Bà Rịa vang tiếng còi tầm
Hơn 45 năm qua, tiếng còi tầm đã gắn liền với người dân TP. Bà Rịa vào mỗi sáng, mỗi chiều và trở thành nét đẹp truyền thống đặc trưng giữa lòng đô thị trẻ.
Tiếng còi tầm vang lên từ di tích Nhà tròn Bà Rịa mỗi ngày tạo nên nét đặc trưng cho thành phố này. |
6 giờ 45 phút từ di tích nhà tròn Bà Rịa, tiếng còi tầm vang lên báo hiệu một ngày làm việc và học tập mới đã bắt đầu khắp những ngả đường chung quanh khu vực Nhà Tròn như Cách mạng Tháng Tám, 27/4, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi... đã nhộn nhịp người và phương tiện xe cộ qua lại.
Công chức nhanh chân bước đến nơi làm việc, người lao động vội vã mưu sinh, học sinh tung tăng đến trường… Bà Mai Thị Thìn (280 a/12, đường 27/4, phường Phước Hưng, TP. Bà Rịa) cho biết, gia đình bà sinh sống tại TP.Bà Rịa đã hơn 50 năm nay. Bà không nhớ rõ tiếng còi tầm có từ khi nào chỉ biết rằng khi bà chuyển nhà từ phường Long Toàn về đường 27/4 (phường Phước Hưng) gần khu Nhà Tròn Bà Rịa sống (gần 20 năm) thì tiếng còi tầm đã có rồi.
“Mỗi ngày tiếng còi tầm vang lên 4 lần, đầu giờ sáng, đầu giờ chiều và giờ tan sở. Thời còn trẻ, cứ đến giờ còi hụ là tôi lại xách xe đi làm. Giờ nghỉ hưu rồi, tiếng còi tầm vẫn vang lên quen thuộc khiến tôi lưu luyến nơi này, không muốn rời xa. Có lẽ, thanh âm quen thuộc đó chỉ Bà Rịa mới có”, bà Thìn nói.
6 loa gắn dưới mái Nhà tròn chính là nơi phát ra tiếng còi tầm. |
Còn ông Bùi Hữu Hòa, một cán bộ TP.Bà Rịa về hưu cho biết: “Tiếng còi tầm quen thuộc trong mấy chục năm tôi sống và gắn bó với mảnh đất này. Mỗi khi nghe tiếng còi tầm là tôi biết được mấy giờ chứ không cần nhìn đồng hồ nữa”.
Theo UBND phường Phước Hiệp, còi tầm có từ những năm 40 thế kỷ XX và gắn liền với di tích lịch sử Nhà Tròn Bà Rịa tại khu vực vòng xoay Cách mạng Tháng Tám – đường 27/4. Do ảnh hưởng của chiến tranh, một thời gian dài còi tầm không được sử dụng.
Năm 1976, còi tầm được UBND TX. Bà Rịa (nay là TP.Bà Rịa) khôi phục lại và sử dụng đến ngày nay. Những năm gần đây, UNBD TP.Bà Rịa giao cho UBND phường Phước Hiệp quản lý còi tầm. Theo đó, hằng ngày (trừ ngày nghỉ), buổi sáng vào lúc 6 giờ 45 phút, buổi trưa vào lúc 11 giờ 30 phút, buổi chiều là lúc 13 giờ 15 phút và 17 giờ 15 phút, tiếng còi tầm lại được gióng lên trong khoảng thời gian từ 15 đến 20 giây để báo hiệu chuẩn bị bắt đầu hoặc kết thúc một ngày làm việc của người dân trên địa bàn thành phố.
Dịp Tết Nguyên đán, vào thời khắc giao thừa, 3 hồi còi tầm liên tục được gióng lên từ Nhà Tròn báo hiệu một năm mới đến, đồng thời nhằm tạo không khí vui tươi, phấn chấn cho người dân đón giao thừa, chào mừng năm mới.
Trên trang thông tin điện tử TP. Bà Rịa cho biết, còi tầm gắn liền với di tích lịch sử Nhà Tròn. Theo đó, đầu thế kỷ 20, Pháp tiến hành khai thác lập đồn điền cao su ở Bình Ba, xây dựng nhà thờ Bà Rịa năm 1890. Nhằm mục đích sử dụng cung cấp nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt, người Pháp đã cho xây dựng Nhà Tròn với tháp nước cao 20m, 8 trụ đứng, đường kính gần 8m, có 3 ống dẫn nước. Ngoài ra, dưới chân Nhà tròn có một nhà bát giác, cạnh dài 6m, cao 4m, bao quanh 8 trụ đứng Nhà tròn. Năm 1945 sau khi đảo chính Pháp, phát xít Nhật cho đặt một bộ hệ thống loa báo động gồm 6 cái bên dưới bồn nước. Đây chính là hệ thống phát tiếng còi tầm hiện nay. Ngày 1/5/1975 tại Nhà Tròn nhân dân TX.Bà Rịa tổ chức lễ kỷ niệm trọng đại thống nhất đất nước với sự chứng kiến của hơn 2 vạn chiến sĩ đồng bào. Cả thị xã tràn ngập cờ hoa rực rỡ nhân dân hân hoan đón chào ngày đất nước thu về một mối. |
Mỗi tuần, UBND phường lại luân phiên phân công lực lượng thường trực để thực hiện các thao tác báo hiệu còi. Theo đó, đến giờ từ trụ sở UBND phường Phước Hiệp, cầu dao điện kéo lên, từ Nhà Tròn, tiếng còi tầm lại vang xa, tỏa rộng khắp các ngã đường, góc phố… Những nhà dân ở gần Nhà Tròn, chỉ cần ngồi trong nhà cũng có thể nghe được tiếng còi tầm vang lên. Mỗi lúc tiếng còi vang lên, ở khu vực Nhà Tròn, từng đàn chim én về đây làm tổ tạo thêm nét đẹp vừa thanh bình, vừa cổ kính ngay trong lòng TP. Bà Rịa.
Trải qua hơn một thế kỷ, Nhà Tròn vẫn giữ nguyên vẻ ban đầu như một nhân chứng của lịch sử. Nơi đây giờ đã trở thành điểm sinh hoạt của Đoàn thanh niên. Di tích không tách rời cuộc sống, cùng hòa hợp với sự chứng kiến từng bước trưởng thành tiến bộ của xã hội. Đặc biệt, với tiếng còi tầm vẫn vang lên giòng giã mỗi ngày như càng khẳng định sức sống tràn đầy của một thành phố, một đô thị hành chính năng động.
Bài, ảnh: QUANG VŨ