Giải tỏa căng thẳng học đường bằng sự thấu hiểu, đồng cảm

Thứ Năm, 29/09/2022, 20:34 [GMT+7]
In bài này
.

TS. Lê Nguyên Phương, chuyên gia tâm lý giáo dục Hoa Kỳ - người từng được trao giải Chuyên gia thực hành Tâm lý học đường quốc tế kiệt xuất (Outstanding International School Psychology Practice) của Tổ chức Tâm lý học đường quốc tế (ISPA) -  đã có những chia sẻ với HS THPT, GV làm công tác tư vấn tâm lý học đường trên địa bàn tỉnh về vấn đề giải tỏa căng thẳng học đường cho HS phổ thông.

Các em HS bày tỏ sự cảm ơn với TS. Lê Nguyên Phương vì những chia sẻ hữu ích.
Các em HS bày tỏ sự cảm ơn với TS. Lê Nguyên Phương vì những chia sẻ hữu ích.

Nhận diện căng thẳng

TS. Lê Nguyên Phương cho biết, người đang bị căng thẳng thường có triệu chứng căng cứng, mỏi và đau ở vùng hàm, gáy và hai bên bả vai, một số trường hợp sẽ nghiến răng khi ngủ. Bên cạnh đó trí nhớ của các em sẽ suy giảm, nhiều khi đầu óc trống rỗng. Căng thẳng kéo dài thường dẫn tới lo âu, thậm chí trầm cảm, đột quỵ, hay các bệnh về tim mạch.

TS.Lê Nguyên Phương phân tích, khi căng thẳng, lượng adrenaline trong máu cao hơn. Muốn giải quyết căng thẳng ngay tức thì, trước hết, các em phải có cảm giác mình đang ở trong không gian, thời gian an toàn, bỏ qua những suy nghĩ về vấn đề khiến các em căng thẳng và thông qua cử chỉ nhỏ như ngáp, vuốt lên môi, hay thiền để kích hoạt hệ thống thần kinh đối giao cảm. Ngoài ra, việc đi bộ, nghe nhạc có thể giảm căng thẳng nhưng không tác động quá nhiều.

Theo TS. Phương, nguyên nhân khiến các em HS căng thẳng đa phần là do vấn đề học tập. “Có em vừa nhận điểm 4, điểm 3 đã cảm thấy cuộc đời sụp đổ, có em không thi vào được trường đã chọn liền có ý nghĩ tiêu cực. Sự thực thì điểm số không quan trọng tới mức đó. Điểm trên ghế nhà trường trung học chỉ tỷ lệ rất thấp, thấp hơn 50% sự thành công của các em trong cuộc sống. Do đó, không nên đặt ra những mục tiêu quá sức và nên cân bằng giữa học tập với nghỉ ngơi, thư giãn…”, TS. Phương nói. Ông cũng lấy dẫn chứng về cuộc đời của chính mình: “Năm 28 tuổi, khi định cư tại Hoa Kỳ, tôi mới bắt đầu học ĐH năm thứ nhất. Và cuối cùng tôi vẫn sống một cuộc sống mà tôi nghĩ rằng khá hạnh phúc và tạm gọi là thành công. Dù trong hoàn cảnh nào thì điều quan trọng là tôi chưa bao giờ mất đi niềm tin vào chính bản thân mình”.

Bên cạnh đó, những căng thẳng ở lứa tuổi học đường nhiều khi còn xuất phát từ phía gia đình. TS. Phương khẳng định giải quyết vấn đề này là điều không hề dễ dàng bởi các em còn ở độ tuổi nhỏ, nương tựa về vật chất và trông cậy về tinh thần vào người lớn nhưng lại bị chính người thân của mình bạo hành về bằng lời nói và hành động. “Nhiều khi người thân của các em không có ác ý mà họ có những áp lực riêng trong cuộc sống nhưng không biết cách “hóa giải” cơn giận dữ của mình như thế nào mà chỉ biết đổ lên đầu con cái. Trong trường hợp này, các em nên nhờ tác động từ những người ngoài cuộc như thầy cô giáo, nhân viên tham vấn tâm lý học đường”, TS. Lê Nguyên Phương đưa ra lời khuyên. Ông cũng bày tỏ hi vọng trong tương lai, GV phụ trách tham vấn tâm lý bên cạnh việc tư vấn cho HS có thể tư vấn cho phụ huynh phương pháp dạy con hiệu quả cùng cách hóa giải những cơn giận dữ.

Theo TS. Phương, việc khuyên nhủ bằng những lời nói suông sẽ không giải quyết được bất cứ vấn đề gì. Nhân viên tham vấn tâm lý hãy nói chuyện cởi mở, cùng thảo luận với HS để lập nên kế hoạch thay đổi hành vi. Để can thiệp hành vi tích cực, đừng kỳ vọng hay bắt buộc các em phải lập tức thay đổi trong thời gian ngắn mà cần chia thành từng bước. Mỗi lần đạt được tiến bộ, dù nhỏ, cũng nên thưởng cho các em bằng nhiều cách như tặng phiếu bớt làm bài tập hoặc không bị trả bài trong 1 ngày nào đó, khen ngợi, tặng cho các em một món quà nhỏ… “Còn khi các em có những hành vi tiêu cực, đừng vội đem nội quy, quy định ra nói chuyện với các em, mà trước hết cần công nhận cảm xúc của HS, lắng nghe các em chia sẻ, cùng các em suy nghĩ cách giải quyết vấn đề tích cực hơn khi gặp trường hợp tương tự”, TS. Lê Nguyên Phương nói.

Hãy tìm người lắng nghe và mạnh dạn chia sẻ

 “Hãy mở rộng đối tượng những người có thể lắng nghe mình chia sẻ. Đó có thể là hàng xóm, bà con, bạn online, bạn học cũ, bạn học hiện tại… Hãy kết bạn và xây dựng cho mình một “kho dự trữ” những người mà các em có thể chia sẻ. Và đừng ảo tưởng tìm được một người bạn để chia sẻ tất cả mọi chuyện trong cuộc sống. Với mỗi người bạn, chúng ta chỉ có thể chia sẻ một phần cuộc sống của mình mà thôi”, TS.Lê Nguyên Phương nói khi đề cập đến cách giải quyết hữu hiệu nhất. 

TS. Phương cũng nhấn mạnh: “Dù trải qua bất cứ chuyện gì, các em đừng chỉ biết than thân trách phận. Hãy vượt lên hoàn cảnh và luôn tin rằng mình sẽ chiến thắng”. Còn trong trường hợp có những người bạn tìm đến các em để chia sẻ, hãy cho bạn thấy em là một người bạn thông hiểu, đồng cảm và có thể nương tựa được. Hãy dành thời gian nghe bạn nói với tất cả sự chú tâm, đừng cho lời khuyên mà chỉ cần nói với bạn: “Tôi hiểu bạn, đồng cảm với bạn”.

Kỷ luật không hình phạt

Tại buổi nói chuyện chuyên đề, cô Phan Thị Hương Mai, GV Trung tâm GDTX tỉnh chia sẻ, khi kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý học đường, cô đã gặp trường hợp HS thường xuyên vi phạm nội quy. Khi làm việc với nhân viên tư vấn tâm lý học đường, em HS đó tỏ ra rất hợp tác, hứa hẹn thay đổi nhưng ngay sau đó lại tái diễn vi phạm. “Tôi nên làm thế nào với những trường hợp như thế này?”, cô Mai trăn trở.

Giải đáp thắc mắc này, TS. Lê Nguyên Phương cho hay, là chuyên gia tâm lý học đường gần 20 năm tại Hoa Kỳ, đây là vấn đề mà bản thân ông cũng thường xuyên phải giải quyết. “Hãy cá nhân hóa những “ca” như thế này bằng cách nói chuyện với em HS đó, phụ huynh, GV, thậm chí bạn bè của em. Mục đích không phải để thuyết phục những người đó áp dụng kỷ luật đối với em mà để hiểu em đó nhiều hơn”, TS. Lê Nguyên Phương nói. Sau đó, hãy lập hồ sơ cá nhân, tìm ra vấn đề em HS đó đang gặp phải và tìm cách giải quyết. 

HẢI BÌNH

;
.