.

Bảo vệ hạnh phúc bằng cách nào?

Cập nhật: 12:09, 01/09/2022 (GMT+7)

Nhiều người có quan niệm lạ lùng, đã là vợ chồng thì hễ lúc đi ra đường phải “dính nhau như sam”, “chồng đâu vợ đó”. Có như thế, mới là bảo vệ hạnh phúc, chứ nào phải như “ai kia” dù đã có đôi có đũa nhưng lúc nào cũng lủi thủi một mình. Mà, cái sự “đi đứng một mình” này cũng… gay go lắm, vì khi không có mình ở đó thì biết đâu có “cha căng chú kiết”/ cô nàng nào đó nhảy vào cuỗm mất “nửa kia” thì sao? Không những thế, dù không gần nhau nhưng họ vẫn tìm cách liên hệ với nhau chặt chẽ. Chà, nghe cũng có lý đấy chứ. Nhưng oái ăm thay, sự đời lại không hề đơn giản.

Tôi có anh bạn thân, hơn mười năm trước, đã cưới vợ nhưng bất kỳ lúc nào cũng khó thoát ra ngoài sự quản lý rất sít sao, chi li của vợ. Có lần anh tâm sự, đại khái, luôn bị vợ kiểm tra từ A đến Z. Đang làm việc ở cơ quan, vật lộn với các con số thống kê, mẫu biểu dài dằng dặc thì cứ thỉnh thoảng lại nghe “tèng téng teng”, nhìn thấy màn hình hiện rõ hai chữ “Vợ ơi” là anh ngán ngẫm. Ngán ngẫm chỉ vì một cách “kiểm tra” đột xuất đó thôi.

Có lúc đang bận việc, anh chưa kịp nghe máy, lập tức, cô vợ gọi luôn vào máy điện thoại bàn nhằm kiểm tra “đức lang quân” có mặt tại cơ quan hay không. Mỗi ngày, cứ thường xuyên nhận dăm ba cuộc điện thoại của vợ, anh cảm thấy tốn thời gian. Vô ích quá. Chưa hết, sau giờ làm, việc nếu anh có việc gì cần ra khỏi nhà, cô vợ lại nằn nì đòi “tháp tùng” cho bằng được.

Thậm chí có người ngay cả lúc đi hớt tóc, vợ cũng đòi đi theo và sẵn sàng ngồi đợi. Lập luận của những người thích kiểm tra “một nửa” của mình thường là: “Đi đâu có nhau mới là bảo vệ hạnh phúc”. “Chà, thôi kệ”, anh chồng tặc lưỡi đồng ý nhưng mệt nhất vẫn là lúc có những cuộc điện thoại gọi đến, chưa kịp nghe đầu kia nói gì thì đã nghe vợ cằn nhằn: “Ngoài giờ hành chánh mà người ta vẫn liên hệ công tác à?”. Mấy chữ “liên hệ công tác”, cô vợ nhấn nhá từng chữ một cách đầy ngụ ý.

Thế đấy, sự quan tâm quá mức của “nửa này” kể ra cũng gây ra phiền toái cho “nửa kia”. Không những quản lý về thời gian tôi biết còn có người quản lý luôn cả mật khẩu rút tiền ATM của chồng với lý do: “Không có tiền trong túi thì các ông lấy gì ra mà cặp bồ, bao bồ nhí, vợ bé?”. Suy nghĩ này, đúng sai thế nào, không bàn tới nhưng rõ ràng chẳng một ai muốn bị rơi vào tình huống oái oăm đó.

Đừng tưởng chuyện quản lý “một nửa” là độc quyền của phụ nữ. Nhầm to. Đàn ông đàn ang cũng có tâm lý đó. Lâu nay, bạn bè tôi đều khen Z tốt số bởi cưới được vợ trẻ hơn chục tuổi, giỏi giang, xinh đẹp lại thường có cơ hội đi nước ngoài ký hợp đồng kinh doanh như đi chợ. Nghe bạn khen vợ, ai lại không nở mũi? Khổ nổi, Z lại đâm ra lo. Không lo sao được, do mối quan hệ làm ăn nên cô vợ quen biết với nhiều người, trong khi đó, Z là nhà giáo, cả ngày chỉ quanh quẩn từ nhà đến trường.

“Vậy phải làm cách nào để quản lý vợ?”- nghe tôi hỏi, Z cười khì khì bật mí “nghiệp vụ”: “Một là phải chú trọng tìm hiểu các mối quan hệ của vợ. Cô ấy cùng làm việc, giao dịch với những ai, thân thiết với những ai, thường xuyên gặp gỡ những ai, đi mua sắm với ai… Trong các mối quan hệ này phải luôn để ý đến các gã trai trẻ. Có như thế mới bảo vệ được hạnh phúc. Nhớ chưa?”. Tôi gật gù. Z lại tiếp tục thao thao: “Hai là, nên tranh thủ những lúc vợ ngủ hoặc đi tắm để kiểm tra túi xách mà cô ấy thường mang theo đi làm mỗi ngày, biết đâu có thể tìm ra những dấu vết đáng nghi. Ba là, mở máy điện thoại kiểm tra danh bạ, tin nhắn, các cuộc gọi đến, gọi đi. Bốn là, đừng quên mở luôn cả laptop kiểm tra email, các tập tin… Nhớ chưa?”.

Thú thật, nghe Z hướng dẫn lại kinh nghiệm, tôi cảm thấy rối quá. Tự dưng có cảm giác mình trở nên hèn hèn thế nào ấy, khi thực hiện những việc chẳng minh bạch chút nào.

Có nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, sự quản lý chặt chẽ này chẳng hề đem lại hiệu quả như mong muốn. Bởi nếu “nửa này” không còn chung thủy, hoặc có ý định léng phéng này nọ thì họ luôn có cách vượt ra ngoài tầm kiểm soát của “nửa kia”. Thái độ và hành động kiểm tra sít sao mọi lúc, mọi nơi sẽ khiến người chồng/ vợ cảm thấy bị tổn thương, bị xúc phạm nặng nề, không được tôn trọng.

Có lẽ nhắc lại câu này cũng không thừa: Đừng quản lý mà hãy xây dựng mối quan hệ trên cơ sở tin tưởng và tôn trọng nhau. Đó mới chính là cơ sở để bảo vệ hạnh phúc, đúng không nào?

LÊ MINH QUỐC

.
.
.