Giải bài toán thiếu giáo viên và trường lớp

Thứ Ba, 30/08/2022, 18:52 [GMT+7]
In bài này
.

Để chuẩn bị các điều kiện cho năm học 2022-2023, hiện nay, các địa phương đã áp dụng nhiều cách để giải bài toán về cơ sở vật chất, nhân sự, đồng thời có những kiến nghị, đề xuất để từng bước tháo gỡ “nút thắt” này.

Năm học này, ngành giáo dục tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu GV.  Trong ảnh: HS lớp 1 Trường TH Thắng Nhì (TP. Vũng Tàu) trong 1 tiết học. Ảnh: KHÁNH CHI
Năm học này, ngành giáo dục tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu GV. Trong ảnh: HS lớp 1 Trường TH Thắng Nhì (TP. Vũng Tàu) trong 1 tiết học. Ảnh: KHÁNH CHI

Nỗ lực khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu  cho biết, để bảo đảm phòng học cho các trường, UBND TP. Vũng Tàu đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng Trường TH Phước Sơn để khắc phục khó khăn thiếu phòng học của các trường trên địa bàn phường 11. Ngoài TH Phước Sơn còn có MN Phường 5, TH Lưu Chí Hiếu được thành lập mới và đi vào hoạt động trong năm học 2022-2023. Bên cạnh đó, phòng GD-ĐT cho phép Trường THCS Thắng Nhất mượn tạm 10 phòng học của Trường TH Nguyễn Hữu Cảnh mới xây dựng cho HS học. Đồng thời hướng dẫn các nhà trường sắp xếp cho HS các khối học theo 2 buổi: lớp 8, 9 học buổi sáng, khối 6, 7 học buổi chiều và sắp xếp, chuyển đổi công năng để sử dụng và tận dụng các phòng chức năng thành phòng học. UBND thành phố đã phê duyệt 7 dự án mở rộng, nâng cấp các trường học với kinh phí hơn 70 tỷ đồng. Các dự án này đã và đang được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu trường lớp HS trên địa bàn. Trong dịp hè năm 2022, UBND thành phố đã phê duyệt sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất 16 trường với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Các dự án đều thực hiện đúng tiến độ để bàn giao trước khi bước vào năm học mới.

Ngoài ra, UBND TP. Vũng Tàu sẽ sớm triển khai các dự án mở rộng đã đề xuất, cho chủ trương cải tạo, nâng cấp Trường THCS Thắng Nhất để sớm khắc phục tình trạng thiếu phòng học trong năm học 2022- 2023 và các năm học tiếp theo.  Số lượng phòng học của các dự án xây mới cũng được đề xuất tăng để đáp ứng yêu cầu thực tế. Cùng với đó, các dự án cấp tỉnh đã được phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 cũng sẽ được đẩy nhanh tiến độ để bảo đảm việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tại TX. Phú Mỹ, sau khi các trường hoàn thành công tác tuyển sinh, UBND thị xã điều chỉnh một vài trường có sĩ số HS quá cao. Cùng với đó, thị xã tiếp tục xây dựng thêm phòng học, trường học mới ở các địa phương có số HS tăng cơ học cao như phường Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Hắc Dịch, Tân Phước. Giai đoạn 2021-2025 có 5 dự án trường học khởi công mới, 4 dự án trường học thành lập mới. Đồng thời chỉ đạo các phường, xã làm tốt công tác điều tra trẻ, xây dựng phân tuyến tuyển sinh phù hợp. Ông Nguyễn Quý Phúc cho biết thêm, năm 2022, UBND thị xã đã đầu tư sửa chữa 8 trường học, tập trung sửa chữa nhà vệ sinh, thay ngói chống dột, lát gạch sân… hoàn thành trước khi HS tựu trường năm học mới.

Theo bà Dương Yến Phượng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Long Điền để kịp thời chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới, trong dịp hè, huyện đã cho sửa chữa 24 trường, gồm 5 trường MN, 11 trường TH, 8 trường THCS với tổng kinh phí dự toán trên 48 tỷ đồng.

Mới đây, tại buổi làm việc với các địa phương, Sở GD-ĐT và các sở, ngành có liên quan, ông Bùi Chí Tình, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đề nghị các địa phương, ngành giáo dục cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cho năm học mới. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới công tác quản trị trường học, quy hoạch, giải phóng mặt bằng cho các dự án trường học và đặc biệt là vấn đề thiết kế, thi công dự án trường lớp bảo đảm chất lượng và phù hợp.

Tìm lời giải cho bài toán nhân sự

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu, hiện nay, UBND thành phố đã xây dựng nhu cầu tuyển dụng và tới cuối tháng 6 vừa qua đã được Sở Nội vụ phê duyệt cho tuyển 152 chỉ tiêu GV, nhân viên, thực hiện tuyển dụng từ tháng 8 đến tháng 9. Cùng với đó, UBND TP. Vũng Tàu đề nghị UBND tỉnh ban hành đầy đủ và đồng bộ các cơ chế chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa, chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện hoạt động theo hình thức tự chủ ngoài công lập để giảm gánh nặng biên chế cho nhà nước trong thời gian sớm nhất. Thành phố cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét, thẩm định, giao bổ sung số lượng người làm việc theo định mức và giao biên chế cho các đơn vị và cho trường thành lập mới trên địa bàn để góp phần khắc phục tình trạng quá tải về trường lớp.

Tương tự, TX. Phú Mỹ đề xuất tỉnh có kế hoạch đào tạo nguồn GV, đặc biệt là GV TH và GV các môn năng khiếu để giải quyết vấn đề nguồn tuyển, giao bổ sung biên chế cho địa phương để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong năm học 2022-2023 và những năm học kế tiếp. Thị xã cũng kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan có văn bản hướng dẫn cụ thể cơ chế thi, nguồn thu, chi, hạch toán Theo Nghị định 60 của Chính phủ về tự chủ tài chính để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, góp phần giải quyết vấn đề nhân sự trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục.

Còn tại huyện Đất Đỏ, bà Đỗ Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện kiến nghị cấp có thẩm quyền cho chủ trương hợp đồng thỉnh giảng GV theo “chuẩn cũ” trong năm học 2022-2023 nhằm tạo điều kiện cho các trường sắp xếp nhân sự giảng dạy cho năm học.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT thì nhận định việc giải “cơn khát” về nguồn tuyển chính là giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn về nhân sự vào lúc này. Theo bà Châu, ngành GD-ĐT đã đề nghị các địa phương tiếp tục tuyển mới GV bằng những giải pháp khác nhau. Trong đó, yêu cầu các Phòng GD-ĐT tham mưu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý Nhà nước về giáo dục, đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức để thông tin tuyển dụng đến được với người có nhu cầu… Cùng với đó là việc đổi mới, minh bạch công tác tuyển dụng, tăng cường tiếp nhận viên chức của các địa phương khác trong và ngoài tỉnh sao cho không vượt chỉ tiêu biên chế được giao.

Sở GD-ĐT cũng đã yêu cầu Trường CĐ Sư phạm BR-VT thường xuyên đăng tải nhu cầu tuyển dụng GV của các địa phương trên toàn tỉnh, lập danh sách SV đã tốt nghiệp đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng chưa có việc làm phù hợp gửi đến các huyện, thị xã, thành phố, khuyến khích các SV đã tốt nghiệp nhưng chưa đạt chuẩn GV theo Luật Giáo dục 2019 tiếp tục học liên thông lên ĐH, tập trung vào các chuyên ngành mà tỉnh còn thiếu GV trầm trọng.

Để “điều tiết” lại nguồn tuyển GV, các phòng chuyên môn và đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT chủ động liên hệ các cơ sở đào tạo GV ngoài tỉnh, thường xuyên cập nhật thông tin, kế hoạch tuyển dụng GV của các địa phương trên website của Sở. Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Sở cũng tăng cường hướng nghiệp cho HS khối 12 đăng ký nguyện vọng ngành sư phạm các bộ môn mà tỉnh không có nguồn tuyển.

Trước mắt, các địa phương nghiên cứu phương án sắp xếp lại đội ngũ GV trên địa bàn, sắp xếp số lượng HS/lớp, bố trí GV dạy tăng tiết các bộ môn còn thiếu, bảo đảm không vượt quá quy định về giờ làm thêm của GV…

Theo bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 381 trường công lập. Tổng kinh phí sửa chữa các cơ sở giáo dục chuẩn bị cho năm học 2022-2023 ước khoảng 230 tỷ đồng, chủ yếu là sửa chữa nhỏ, cải tạo, chống xuống cấp, sửa chữa nhà vệ sinh trường học. Riêng các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD-ĐT, hàng năm đều thực hiện chống xuống cấp, sửa chữa nhà vệ sinh với kinh phí khoảng 13,5 tỷ đồng.

NHÓM PV GIÁO DỤC

;
.