Tại cuộc họp đột xuất với Thường trực UBND tỉnh tối 6/7, ông Nguyễn Văn Lên, Phó Giám đốc phụ trách CDC tỉnh thông tin: hiện có 3 nhóm hàng tồn kho với số lượng lớn là sinh phẩm hóa chất xét nghiệm SARS-CoV-2, trang phục và vật tư chống dịch, kit test nhanh từ các nguồn tài trợ.
Ông Nguyễn Văn Lên, Phó Giám đốc phụ trách CDC tỉnh phát biểu tại cuộc họp. |
Tồn kho 8.000 mẫu sinh phẩm và 400.000 kit test nhanh
Về sinh phẩm hóa chất dùng trong xét nghiệm SARS-CoV-2, ông Lên cho biết, trong kho của CDC còn khoảng 7.000-8.000 mẫu dự trữ. Trong thời gian cao điểm dịch, số mẫu này chỉ đủ sử dụng trong 1 ngày. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, số mẫu này là khá nhiều, rất lâu nữa mới sử dụng hết.
CDC tỉnh xin ý kiến Sở Y tế và trình UBND tỉnh phương án sử dụng số sinh phẩm hóa chất này theo hướng: tiếp tục xét nghiệm COVID-19 theo tình hình thực tế với người từ nước ngoài về, đi công tác ở tỉnh khác hoặc xét nghiệm với một số ổ dịch. Ngoài ra, dịch sốt xuất huyết đang bùng phát, số sinh phẩm này cũng có thể dùng để xét nghiệm sốt xuất huyết, xét nghiệm cúm và để dự phòng trong trường hợp dịch bùng phát trở lại. Do vậy, CDC đề nghị cho phép đơn vị tiếp tục sử dụng số sinh phẩm này.
Về số trang phục, vật tư, CDC tỉnh đề xuất chuyển sang sử dụng cho công tác phòng, chống dịch chung của tỉnh (trong đó có phòng, chống COVID-19) như: phun hóa chất phòng chống sốt xuất huyết, đi lấy mẫu cộng đồng.
Nhóm hàng thứ ba là kit test nhanh từ các nguồn tài trợ còn 400.000 bộ. Trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch, số lượng này có thể dùng trong 2 tháng, nhưng trong bối cảnh hiện nay là lượng tồn kho lớn. CDC đề xuất sử dụng để xét nghiệm định kỳ hàng tuần để bảo vệ nhân viên y tế. Ngoài ra, CDC đề xuất khi vào năm học mới sẽ test lại cho học sinh để bảo đảm an toàn và tránh lãng phí.
Tại cuộc họp, đại diện Sở Y tế cho biết, số lượng vật tư, sinh hóa phẩm xét nghiệm hiện nay không chỉ tồn kho ở riêng CDC mà các cơ sở y tế khác cũng tồn kho, Sở Y tế đang rà soát, thống kê.
Lượng kit test nhanh còn tồn số lượng lớn, dự kiến điều tiết giữa các đơn vị y tế. Trong ảnh: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trên địa bàn TP. Vũng Tàu trong thời gian bùng phát dịch. |
Linh hoạt sử dụng, tránh lãng phí
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc cân đối, sử dụng nguồn vật tư, trang thiết bị còn dư sau thời gian cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 là cần thiết. Do vậy, CDC tỉnh cần xây dựng phương án sử dụng cụ thể.
Liên quan đến hàng tồn kho trong phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ yêu cầu căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế để xử lý. Tuy nhiên, trước khi có kế hoạch luân chuyển, các đơn vị liên quan cần thống kê đầy đủ gửi về Sở Y tế để tổng hợp. Trên cơ sở đó xác định thời hạn sử dụng của từng loại vật tư, sinh hóa phẩm xét nghiệm. Nơi nào còn thiếu và cần thiết, Sở Y tế xây dựng kế hoạch điều tiết, sử dụng. Việc điều chuyển số hàng tồn kho này trên tinh thần bảo vệ sức khỏe người dân và tránh tình trạng phân bổ chưa hợp lý nhằm sử dụng hết số hàng hóa này.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ lưu ý: “Số kit test nhanh do nhận tài trợ có thời hạn sử dụng đến năm 2023 thì cần phân bổ hợp lý. Sinh phẩm xét nghiệm tồn có thể nghiên cứu sử dụng để xét nghiệm phòng, chống dịch sốt xuất huyết đang bùng phát trên địa bàn tỉnh hiện nay có hiệu quả hay không, Sở Y tế cần chủ động và không lãng phí nguồn lực”.
Sau cuộc họp trên, ngày 7/7, UBND tỉnh đã ban hành công văn gửi Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố cùng Sở Y tế, Sở Tài chính và Ban Quản lý dự án chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh về việc báo cáo phương án bảo quản, lưu trữ các loại thiết bị, vật tư tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.
Theo UBND tỉnh, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương thành lập các cơ sở thu dung, cách ly, điều trị bệnh COVID-19. Hiện nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, một số cơ sở trên đã giải thể.
Để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các loại vật tư, thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống dịch đã đầu tư cho các cơ sở này, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ngành, địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra tổng thể, thống kê danh sách, phân loại vật tư, thiết bị đã hư hỏng, các loại còn sử dụng được (nêu rõ theo từng địa bàn, khu vực, đơn vị quản lý). Trên cơ sở đó đề xuất phương án thanh lý, xử lý, bảo quản, lưu trữ theo quy định. Kết quả báo về UBND tỉnh trước ngày 11/7.
Bài, ảnh: CHƯƠNG NGUYỄN