương, các em được học kiến thức, bài học đạo đức, kỹ năng sống. Theo hoàn cảnh đặc thù của từng HS, thầy Thảo tổ chức lớp học linh hoạt, có thể rất sớm từ lúc 6 giờ 30, và cũng có thể rất muộn đến 19 giờ hằng ngày.

Nhìn lại thành quả nhiều năm đứng lớp, thầy Thảo khiêm tốn nói mình chưa làm được gì nhiều, chỉ mong “tụi nhỏ sống có ích cho xã hội là được rồi”. Ròng rã suốt gần 30 năm qua, thầy vẫn lặng lẽ làm cái việc mà nhiều người cho là “rảnh”. Nhưng với thầy cái “rảnh” này khiến ông hạnh phúc và thấy mình sống có ý nghĩa mỗi ngày. Cứ thế suốt gần 30 năm qua, đã có hàng ngàn học trò trưởng thành từ lớp học tình thương này.

Bài, ảnh: THÙY HƯƠNG

.
.
.