.

"Mưa tim" cho chàng trai mê áo dài Việt

Cập nhật: 19:24, 26/08/2022 (GMT+7)

Với niềm đam mê chụp ảnh cùng với trái tim rung động trước cảnh đẹp quê hương, anh Nguyễn Khánh Tuân (ngụ xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) đã thực hiện thành công dự án “Tự hào áo dài Việt”, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ nét đẹp áo dài tới giới trẻ hiện nay.

Khánh Tuân chụp tại nhà Lớn (còn gọi là Đền Ông Trần, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu).
Khánh Tuân chụp tại nhà Lớn (còn gọi là Đền Ông Trần, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu).

Mỗi bức ảnh là mỗi “đứa con” tinh thần

Gặp Khánh Tuân trong một buổi chiều hoàng hôn lộng gió bên bờ biển Vũng Tàu, lắng nghe chia sẻ về hành trình 40 ngày đêm trên mọi nẻo đường nước Việt để thực hiện dự án “Tự hào áo dài Việt”, tôi có thể cảm nhận lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và yêu quê hương mình đến chừng nào từ chàng trai 24 tuổi này.

Khánh Tuân cho biết, anh bắt đầu thực hiện dự án này từ ngày 26/6/2022, đi từ TP. Hồ Chí Minh đến Tây Nguyên qua miền Trung rồi Hà Nội, Tây Bắc, Đông Bắc và trở về Vũng Tàu ngày 9/8. “Tôi có khoảng 40 ngày di chuyển chủ yếu bằng xe máy với hành trình gồm 2 chặng và đi qua 40 tỉnh, thành phố. Dẫu có nhiều khó khăn nhưng hành trình để lại nhiều ý nghĩa”, anh Khánh Tuân nói.

Trong hành trình 40 ngày đêm, anh đã mang theo 3 áo dài truyền thống màu đen, một áo tấc xám khói và một chiếc áo dài cách tân. Chiếc áo dài đen mà anh sử dụng là trang phục truyền thống của người dân xã Long Sơn. “Áo dài đen là trang phục không thể thiếu trong mỗi gia đình của người dân Long Sơn. Chúng tôi thường mặc vào những dịp lễ, Tết. Những người cao tuổi cũng sẽ diện áo dài đen, hóa thân thành các ông đồ ở Nhà Lớn Long Sơn để viết thư pháp”, anh Tuấn Khanh chia sẻ.

Nói về niềm đam mê của mình, anh cho biết thêm, anh muốn khám phá, trải nghiệm mọi miền đất nước. Qua những chuyến đi, anh nhận ra cảnh vật của quê hương rất đẹp. Và điều đó càng đẹp, tự hào hơn khi mỗi nơi đi qua anh đều khoác lên chiếc áo dài truyền thống, vừa có thể giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, vừa có thể quảng bá, tôn vinh văn hóa dân tộc. “Mỗi bức ảnh, tôi luôn cẩn thận và tâm huyết bởi đó là “đứa con” tinh thần. Mỗi một chuyến đi giúp tôi trưởng thành và hiểu biết được văn hóa vùng miền”, anh Khánh Tuân bày tỏ.

Là cựu SV Trường Đại học Hoa Sen (TP. Hồ Chí Minh), anh Khánh Tuân luôn luôn nhiệt tình chia sẻ mọi hoạt động từ học tập, trải nghiệm và các kỹ năng tham gia các hoạt động xã hội cho các bạn SV. Bộ ảnh “Tự hào áo dài Việt” đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các bạn trẻ. Nhiều  bức ảnh thu hút hàng nghìn lượt like, share. Bạn bè và cộng đồng mạng từ mọi miền đều bình luận với nhiều lời khen và “mưa tim”.

Để chụp được nhiều cảnh đẹp với áo dài, anh dành nhiều tâm huyết, không ngại khó khăn mới có nhiều khoảnh khắc đẹp. Đó là phải canh thời tiết, lựa chọn điểm chụp thích hợp, thậm chí phải chờ đợi nhiều giờ mới ghi được khoảnh khắc ưng ý. Anh vừa “thuyết minh” những tấm hình của mình vừa chia sẻ thêm cho chúng tôi những kỹ năng khi chụp. Nhìn vào bộ ảnh “Tự hào áo dài Việt mới”, chúng tôi cảm nhận được tình yêu anh dành cho quê hương rất nhiều. Mỗi bức ảnh là sự đầu tư công phu, rất giàu cảm xúc từ thiên nhiên, sự vật đến con người.

Hăng hái hoạt động thiện nguyện

Ngoài ra, Khánh Tuân còn hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện tại xã Long Sơn  cũng như ở TP. Hồ Chí Minh. Anh là một trong số ít đại diện của SV Việt Nam tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh” tại Lào. Hiện anh đang là Đại sứ SV Quỹ “Thiện nguyện Nam Phương Foundation”.

Vào dịp lễ, Tết hàng năm, anh cùng gia đình thường xuyên đến thăm hỏi và tặng quà các hộ dân khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa. Bà Trần Thị Bình (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) bộc bạch: “Hoàn cảnh tôi gặp nhiều vất vả, bán vé số kiếm sống qua ngày. Được cháu Khánh Tuân hỏi thăm, tặng quà tôi rất vui và cảm động. Mong rằng trên chặng đường tới cháu sẽ giúp đỡ, sẻ chia thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn”.

Mỗi người đều có sở thích và cách thể hiện tình yêu quê hương khác nhau. Nhưng anh Khánh Tuân lại chọn cách thể hiện tình yêu ấy bằng việc chụp cùng áo dài để lưu giữ hình ảnh đẹp của quê hương, góp phần quảng bá đất và người đến với nhiều người gần, xa. Điều quan trọng hơn cả là anh đã truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ rằng: “Áo dài là trang phục truyền thống mà người trẻ cần giữ gìn và phát triển. Không chỉ mặc trong những ngày lễ, Tết, chúng ta có thể mặc trong nhiều sự kiện. Điều kiện cần là bạn có tình yêu với trang phục này và sử dụng hợp lý”. Đây là việc làm thiết thực, không phải bạn trẻ nào cũng có thể làm được.

Bài, ảnh: THÙY HƯƠNG

 
.
.
.