NGÀY HỘI TƯ VẤN XÉT TUYỂN ĐH, CĐ NĂM 2022: Cân nhắc thận trọng

Thứ Tư, 03/08/2022, 19:35 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ GD-ĐT vừa tổ chức Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2022 để gỡ rối cho thí sinh trong việc đăng ký nguyện vọng tuyển sinh, giúp các em đến gần hơn với ngôi trường mơ ước.

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có gần 1 tháng để đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Trong ảnh: Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 phấn khởi khi hoàn thành xong bài thi tổ hợp.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có gần 1 tháng để đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Trong ảnh: Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 phấn khởi khi hoàn thành xong bài thi tổ hợp.

Thực hiện đúng, đủ quy trình đăng ký

Tại ngày hội tư vấn xét tuyển, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho hay, thí sinh có gần 1 tháng để thực hiện đăng ký xét tuyển. Do đó, các em cần cân nhắc kỹ lưỡng để sắp xếp thứ tự nguyện vọng, thực hiện đúng thời gian, các bước trong quy trình đăng ký xét tuyển trên hệ thống.

Ông Hùng nhấn mạnh, nét mới của năm nay là, sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT thí sinh mới đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Thí sinh dựa vào kết quả thi của mình để cân nhắc lựa chọn nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo phương thức xét điểm thi THPT. Việc đăng ký nguyện vọng đối với các phương thức xét tuyển phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống (http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn/) hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thí sinh thuộc diện hưởng chính sách ưu tiên phải phối hợp với các điểm tiếp nhận rà soát thông tin khu vực và đối tượng ưu tiên (nếu có), xác nhận số lượng nguyện vọng, đồng thời nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến.

“Trong quá trình đăng ký nguyện vọng trực tuyến, thí sinh phải thực hiện đúng, đủ quy trình đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ dở quy trình, hệ thống sẽ không cập nhật và không nhận thông tin đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh. Khi thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng hoặc chưa nộp lệ phí xét tuyển thì hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh”, ông Hùng lưu ý.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) đặc biệt lưu ý thí sinh phải đăng ký tất cả các nguyện vọng xét tuyển của mình trên hệ thống xét tuyển của Bộ theo thứ tự ưu tiên. Sau khi hệ thống lọc ảo, thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.

Trước băn khoăn “nếu không đỗ nguyện vọng 1 và phải xét nguyện vọng 2 thì có được xét công bằng với các thí sinh có nguyện vọng 1 vào cùng ngành/trường đó hay không”, PGS. TS. Nguyễn Thu Thuỷ khẳng định: “Khi thí sinh chưa đỗ nguyện vọng 1 mà xét nguyện vọng 2, thì nguyện vọng 2 của thí sinh đó được xét cùng với những thí sinh có nguyện vọng 1 vào cùng ngành/trường. Quy định này bảo đảm quyền lợi cao nhất cho thí sinh”.

Thí sinh phải nghiên cứu kỹ quy chế và các hướng dẫn tuyển sinh. Theo quy chế, thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để đăng ký, điều chỉnh bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần từ nay tới 17 giờ ngày 20/8. Thí sinh không nên đăng ký ngay mà cần tìm hiểu kỹ, để tránh sai sót, nhầm lẫn nhưng không nên để quá sát nút thời gian hệ thống đóng lại. Thí sinh cũng phải rà soát việc khai báo đầy đủ và bảo đảm tính chính xác của tất cả các thông tin đăng ký dự tuyển, đặc biệt là thông tin về khu vực và đối tượng ưu tiên (nếu có).
PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, 
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT

 

Đủ điều kiện trúng tuyển nhiều trường vẫn có nguy cơ rớt

Tại buổi tư vấn, các chuyên gia nhiều lần lưu ý thí sinh và phụ huynh khi đăng ký lại nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) lưu ý thí sinh cẩn trọng khi đăng ký, sắp xếp lại nguyện vọng xét tuyển. Thí sinh cần điền đủ thông tin khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ: thứ tự nguyện vọng, mã trường, tên trường, mã tuyển sinh, mã phương thức, tên phương thức, mã tổ hợp, tên tổ hợp.

“Thí sinh vẫn đăng ký theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp đối với các ngành mình yêu thích. Nếu quyết định chỉ chọn một ngành trong số các ngành của các trường đã đủ điều kiện trúng tuyển để học thì cần vào hệ thống, đăng ký duy nhất một nguyện vọng là trường và ngành đó là nguyện vọng 1. Thí sinh cần lưu ý, nếu chọn nhầm phương thức khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống vẫn có nguy cơ không trúng tuyển”, ông Thắng nói.

PGS.TS. Huỳnh Thanh Hùng, Quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.Hồ Chí Minh khuyến cáo: “Với những quy định mới trong đăng ký xét tuyển năm nay, cho dù thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển nhiều trường nhưng nếu không thực hiện đúng quy trình đăng ký trên hệ thống chung của Bộ vẫn có nguy cơ rớt ĐH”. Vì vậy, để có đủ thông tin xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường ĐH để bảo đảm không bị nhầm lẫn khi đăng ký nguyện vọng, chọn ngành, tránh sai sót và ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển sau này.

Về việc có cần phải đăng ký nguyện vọng 1 vào trường thí sinh đã được thông báo trúng tuyển tạm thời không, PGS.TS. Vũ Thị Hiền, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho biết, tới thời điểm này, tất cả các thí sinh trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm đã được đưa lên hệ thống xét tuyển chung. Tuy nhiên, thí sinh chỉ chính thức trúng tuyển vào một nguyện vọng khi đăng ký tất cả các nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, bao gồm cả các nguyện vọng đã được các trường thông báo trúng tuyển tạm thời. Theo đó, thí sinh được đăng ký theo thứ tự ưu tiên đối với các ngành, các trường mà mình yêu thích. 

Thí sinh không bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng 1 là các trường đã trúng tuyển tạm thời. Trường hợp các nguyện vọng trên không đạt, thí sinh vẫn được xét đến nguyện vọng được các trường thông báo trúng tuyển tạm thời, với điều kiện thí sinh đã đăng ký nguyện vọng này trên hệ thống của Bộ GD-ĐT.

Bài, ảnh:  HOÀNG DƯƠNG

 
;
.