.

Cẩn trọng chấn thương tạng kín trong ổ bụng

Cập nhật: 19:21, 26/08/2022 (GMT+7)

Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân (TP. Hồ Chí Minh) vừa phẫu thuật cấp cứu, dẫn 15 lít dịch mật trong bụng một người đàn ông bị vỡ túi mật 17 ngày mà không biết. Qua trường hợp này, các bác sĩ cũng lưu ý người dân cần theo dõi sức khỏe và đến bệnh viện kiểm tra để phát hiện sớm và phòng tránh những chấn thương tạng kín trong ổ bụng.

BS CK 2 Trần Minh Đức thăm khám cho người bệnh sau phẫu thuật.
BS CK 2 Trần Minh Đức thăm khám cho người bệnh sau phẫu thuật.

Vỡ túi mật 17 ngày mà... không biết

Cách ngày nhập viện 17 ngày, ông B.P.K. (59 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) va chạm với một thanh niên chạy xe máy công nghệ đoạn đường gần Quốc lộ 13, khu vực Bình Dương. Lực va chạm cùng với đường mưa trơn trợt làm ông K. mất tay lái, ngã đập mạnh xuống đường trong tư thế ngồi.

Tai nạn không tạo vết thương hở ngoài da, ông K. không bị trầy xước nhưng ông thấy đau đớn như không thể thở nổi. Sau đó ông K. nhanh chóng được đưa vào sơ cứu ở một bệnh viện gần nơi xảy ra tai nạn rồi chuyển tiếp đến một bệnh viện địa phương. Chẩn đoán ban đầu của ông K. là chấn thương gan, tụy, dập lách mức độ nhẹ. Ông được điều trị bằng thuốc uống và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, càng ngày ông K. càng thấy bụng to thêm và đau âm ỉ khiến ông nhiều đêm gần như thức trắng, bụng căng tức khó chịu. Đến ngày thứ 17 sau tai nạn, ông không thể chịu đựng thêm và tìm đến Bệnh viện Bình Dân.

Lúc nhập viện, ông K. tự mô tả kích thước vòng bụng “bằng một bà bầu song thai sắp đẻ”, khoác hờ cái áo vì bụng chương to không thể cài nút. Tại Khoa Hồi sức Cấp cứu, các bác sĩ thực hiện siêu âm ngay tại giường và phát hiện rất nhiều dịch trong ổ bụng. Bác sĩ chọc hút bụng dưới hướng dẫn của siêu âm ra nhiều dịch mật gợi ý người bệnh bị vỡ túi mật.

Ngoài ra, hình ảnh trên phim MSCT-scan vùng bụng còn cho thấy dịch ổ bụng lượng nhiều kèm theo hình ảnh túi mật xẹp, thành túi mật mất dấu liên tục góp thêm dữ liệu cho chẩn đoán vỡ túi mật. Rất may mắn là các tạng khác trong ổ bụng không tổn thương. Với chẩn đoán đây là một trường hợp vỡ túi mật làm dịch mật chảy ra trong ổ bụng, từ đó làm bụng người bệnh căng to và đau đớn, người bệnh được lên kế hoạch can thiệp khẩn cấp.

Áp dụng phẫu thuật nội soi

Để giúp người bệnh trong tình trạng cấp cứu được can thiệp xâm lấn tối thiểu, hậu phẫu ít đau, có thể quan sát rõ ràng các tạng trong ổ bụng, các bác sĩ đã áp dụng phẫu thuật nội soi ổ bụng cho ông K. Khi vào bên trong ổ bụng, các bác sĩ ghi nhận dịch mật tràn ra khắp ổ bụng, hút ra khoảng 15 lít dịch mật vàng. Các cơ quan trong ổ bụng tẩm nhuận dịch mật nhiều. Túi mật xẹp và vỡ một lỗ to kích thước khoảng 3cm x 4cm, cổ túi mật đã có hiện tượng viêm dính nhiều. Người bệnh được cắt bỏ túi mật đã thủng, hút sạch và rửa sạch ổ bụng. Cuộc phẫu thuật kết thúc an toàn và người bệnh được chăm sóc hồi tỉnh sau khi nội soi.

Sau phẫu thuật, ông K. cho biết cảm thấy bụng nhẹ hẳn, không còn đau đớn và căng tức. Chỉ 2 ngày hậu phẫu, ông đã ngủ ngon, có thể đi lại quanh giường bệnh và ăn được cháo. Nhờ phẫu thuật nội soi, trên bụng người bệnh chỉ có vết mổ nhỏ. Dịch từ ổ bụng chảy ra qua các ống dẫn lưu cũng giảm dần nên người bệnh được rút các ống dẫn lưu.

Phát hiện sớm các tổn thương

BS.CKII Trần Minh Đức, trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Bình Dân, người phẫu thuật chính cho ông K. cho biết: Đây là trường hợp chấn thương bụng kín gây vỡ túi mật có cơ chế chấn thương không trực tiếp vào túi mật. Có thể trong tai nạn, ông K. té ngồi tạo một lực mạnh trên túi mật đang căng to là nguyên nhân gây vỡ túi mật đột ngột. Dịch mật lượng lớn thoát ra từ túi mật vào ổ bụng khiến bụng người bệnh căng to nhưng may mắn là không có dấu hiệu nhiễm trùng.

Nên có chế độ ăn lành mạnh sau cắt túi mật
Trả lời cho thắc mắc của người bệnh là liệu rằng sức khỏe có bị ảnh hưởng nhiều khi người bệnh đã phải cắt túi mật không, bác sĩ Trần Minh Đức cho biết: “Túi mật là một bộ phận chứa dịch mật được tiết ra từ gan nhằm tiêu hóa chất béo trong thức ăn. Khi không còn túi mật thì dịch mật sẽ đi chảy trực tiếp vào ruột non để thực hiện chức năng phân giải thức ăn, tiêu hóa chất béo”. Trong khoảng 15% số bệnh nhân bị cắt túi mật có thể có hiện tượng kích ứng ruột, khiến bệnh nhân đi tiêu phân lỏng khoảng một vài tháng sau phẫu thuật. Tình trạng này sẽ dần được cải thiện khi cơ thể thích nghi. Để giúp giảm các kích thích khó chịu, và giảm tăng áp lực tiết dịch mật của gan người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn, không nên ăn nhiều chất béo một lúc.

Nếu có nhiễm trùng, như thường gặp ở các trường hợp thủng túi mật do sỏi kẹt cổ túi mật gây viêm hoại tử túi mật có thể khiến người bệnh rơi vào sốc nhiễm trùng, nguy hiểm tính mạng chỉ trong vòng 48 giờ.

Trường hợp ông K. may mắn được phát hiện vỡ túi mật ngay khi đến tại Bệnh viện Bình Dân và có phương án can thiệp kịp thời. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng dịch mật tràn trong ổ bụng, hiện tượng viêm dính ruột và các cơ quan trong ổ bụng xảy ra sẽ gây khó khăn trong cuộc mổ, có nguy cơ từ phẫu thuật nội soi phải chuyển sang mổ mở.

Bác sĩ Trần Minh Đức cũng khuyến cáo những nạn nhân khi gặp tai nạn nên đi khám để phát hiện sớm các tổn thương. Như trường hợp của ông K., dù không phát hiện vết thương hở nhưng một cơ quan trong ổ bụng có thể bị vỡ gây cho người bệnh nhiều nguy cơ và đau đớn kéo dài.

TRẦN NHUNG

.
.
.