Lúc cãi nhau,"hóa giải" bằng cách "hóa chất" gì?
Tôi không bao giờ tin, chắc bạn cũng không bao giờ tin nếu ai đó tuyên bố: “Chung sống với nhau, vợ chồng tôi cực kỳ hạnh phúc. Suốt mấy chục năm trời hai người không hề cãi nhau một câu. Lúc nào cũng trong ấm ngoài êm”. Làm gì có chuyện đó, đời sống vợ chồng thỉnh thoảng có lúc sóng gió nọ kia cũng là lẽ thường tình, rồi sau đó, họ lại làm lành với nhau bởi vì, từ hai cá thể riêng biệt khi nhập vào nhau “làm một” ắt có lúc “chênh” nhau cũng là điều dễ hiểu. Sau khi, trong quá trình chung sống họ tự điều chỉnh lẫn nhau để có được tiếng nói chung. Gia đình nào cũng vậy thôi.
Minh họa của: MINH SƠN |
Thế thì câu chuyện chúng ta đang bàn ở đây là gì?
Là lúc “đá thúng đụng nia”, “chưởi cho mắng mèo”. “cơm không lành, canh không ngọt”, họ phải hóa giải bằng cách nào? Khó có thể tìm ra câu trả lời thuộc về mẫu “công thức” đặng ai ai cũng có thể áp dụng. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, vẫn có đấy. Rằng, khoảng thập niên 1980, một trong nhiều tiểu thuyết của “văn học Liên Xô” được bạn đọc săn đón, thích thú tìm đọc nhất vẫn là Muối của đất của nhà văn G.Mác-Cốp. Ai lại không ấn tượng với chi tiết lúc vợ chồng giận nhau, cãi nhau chí chóe thì cô Na-chen-ca đem lá thư tình thuở họ mới quen nhau, đưa cho Mắc-xim. Lá thư đó, Mắc-xim viết như sau:
“Na-chen-ca yêu quý! Sự gắn bó giữa hai chúng mình có một cái gì rất lớn lao. Những dòng suối nhỏ trong rừng tai-ga khi hợp thành một sẽ nhân sức mạnh của mình lên nhiều lần. Hai đứa mình cũng thế. Bất kỳ kẻ nào chắn ngang đường ta đi, bất cứ chướng ngại nào trước mắt chúng mình cũng sẽ bị đè bẹp bởi sức mạnh của tình yêu giữa hai chúng mình...”.
Dòng chữ dịu dàng thương mến ấy đã khiến Mắc-xim nghĩ lại. Những dòng chữ ấy đã nhắc nhở về năm tháng ngập đầy ánh sáng của tình yêu. Khi nhắc lại, lập tức nó đã trở thành ngọn lửa ấm áp, đủ sức xua tan đi băng giá đang ngăn cách hai người. Họ phải ngẫm nghĩ lại và sẽ có cách giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn đang xảy ra.
Tôi nhớ đến đôi vợ chồng son trong truyện ngắn Cười của nhà văn Nam Cao. Họ cãi nhau luôn: “Mỗi lần cãi nhau với vợ xong, thế nào hắn cũng bỏ nhà đi luôn bốn năm hôm”. Cô vợ cũng không thèm ngăn, chỉ cau mặt: “Muốn đi đâu thì đi”. Rồi có một lần quay về nhà, chỉ một chi tiết khiến người chống nhớ mãi và thay đổi tính cách: “Đột ngột, hắn đẩy cửa bước vào.Vợ hắn giật mình. Chợt nhận ra chồng, đôi mắt chị sáng lên vì mừng rỡ: “Mình!”. Thị buột miệng reo lên một tiếng rồi cúi đầu bẽn lẽn”. Chỉ một tiếng nói đã hóa giải được nhiều điều. Bởi lẽ, chính nó đã nhắc nhở lại ngày tháng êm đềm, ngày đó họ đã hứa phải yêu thương nhau cho đến cuối đời.
Nhớ lại đi, có phải lúc mới yêu nhau, con người ta thường dành cho nhau những vốn từ, và phát ngôn bằng ngữ điệu ra làm sao? Chắc chắn không thể nào mỗi lời dấm dẳng như chó sủa ma, như dùi đục chấm mắm cáy mà phải là “nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Âm thanh dịu vợi ấy, lúc giận nhau, nếu ta ngồi yên, tĩnh tâm và nhớ lại ắt cảm thấy nhẹ lòng hơn nhiều.
Mới đây thôi, vợ chồng anh bạn tôi có chuyện buồn bực, tức tối, gây gỗ nhau chí chóe như chó với mèo. Dù cô vợ đã “hạ mình” xin lỗi nhưng người chồng vẫn không chịu, chỉ muốn ký giấy ly hôn cho nó xong. Sống như thế, cực nhục lắm. Lúc ấy, tình cờ anh ta nhìn thấy một tấm ảnh cũ từ trong mớ hồ sơ giấy tờ. Cầm trên tay bức ảnh ấy, đột nhiên, anh ta cảm thấy rưng rưng. Bao nhiêu kỷ niệm hoa mộng lại quay về trong tâm tưởng.
Ngày đó, anh vừa ốm dậy nên trông còn xanh xao lắm. Đứng bên cạnh là cô người yêu, nay là vợ đang cười tươi. Chà, những ngày ở bệnh viện, chỉ một tay cô ấy chăm sóc, dù hai người chỉ mới yêu nhau. Xa quê, lên thành phố trọ học, không một ai ruột thịt, may mà có sự cưu mang ấy, nếu không, chắc gì anh ta đã như ngày nay?
Sau một thoáng ngần ngừ, người chồng đặt lại mọi thứ vào lại ngăn tủ. Và anh ta tìm cách giải quyết khác. Sống trên đời cần có cái tình, huống gì họ có vài mặt con với nhau, nhất là đã có những ngày tươi đẹp. Chẳng một ai dễ dàng rũ bỏ. Nhớ lại kỷ niệm đẹp đã có trong đời cũng là một nguồn vui sống đó chăng? Tôi tin chắc, nhiều người đồng tình.
Vâng, lúc cãi cọ ấy, thiết nghĩ kỷ niệm đẹp ngày xưa cũng là “hóa chất” thanh lọc lại sự u ám đang xảy ra trong đời sống vợ chồng.
LÊ MINH QUỐC