.

Săn nấm mối, kiếm tiền triệu mỗi đêm

Cập nhật: 18:43, 01/07/2022 (GMT+7)

Những cơn mưa dồn dập cuối tháng 6, cùng với tiết trời oi nóng đã kích thích đợt nấm mối mọc rộ nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm người dân khắp vùng Đông Nam bộ kéo nhau đi săn tìm lộc trời, nếu may mắn họ có thể kiếm được vài triệu đồng mỗi đêm.

Nấm mối được bày bán dọc các tuyến đường liên xã tại huyện Xuyên Mộc với giá từ 450- 600 ngàn đồng/kg.
Nấm mối được bày bán dọc các tuyến đường liên xã tại huyện Xuyên Mộc với giá từ 450- 600 ngàn đồng/kg.

“Thắp” sáng rừng cao su

Vừa chập tối, dòng ngươi từ khắp nơi đã đổ về các rừng tràm, lô cao su và rẫy tiêu tại huyện Xuyên Mộc và Châu Đức để săn tìm nấm mối. Càng về khuya, càng đông người. Tiếng xe máy, tiếng gọi nhau í ới vang cả rừng cây. Ánh đèn pin đội trên đầu của người đi tìm nấm soi sáng khắp lô cao su. “Mùa này vào đây ban đêm mà rộn ràng còn hơn ban ngày. Người đi tìm nấm mối đông vui như trẩy hội, đèn pin rọi búa xua và sáng như sao trời”, anh Đinh Văn Lập (SN 1985, ngụ Định Quán, Đồng Nai), một người có thâm niêm săn nấm mối gần 10 năm hồ hởi nói.

Anh Lập cùng với 7 người bạn từ Đồng Nai rời nhà qua huyện Xuyên Mộc tìm nấm đã nhiều ngày qua. “Nghe tin nấm ở vùng này đang rộ nên chúng tôi kéo nhau tới tìm. Tôi mê tìm nấm mối lắm, cứ tới mùa là chất đồ đạc lên xe đi hết đợt nấm mới về. Ban ngày chúng tôi nghỉ ngơi, buộc võng nằm đợi đến khuya khi nấm mọc lên thì đi tìm”, anh Lập chia sẻ.

Tới các lô cao su tại xã Tân Lâm, Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc), nhóm người của anh Lập tỏa ra mỗi người một hướng để tìm kiếm. Trong đợt nấm rộ nhất, mỗi ngày anh Lập kiếm được từ  1,5 – 2 triệu đồng tiền bán nấm mối. “Tìm nấm mối cũng hên xui. Đêm trúng được thì bán được khoảng 5- 6 triệu đồng. Có đêm tìm được ít thì được vài trăm ngàn đồng. Lần tôi nhổ được nhiều nhất là 12kg, bán với giá 650 ngàn đồng/kg”, anh Lập khoe.

Cũng đi tìm nấm mối, anh Nguyễn Văn Phương (SN 1993, ấp 1, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc) cùng với những người bạn trong xóm lại chọn rẫy tiêu và lô cao su ở xã Bàu Lâm, cách nhà chừng 5 km để tìm vận may. Dừng xe tại chòi rẫy, nhóm người nhanh chóng tản ra khắp nơi để tìm nấm. Trên đầu mỗi người đều đội một chiếc đèn pin rất sáng để soi tìm nấm trong các lùm bụi, gốc cây. “Ở trong lô cao su và những nơi dễ thấy người ta đã đi nhiều rồi. Giờ phải tìm ở các lùm bụi, những nơi khuất kín thì cơ hội được nấm cao hơn”, anh Phương tiết lộ.

Theo anh Phương, nấm mối mọc từ lúc nửa đêm đến rạng sáng, thời điểm sương xuống nhiều, độ ẩm cao. Từ lúc nấm mối mọc đến khi tàn lụi chỉ khoảng 3 ngày, qua các hình thái: búp - dù - nở - tàn. Nếu không tranh thủ đi lấy ban đêm thì nấm sẽ bị sâu, côn trùng ăn mất. Qua mỗi giai đoạn phát triển giá trị của nấm mối sẽ giảm xuống. Nấm búp giá cao nhất tùy thời điểm mà giá rơi vào khoảng 500 – 700 ngàn đồng/kg, nấm nở bán giá thấp nhất khoảng 250 – 350 ngàn đồng/kg.

Mỗi kg nấm mối có giá dao động từ 400 - 600 ngàn đồng/kg.
Mỗi kg nấm mối có giá dao động từ 400 - 600 ngàn đồng/kg.

Nấm mối thường mọc thành từng cụm ở những vùng đất có nhiều mối sinh sống, dưới các lớp lá cây mục nát. Nấm mới mọc sâu dưới đất và khá nhỏ, phải dùng đèn pin thật sáng, tinh mắt và có “duyên” mới gặp được. “Có người đi tìm qua lại dẫm đạp lên nấm mối nhưng không biết, người đi sau lại thấy và đào được cả “ổ” nấm. Để lấy nấm, người dân phải dùng thanh tre hoặc gỗ cắm sâu xuống đất rồi bẩy từ từ lên để tránh đứt gãy cây nấm”, anh Phương chia sẻ.

Giá bán cao nhưng để kiếm được nấm mối người dân phải luồn lách khắp rừng cây, bờ bụi đi cả chục km mỗi đêm đến rã cả chân. Không những vậy, đi kiếm nấm mối ban đêm cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị côn trùng, bọ cạp, rết cắn, chích và cây gai vướng vào mắt,… “Nguy hiểm nhất là đụng phải rắn, nhất là rắn cạp nong. Loại rắn này cực độc và có tập tính đuổi theo ánh sáng đèn pin. Nên người hái nấm đi một đoạn lại phải dọi đèn phía sau xem có rắn bám theo không để phòng tránh”, anh Thời, một người đi hái nấm nói.

Có bao nhiêu cũng thu mua hết

Sau một đêm săn tìm nấm mối, người dân mang ra các điểm thu mua nằm dọc tuyến đường liên xã để bán cho thương lái. Những lúc nấm mối “cháy” hàng, thương lái vào chốt chặn trong rừng, rẫy để thu mua cả đêm. Bà Đoàn Thị Xuân (46 tuổi, ngụ xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc) cho biết, buổi đêm hai vợ chồng vào lô cao su mua nấm mối. Đến sáng, chồng bà tiếp tục đóng chốt trong lô để mua, còn bà ra ngoài đường liên xã vừa mua nấm vừa đóng gói gửi đi cho khách. Nhiều năm làm nghề buôn bán nấm mối, bà Xuân đã gây dựng cho mình được nhiều đầu mối mua bán nấm. Mỗi lần người dân kiếm được nấm đều gọi điện báo cho bà tới mua. Bà còn đóng gói gửi nấm cho bạn hàng ở các chợ trong tỉnh và những tỉnh lân cận.

Người dân dầm sương săn lộc trời cả đêm, kiếm thêm thu nhập.
Người dân dầm sương săn lộc trời cả đêm, kiếm thêm thu nhập.

Theo bà Xuân, đầu mùa nấm mối nhiều và giá cũng cao, mua tại rẫy giá từ 550 – 600 ngàn đồng/kg. Thời điểm nấm mọc rộ, rồi nấm từ các địa phương khác đưa về thì giá bị rớt xuống chỉ còn 300 - 400 ngàn đồng/kg. “Nấm mối là lộc của trời cho, mỗi năm có vài ba đợt, nên người đi tìm cũng có thêm thu nhập, người thu mua cũng kiếm được chút ít. Người ta bán bao nhiêu tôi đều thu mua hết, tuy giá cả có lên xuống chút ít chưa bị ế lúc nào. Mỗi kg nấm tôi bán kiếm được khoảng 50 ngàn đồng tiền lời”, bà Xuân bộc bạch.

Còn theo bà Hoa, một người thu mua nấm ở Xuyên Mộc, nấm mối vùng Đông Nam bộ có hương vị ngọt lành, giòn và ngon hơn các vùng khác nên người dân thích ăn hơn và giá bán cũng cao hơn. Mỗi mùa nấm mối, ngoài kiếm nấm để ăn, người dân cũng có thêm thu nhập đáng kể từ thứ lộc trời cho.

Bài, ảnh: BẠCH LONG

.
.
.