Dù bực mình nhưng vẫn… vui vẻ

Thứ Sáu, 22/07/2022, 19:44 [GMT+7]
In bài này
.

Không phải ngẫu nhiên, tục ngữ Việt Nam có câu: “Dọn mặt đi ăn cổ”. Có thể giải thích nôm na dù đang buồn bực cau có, dù thế nào đi nữa cũng phải mang lấy một bộ mặt khác khi đến một nơi chốn khác để có chung một bộ mặt như thiên hạ. Chẳng có gì vô duyên hơn, khi nhà người ta đang có niềm vui, mình lại đến bằng cái mặt chình ình sầu thảm như đi đưa đám tang. Sự vô duyên ấy cũng tương tự như lúc thiên hạ đem hoa đến tặng, bản mặt mình lại chụ ụ một đống, như thế khác gì đuổi khéo người ta?

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Đúng là thế.

Nhiều người đã nghĩ thế, nhưng rồi hầu hết lại có suy nghĩ, ấy là việc ta cần phải “xử lý” với người ngoài, còn trong đời sống hôn nhân thì không cần thiết đâu. Vì đã vợ chồng, sống với nhau có mấy mặt con, đã hiểu nhau lắm rồi thì việc gì phải thế? Buồn thì nói buồn, bực thì bực cứ la toáng lên chứ việc gì phải “làm bộ làm tịch”?

Suy nghĩ này liệu chừng có hợp lý không?

Xem kìa, chị bạn tôi vốn lúc nào cũng cau có, hễ gặp người khác, chỉ thấy rặt sự tệ hại nên buông lời chỉ trích, chê bai, mắng nhiếc. Vì chị nghĩ tâm trạng thế nào thì cứ bộc bạch ra thế, cần gì che đậy, giấu diếm. Chính vì thế, trong nhà chị thường thiếu đi những tiếng cười cảm thông cho nhau. Ban đầu người chồng do không kiềm chế nên cãi lại, chẳng mấy chốc chuyện bé xé ra to mà chẳng đâu vào đâu. Vậy, phải làm thế nào, chứ chung sống lâu dài thế này e gây go quá đi mất. Cuối cùng, nỗi âu lo ấy đã được tháo gỡ một cách nhẹ nhàng, chị kể lần kia, sau một hồi người chồng năn nỉ đến gẫy lưỡi, chị đồng ý đến nhờ một bác sĩ tâm lý tư vấn.

Bác sĩ ấy tư vấn những gì mà về sau chị thay đổi hẳn tính nết?

Chị kể, vị bác sĩ đã kể cho chị nghe câu chuyện “cổ tích” về một người hay “cau có khó ưa”, nhìn vào ai khác - kể cả vợ cũng đều thấy rặt tính xấu. Thế là oang oang nói ngay! Rồi, ngày nọ, xảy ra tình huồng là người đó sau khi dù buông ra những lời mạt sát nhưng người đối diện vẫn im lặng, không thèm chấp. “À, nó khinh thường mình quá thế, vậy phải “nặng đô” hơn nữa”. Nghĩ thế, người đó bèn mắng luôn người kia một câu thật đau: “Mày chỉ là đồ gỗ đá, đầu óc bã đậu, không biết hỗ thẹn là gì”. Người bị chửi rủa vẫn từ tốn: “Thưa ông, nhân sinh nhật của người bạn, ông đem tặng một món quà nhưng người đó không nhận. Món quà ấy thuộc về ai?”. “Tất nhiên thuộc về tôi”, người đó gầm lên. Người bị chửi rủa nhẹ nhàng nói tiếp: “Vâng, tôi cũng thế. Những lời ông đã dành cho tôi, tôi không nhận, vậy xin trả lại cho ông”.

Thiết nghĩ, một câu chuyện nhẹ nhàng hữu ích cũng có thể thay đổi suy nghi vốn cố hữu của ai đó.

Thế đấy, trước một sự việc, sự tích cực hay tiêu cực cũng từ lựa chọn của chính mình. Tôi có anh bạn nhà văn khá thân thiết, anh viết một truyện ngắn được nhiều người khen hay. Đại khái, nhân vật A sau một tháng làm việc nhọc nhằn nhận được tiền lương. Với số tiền ấy, anh nghĩ đến việc mua sắm một vài vật dụng trong nhà, muốn thế phải chi tiêu dè sẻn. Khi về nhà, cô gái út khoe vừa thi đậu, và mè nheo đòi ba mẹ phải dẫn đi ăn một bữa thật ngon, thật hoành tráng. Lời đề nghị hợp lý của con, tất nhiên vợ chồng A chấp thuận.

Chiều hôm đó, cả nhà kéo nhau vào một nhà hàng sang trọng. Muốn con vui, anh đưa thực đơn cho con được quyền tự chọn. Không ngờ, đứa bé “con mắt to hơn cái bụng” nên đã gọi món ăn khá “mạnh miệng”. Nhìn thức ăn ê hề dọn ra bàn, anh nhăn mặt, nhíu mày vì cảm thấy hoang phí quá. Tốn một mớ tiền không đáng. Anh định thốt ra một câu mắng ngay, may mà cô vợ hiểu ý nên kịp thời bấm vào tay chồng ra hiệu im lặng.

Mọi việc đã đâu vào đó, không thể trả lui cho nhà hàng. Thế thì, sự bực bội ngay lúc ấy có giải quyết được điều gì không? Hay chỉ khiến cho bữa ăn mừng con thi đậu lại trở thành cuộc “đấu tố”, chì chiết? Ngẫm nghĩ một lát, anh thay đổi thái độ, dẹp bỏ đi sự bực mình. Và vui vẻ ăn uống cùng vợ con.

Sau khi trả xong tiền, thức ăn thừa được giải quyết một cách nhẹ nhàng, nhanh chóng mà lúc giận, anh đã không nghĩ ra: Chỉ cần yêu cầu, nhà hàng cẩn thận cho vào hộp để thực khách đem về. Với sự chu đáo đó, cô vợ nói khẽ với con: “Vậy hay quá, sáng mai mẹ không phải thức dậy sớm làm điểm tâm cho cả nhà như mọi ngày. Mẹ có thể ngủ thêm chút nữa. Thức ăn đã có rồi, lo gì, phải không út cưng?”. Nghe mẹ nói thế, cô con gái cất tiếng cười vang. Anh A cũng cảm thấy vui vẽ. Mọi việc đâu còn có đó,  chẳng gì phải ầm ĩ, nếu lúc nẫy anh bực bội, so đo tính toán thiệt hơn, la mắng con thì kết thúc bữa ăn đã khác. Sự kết thúc mà có lẽ ai ai cũng biết sẽ như thế nào. Tồi tệ lắm.

Có thể nói, sự bực bội trong lòng chính là một thứ độc tố, không những hại sức khỏe mà nếu không khéo còn có thể ảnh hưởng đến môi trường gia đình.

LÊ MINH QUỐC

;
.