.

Đừng đánh đồng báo chí là mạng xã hội

Cập nhật: 18:44, 01/07/2022 (GMT+7)

Thời buổi công nghệ thông tin lên ngôi, mạng xã hội thống lĩnh truyền thông trên mọi phương diện nhờ đa năng, nhanh gọn. Báo chí ít nhiều bị thử thách nghiệt ngã. Youtube, Facebook, TikTok, Twitter… là những mạng xã hội thường bị nhiều người hiểu nhầm là báo chí. Vì thế báo chí bị mang tiếng oan khi thông tin trên đó sai sự thật.

Nhiều cá nhân lập ra các kênh thông tin, tự cho mình cái quyền “báo chí”, góp nhặt tin tức mọi nơi chưa kiểm chứng rồi đưa lên trang cá nhân. Cũng vì thể hiện cái tôi, câu view, câu like kiếm tiền vô tội vạ. Đến khi nhìn lại thì sửa sai không kịp nữa, vì cơ quan chức năng đã can thiệp. Điều đáng nói, không ít công chúng cho rằng đó là những trang báo mạng (báo điện tử) nên tin theo dẫn nguồn, share, like… rầm rộ. Nguy hiểm cho xã hội tiềm tàng từ đấy.

Không khó để đôi lần người ta nghe và thấy về những thông tin thất thiệt trên các trang thông tin điện tử, Yotube, TikTok, Facebook... nhưng mấy ai nhận ra đó không phải là tờ báo? Nào là tin máy bay rơi, sập tòa nhà cao tầng, nghệ sĩ qua đời, trẻ em bị bắt cóc... Đó là chưa nói đến những clip, hình ảnh xúc phạm đến quyền riêng tư cá nhân bị mang lên bêu xấu, theo chủ đích phiến diện của tác giả, xuyên tạc Đảng và Nhà nước ta để dẫn dắt dư luận...

Các Youtuber, TikToker tự cho mình là nhà báo, đi phỏng vấn, quay clip theo kiểu một chiều rồi đưa lên mạng. Họ không nghĩ đến hậu quả, khiến gây tổn thất thiệt hại cho cá nhân hay tổ chức nào đó… Từ đấy người ta quy chụp đó là do báo mạng đăng tải, kèm theo những bình luận khó coi rằng: “Báo lá cải”, nhà báo vô đạo đức, tẩy chay báo mạng... Người làm báo cảm thấy đau lòng, tổn thương vì điều đó. Cần biết, báo chí chịu sự kiểm soát, giám sát từ nhiều cơ quan chức năng, nhất là từ Bộ TT-TT nên không có chuyện dễ dãi trong việc thông tin đến bạn đọc.

Tin tức trao đến bạn đọc là cả một quy trình khắt khe, chặt chẽ, kỹ lưỡng, chọn lọc từ một tập thể tâm huyết, đạo đức. Người làm báo luôn lấy đạo đức nghề nghiệp để tự răn mình. Chứ không như những trang mạng xã hội, thích gì đăng đó (không thích thì gỡ xuống).

Không thể phủ nhận những lợi ích mang lại từ mạng xã hội: thông tin nhanh gọn. Hiện báo chí cũng tham gia vào mạng xã hội Youtube, TikTok, Facebook… nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của bạn đọc (dẫn link lại từ báo điện tử). Tuy nhiên mạng xã hội luôn có hai mặt: tích cực và tiêu cực. Mọi người cần tỉnh táo trước vô vàn tin tức trên mạng xã hội từ những trang cá nhân và nên kiểm chứng nhiều nguồn trước khi tin vào điều đó. Phải lên án, tẩy chay cái xấu và nhân rộng những điều tốt đẹp, yêu thương.

THANH VŨ

 
.
.
.