.

Từ "địa ngục trần gian" thành điểm đến đặc biệt

Cập nhật: 19:25, 26/08/2022 (GMT+7)

Nhà tù Côn Đảo từng được ví là “địa ngục trần gian”, nơi giam cầm hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Việt Nam yêu nước suốt 113 năm. Ngày nay, nơi đây đã trở thành điểm đến đặc biệt của Côn Đảo, thu hút đông đảo du khách và người dân đến tham quan.

Du khách tham quan Trại Phú Hải (Nhà tù Côn Đảo).
Du khách tham quan Trại Phú Hải (Nhà tù Côn Đảo).

Nơi ghi dấu cuộc đấu tranh bất khuất

Đến thăm Côn Đảo, chúng tôi đã được chị Trần Thị Vịnh, hướng dẫn viên Ban Quản lý di tích lịch sử Côn Đảo, giới thiệu những nét cơ bản về nhà tù nơi đây. Cụ thể, năm 1861, thực dân Pháp chiếm Côn Đảo và lập ra hệ thống nhà tù vào năm 1862. Kể từ đó, Côn Đảo trở thành “địa ngục trần gian” trong suốt 113 năm. Hệ thống nhà tù gồm: Trại Phú Hải, Trại Phú Sơn, Trại Phú Thọ, Trại Phú Tường, khu biệt lập Chuồng Cọp, khu Chuồng Bò, Trại Phú An, Trại Phú Phong và Trại Phú Hưng với 127 phòng giam, 44 xà lim và 504 phòng giam biệt lập.

“Dưới con mắt của thực dân, Côn Đảo là một nơi lý tưởng, đáp ứng tốt những yêu cầu đối với một nhà tù. Bởi nơi đây bốn bề là biển, cách xa đất liền, không có phương tiện, người tù khó bề trốn thoát, người ở bên ngoài cũng không có cách nào cứu thoát người bên trong. Ở nơi hải đảo này, những người cách mạng sẽ bị cắt đứt mọi quan hệ với gia đình, xã hội và quần chúng nhân dân, với đoàn thể, với các phong trào yêu nước”, chị Vịnh nói.

Trong suốt chiều dài lịch sử 113 năm tồn tại, Nhà tù Côn Đảo là nơi ghi dấu sự đấu tranh bất khuất, kiên cường, ý chí sắt đá của hàng vạn chiến sĩ Cộng sản trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Khoảng 20.000 người Việt Nam yêu nước đã hy sinh. 

Du khách tham quan “chuồng Cọp” (Nhà tù Côn Đảo).
Du khách tham quan “chuồng Cọp” (Nhà tù Côn Đảo).

Điểm đến đặc biệt

Mùa hè, lượng khách du lịch đến Côn Đảo tăng mạnh. Theo đó, trong khoảng 2.500 lượt khách mỗi ngày đến đảo thì hơn ½ trong số đó đều đến tham quan nhà tù Côn Đảo. Địa điểm được nhiều người tham quan nhất trong di tích quốc gia đặc biệt này là khu “chuồng Cọp”, “chuồng Bò” thể hiện sự dã man, tàn độc của chế độ thực dân Pháp với chiến sĩ cách mạng nước ta.

Được xây dựng năm 1940, “chuồng Cọp” kiểu Pháp nằm bên trong trại giam Phú Tường có tổng diện tích gần 5.500 m² gồm 60 phòng tắm nắng không có mái che và 120 phòng giam biệt lập, nhờ cấu trúc “nhà tù trong nhà tù” mà “chuồng cọp” kiểu Pháp được giấu kín trong suốt 30 năm. Tù nhân bị giam trong chuồng cọp phải chịu tra tấn dã man.

Khác với “chuồng Cọp” kiểu Pháp, “chuồng Cọp” kiểu Mỹ được xây dựng năm 1971 do các chuyên gia Mỹ thiết kế chủ yếu tra tấn tù nhân về tinh thần. Với diện tích 25.768 m² chia thành 4 khu, mỗi khu có 2 dãy, mỗi dãy là 48 phòng giam biệt lập. Bên trên có song sắt như “chuồng Cọp” kiểu Pháp, nhưng không có hành lang mà thay bằng mái tôn thấp; trong phòng giam không có bệ, tù nhân phải nằm dưới nền nhà.

Trong chuyến xe điện chở khách tham quan di chuyển từ Bảo tàng Côn Đảo đến hệ thống di tích nhà tù, bà Phạm Thị Quỳ (TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) cho hay: “Tôi rất xúc động khi được tham quan nhà tù Côn Đảo. Đến đây, tôi mới hình dung được những hình thức tra tấn tù nhân dã man của thực dân và đế quốc. Từ đó, tôi biết ơn những người đi trước đã hy sinh xương máu của mình cho đất nước để có ngày hòa bình như hôm nay”.

Chúng tôi cũng bắt gặp du khách đến từ Úc, Mỹ, Canada… tham quan nhà tù Côn Đảo. Họ thích thú khám phá kiến trúc nhà tù qua các thời kỳ tại đây và tìm hiểu về lịch sử của đất nước Việt Nam nói chung, Côn Đảo nói riêng. Anh Joren Sebrechts, du khách đến từ Mỹ cho biết, anh đã đi nhiều nơi ở Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp này. “Tôi nghĩ rằng nhà tù là một điểm đến rất đặc biệt không thể bỏ qua khi đến Côn Đảo. Dù không hiểu nhiều về lịch sử nhưng tôi tin rằng đây là nơi để lại nhiều dấu ấn nhất trong chuyến du lịch của tôi”, anh Joren Sebrechts nói.

Theo Ban Quản lý di tích lịch sử huyện Côn Đảo, cùng với việc khai thác phục vụ du lịch, thời gian qua, UBND tỉnh, các cấp, các ngành cũng chú trọng đầu tư nhằm trùng tu, bảo tồn di tích nhà tù Côn Đảo bằng nguồn ngân sách Nhà nước và sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức, DN trong cả nước. Theo đó, nhiều hạng mục, công trình như: Trại giam Phú Hải, Phú Sơn, Phú Thọ, khu chuồng cọp Pháp; các mô hình sinh hoạt của tù nhân… đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.