Vu Lan là dịp thể hiện truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam. Những ngày tháng Bảy Âm lịch, khắp các cơ sở thờ tự Phật giáo tại Bà Rịa-Vũng Tàu, từng dòng người tấp nập hành hương...
Khách hành hương, vãn cảnh tại Ni viện Thiện Hòa (phường Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ). |
Ngày 8/8, dù là ngày đầu tuần, nhưng tại Ni viện Thiện Hòa (phường Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ) vẫn nhộn nhịp khách thập phương. Nhiều chiếc xe khách lớn chở từng đoàn người từ Bình Dương, Tây Ninh, An Giang, Bến Tre… về ni viện.
Những vị khách kính cẩn thắp nén hương tâm linh, chiêm nghiệm trước đức Phật. Hòa cùng dòng khách thập phương, bà Lê Thị Ân (đường Quang Trung, phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho biết: “Trên đường đi du lịch TP. Vũng Tàu, tôi ghé Ni viện Thiện Hòa để cầu cho tổ tiên được an lạc và mong sức khỏe, bình an đến với gia đình”.
Trước đây, lo ngại trước diễn biến của dịch COVID-19, Ni viện Thiện Hòa đóng cửa, không đón khách hành hương. Nhưng kể từ mùa Vu Lan năm 2022 - từ đầu tháng Bảy Âm lịch, ngày nào Ni viện cũng mở cửa phục vụ nhu cầu tâm linh của phật tử, khách thập phương. Mỗi ngày, Ni viện đều tổ chức các lễ cúng Phật
Để phục vụ khách chu đáo, Ni viện cử bảo vệ hướng dẫn khách đậu xe, di chuyển. Khách đi theo đoàn đăng ký được Ni viện tổ chức thuyết giảng Phật pháp, nói về ý nghĩa của bông hồng cài áo mùa Vu Lan, cài hoa hồng cho đại diện đoàn. Ngoài ra, khách được Ni viện đãi cơm chay miễn phí.
Với truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt, ngày lễ Vu Lan của đạo Phật đã hòa quyện với triết lý, tục thờ cúng ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch.
“Không riêng các tín đồ Phật giáo, rất nhiều tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đến các điểm thờ tự Phật giáo để hành hương. Đây là dịp để mọi người báo hiếu, nhớ đến công cha, nghĩa mẹ đã sinh thành, dưỡng dục. Những người có cha mẹ đã mất thì đến chùa để hồi hướng công đức, cầu nguyện cho linh hồn cha mẹ an lạc. Những người còn cha mẹ thì đến chùa để cầu cho đấng sinh thành khỏe mạnh, sống lâu”, Thượng tọa Thích Quảng Hiển, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nói.
|
Ni trưởng Thích Nữ Như Như, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Trụ trì Ni viện Thiện Hòa cho biết, Ni viện luôn cố gắng phục vụ chu đáo để mong mang may mắn cho người dân, cầu chúc mọi người luôn an lành, khỏe mạnh.
Tại Tịnh thất Bồng Lai (phường Tân Hòa, TX. Phú Mỹ), hiện trung bình mỗi ngày thu hút từ khoảng 700 phật tử, người dân hành hương. Trong đó, đông nhất vẫn là khách từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ. “Người dân hành hương kết hợp với làm thiện nguyện để chia sẻ với Tịnh thất. Nhờ vậy mà Tịnh thất có thêm nguồn lực để chăm lo cho hơn 70 trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng tại đây. Vào năm học mới 2022-2023, có 65 em HS theo học tại các trường TH, THCS, THPT công lập ở địa phương. Từ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, tổ chức, chúng tôi đã mua sắm đầy đủ sách giáo khoa, cặp, quần áo cho các em”, Thượng tọa Thích Nguyên Thái, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TX.Phú Mỹ, phụ trách Tịnh thất Bồng Lai nói.
Năm nay, dịch COVID-19 đã ổn định nên mùa Vu Lan cũng sôi động hơn. Theo Thượng tọa Thích Quảng Hiển, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, suốt tháng Bảy này, các chùa, ni viện trên địa bàn tỉnh đều tổ chức lễ cúng Vu Lan, phục vụ nhu cầu tâm linh của các tăng ni, phật tử. Tại Tổ đình Đại Tòng Lâm (phường Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ), ngày 9/7 Âm lịch đã tổ chức lễ cúng dường thiên Tăng, quy tụ 1.700 tăng ni tham dự để bày tỏ niềm tin kính với Đức Phật. Đúng ngày Rằm tháng Bảy, Tổ đình Đại Tòng Lâm tổ chức cúng lễ Vu Lan.
Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều chùa chiền kiến trúc đẹp, cảnh sắc yên bình đã hấp dẫn khách hành hương cũng như người dân địa phương. Thời điểm này, các điểm hành hương như: Linh Sơn Cổ Tự, Niết Bàn Tịnh Xá, chùa Từ Quang, chùa Hải Vân, Phổ Đà Sơn Quan Âm Bồ Tát tự, Thích Ca Phật đài (TP.Vũng Tàu); Chùa Hòn Một (huyện Đất Đỏ); chùa Núi Một (Côn Đảo)… luôn đông khách.
Bài, ảnh: THI PHONG