Nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho các nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) cũng như người khuyết tật (NKT) tạo điều kiện cho các đối tượng hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống, trong những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và Bảo trợ xã hội tỉnh (gọi tắt là Tỉnh hội) đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó đáng chú ý là đã hỗ trợ sinh kế, giúp cho nhiều gia đình có người khuyết tật thoát nghèo bền vững.
Bà Hoàng Thị Hường (ngụ tại ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) thành công với mô hình nuôi dê ổn định cuộc sống. |
Khơi dậy ý chí vươn lên
Trong căn nhà lợp ngói đơn sơ, bà Hoàng Thị Hường (SN 1970, ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) cười hạnh phúc khi nhắc lại chuyện gia đình bà được Tỉnh hội hỗ trợ cho vay vốn để ổn định kinh tế. Đã nhiều năm qua, bà Hường hết sức vất vả vì ngày ngày phải dành rất nhiều thời gian để chăm lo cho đứa con mắc hội chứng Down. Thấy rõ hoàn cảnh của bà, năm 2019, bà Hường được Tỉnh hội hỗ trợ 20 triệu đồng.
Với số vốn được hỗ trợ, bà Hường đầu tư nuôi 2.000 con gà, mỗi năm thu nhập gần 40 triệu đồng. Đến năm 2021, nhận thấy nuôi dê ít tốn công chăm sóc, giá trị kinh tế cao, bà Hường đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi dê. Hiện tại, đàn dê đã có 25 con, ước tổng giá trị trên 100 triệu đồng. Mỗi năm xuất bán thu lại lợi nhuận trên 50 triệu đồng, giúp gia đình bà Hường có cuộc sống tốt hơn.
Bà Hường tâm sự: “Nhờ có Hội giúp đỡ gia đình nên có được nguồn vốn ban đầu, tạo đà để phát triển kinh tế, để lo cho con và ổn định hơn trong cuộc sống. Mong rằng trong thời gian tới, Hội sẽ giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn”.
Cũng được hỗ trợ sinh kế để trồng rau phát triển kinh tế, ông Lê Công Hoan (SN 1970, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) là NKT, vui mừng không sao tả xiết. “Dù tật nguyền nhưng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để ổn định cuộc sống”, ông Hoan tâm sự.
Năm 2019 được Tỉnh hội hỗ trợ cho vay 150 triệu đồng, ông Hoan thuê mảnh đất 7.000m2, luân phiên trồng rau và hoa hồng. Vườn rau đang phát triển tốt và cho thu hoạch liên tục, bình quân thu nhập trên 1 triệu đồng mỗi ngày. Ngoài ra, ông Hoan còn nuôi thêm 100 con gà thả vườn để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Trên đây chỉ là 2 trong nhiều NKT được hỗ trợ sinh kế từ Tỉnh hội. Chính nhờ sự động viên kịp thời đã tạo thêm niềm vui, động lực giúp họ có thêm nghị lực sống và khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và cho xã hội.
“Chìa khóa” xóa đói giảm nghèo
Toàn tỉnh hiện có 11.550 NKT, trong đó có hơn 10.000 người được hưởng trợ cấp. Giúp NKT có công việc phù hợp với khả năng là chìa khóa giải quyết vấn đề việc làm, đồng thời tạo nguồn sinh kế bền vững, lâu dài cho họ.
Thực hiện đề án trợ giúp NKT, Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh đã chi 1 tỷ đồng từ nguồn Quỹ của Hội cho NKT vay vốn để chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh sản xuất nhỏ. Từ năm 2019 đến nay, Tỉnh hội đã trợ giúp cho 21 hộ NKT được tiếp cận nguồn vốn vay này với tổng số tiền 735 triệu đồng. Mỗi hộ được vay từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tùy vào hoàn cảnh gia đình và mục đích sử dụng vốn mà số tiền cho vay khác nhau. Hầu hết, các hộ NKT được nhận vốn vay đều đầu tư chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả, thu nhập ổn định, cuộc sống được cải thiện đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thao, Phó chủ tịch Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh nhấn mạnh: “Xác định hỗ trợ sinh kế cho NKT là hướng đi bền vững giúp họ có thêm “cần câu” để phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, những năm qua, Hội đã tập trung đẩy mạnh các mô hình sinh kế cho NKT thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các mô hình sinh kế đều cho kết quả khả quan, từ nguồn hỗ trợ ban đầu đã cho ra những con giống mới”.
Bài, ảnh: THÙY HƯƠNG