Ngày 30/9, Sở TN-MT tổ chức hội thảo “Đề án quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo kết quả khảo sát, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hơn 1.288 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị gần 861 tấn/ngày, khu vực nông thôn gần 419 tấn/ngày, khu vực hải đảo 8,84 tấn/ngày. TP. Vũng Tàu có khối lượng rác thải lớn nhất với hơn 450 tấn/ngày. Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện phân loại (trừ thôn 1, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu), đang xử lý bằng hình thức chôn lấp hở. Sở TN-MT đã đề xuất các phương án xử lý bằng công nghệ đốt hiện đại nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được triển khai.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Thạc sĩ Võ Hồng Phong, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam báo cáo quá trình tổ chức thực hiện đề án “Đề án quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; phân tích sâu các nhiệm vụ và giải pháp phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Theo đó, có 7 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn gồm: Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn phân loại; nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành; giải pháp về cơ chế chính sách; ngăn ngừa, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý; phân loại chất thải nhựa; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, dự án ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xây dựng các dự án phân loại rác tại nguồn cho từng khu vực đô thị, nông thôn và hải đảo.
QUANG VŨ