Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau “da cam” vẫn còn dai dẳng, nhức nhối. Bằng sự đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia trước những hoàn cảnh bất hạnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin và Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần, là chỗ dựa vững chắc cho NNCĐDC trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin và BTXH tỉnh trao quà cho các NNDC. |
Cùng cán bộ Hội NNCĐDC/dioxin và BTXH huyện Châu Đức, chúng tôi đến thăm bà Phùng Thị Lâm (SN 1966, ngụ tại tổ 5, ấp Sông Xoài 3, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức). Đây là gia đình NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn, được Hội tặng nhà tình nghĩa tháng 7/2022.
Đón chúng tôi, bà Lâm xúc động chia sẻ: "Nếu không được các cấp Hội và nhà hảo tâm hỗ trợ, gia đình tôi không biết bao giờ đủ tiền xây nhà. Ngoài ra, Hội còn thường xuyên thăm, tặng quà cho gia đình vào các ngày lễ. Qua sự chia sẻ, động viên đó, tôi được tiếp thêm nghị lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống".
Do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, khả năng lao động hạn chế song những năm qua, nhiều nạn nhân và gia đình đã tận dụng có hiệu quả nguồn vốn được hỗ trợ. Chị Bùi Thị Bích (SN 1978, ngụ tại tổ 7, ấp Tân Thuận, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) là NNCĐDC, bị hoại tử xương, phải đeo chân giả nên suy giảm khả năng lao động. Năm 2019, chị được Hội tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản. Sau 2 năm, bò mẹ sinh được 2 con bê, chị bán và thu về hơn 60 triệu đồng. Chị đã trả được nợ và hiện nay đã chuyển sang mô hình chăn nuôi heo. Đồng thời, chị còn được Hội hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng xây căn nhà mới kiên cố. Nhờ đó, đến nay kinh tế gia đình chị đã ổn định hơn, đời sống bớt khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch Hội NNCĐCD/dioxin và BTXH tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 3.809 NNCĐDC, trong đó, 1.200 người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐDC; hơn 600 trẻ em bị phơi nhiễm và hơn 1.300 nạn nhân là người dân thường. Năm 2021, số người hưởng chính sách do bị nhiễm chất độc hóa học là 1.094 người, tăng 142 người so với năm 2020. Đa số nạn nhân đều có độ tuổi tương đối cao, sức yếu. Nhiều gia đình có con, cháu bị khuyết tật, không thể tự chăm sóc bản thân, tự sinh hoạt hàng ngày. Đây là những hoàn cảnh khó khăn rất cần sự chung tay chia sẻ, giúp đỡ từ cộng đồng.
Để phần nào bù đắp những thiệt thòi mà gia đình các nạn nhân đang gánh chịu, Hội luôn tích cực thực hiện chế độ, chính sách dành cho NNCĐDC. Tùy theo mức độ suy giảm sức khỏe, khả năng lao động mà các nạn nhân được hưởng mức trợ cấp khác nhau. Cùng với đó, Hội nỗ lực vận động các nguồn lực thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả dành cho gia đình nạn nhân. Hàng năm, 100% NNCĐDC được cấp thẻ BHYT; thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, Tết; được đi điều dưỡng tập trung.
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ vật chất, Hội còn tích cực chăm lo về tinh thần cho hội viên như: tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí; thăm, tặng quà khi ốm đau... Thông qua Hội, nhiều đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm còn thường xuyên hỗ trợ bằng nhiều hình thức như dạy nghề, tạo việc làm cho những nạn nhân còn khả năng lao động.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Hội NNCĐCD/dioxin và BTXH tỉnh đã vận động được gần 8 tỷ đồng cho hoạt động chăm lo NNCĐDC, trong đó có gần 600 triệu đồng tiền mặt và hiện vật quy ra tiền hơn 7 tỷ đồng); hỗ trợ vốn sinh kế; tổ chức thăm hỏi, tặng 3.215 suất quà (trị giá trên 1,5 tỷ đồng) cho các NNCĐCD; cấp 45 xe lăn cùng nhiều chế độ chính sách khác cho các đối tượng.
|
"Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục rà soát, hỗ trợ để có thêm những trường hợp là NNCĐDC được công nhận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước, Hội sẽ tăng cường vận động các nguồn lực chăm lo cho NNCĐDC, trong đó có dạy nghề, tạo việc làm cho những trường hợp có khả năng lao động", ông Nguyễn Văn Nhân nhấn mạnh.
Bài, ảnh: THÙY HƯƠNG