Thanh niên dám nghĩ dám làm

Thứ Tư, 11/05/2022, 20:15 [GMT+7]
In bài này
.

Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, tại TX.Phú Mỹ, nhiều thanh niên bằng nghị lực, đam mê đã dựa vào những điều kiện thực tế của địa phương để vượt qua khó khăn, vươn tới thành công.

Anh Nguyễn Trọng Trung (phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ) thu hoạch bưởi da xanh trong vườn nhà.
Anh Nguyễn Trọng Trung (phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ) thu hoạch bưởi da xanh trong vườn nhà.

Thực hiện bằng được ước mơ

Sinh ra trong một gia đình nông dân không mấy khá giả, nên từ nhỏ, anh Nguyễn Trọng Trung (SN 1990) đã có chí vượt khó vươn lên. Nhận thấy vùng đất quê hương là phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ rất phù hợp với cây bưởi da xanh, nên khi còn là SV ngành Quản trị - Tài chính của Đại học BR-VT, anh đã tìm hiểu, thử nghiệm trồng bưởi da xanh trên mảnh vườn 1,5ha của gia đình.

Năm 2015, sau khi tốt nghiệp ĐH, anh quyết định về nhà trồng bưởi da xanh, niềm đam mê ấp ủ từ thuở bé của mình.

Năm 2017, vườn bưởi 350 gốc với mức đầu tư gần 1 tỷ đồng của anh Trung đã bắt đầu cho thu nhập. Thấy khả quan, anh thuê thêm 2ha đất liền kề và đầu tư thêm 350 gốc bưởi, chuyên tâm với nghề trồng bưởi sạch. Có tư duy, kiến thức, lại nhanh nhạy với thị trường, nên vườn bưởi của anh Trung ngày càng mở rộng, phát triển, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, cuối 2018, anh Trung thành lập Tổ hợp tác bưởi Thanh niên Hắc Dịch với 23 thành viên, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi và tìm đầu ra ổn định cho tổ viên. Tổ hợp tác bưởi Thanh niên Hắc Dịch còn kết nối, thu mua bưởi của các hộ ngoài Tổ có cùng phương thức trồng bưởi sạch, với sản lượng hơn 1.000 tấn bưởi/năm để cung cấp cho các chợ, siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Giá mua tại vườn dao động từ 20-25.000/kg. Hiện Tổ hợp tác bưởi Thanh niên Hắc Dịch đạt doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng vườn bưởi của anh Trung cho thu nhập dao động từ 700-900 triệu đồng/năm.

“Tôi ấp ủ giấc mơ nâng tầm bưởi Hắc Dịch. Hiện tôi đang làm hồ sơ nâng cấp Tổ hợp tác bưởi Thanh niên Hắc Dịch lên HTX. Đồng thời nghiên cứu phát triển du lịch miệt vườn, hình thành KDL sinh thái quán ăn miệt vườn kết hợp sản xuất bưởi sạch. Ở trên là vườn bưởi đẹp với nhiều khung cảnh đẹp cho du khách chụp hình. Dưới là ao câu cá giải trí, kết hợp bày bán các sản phẩm từ bưởi, sản phẩm nông nghiệp đặc sản địa phương và tạo thêm việc làm cho người dân”, anh Trung cho hay về định hướng phát triển trong thời gian tới.

Trở thành doanh nhân trẻ thành đạt, công việc có nhiều bận rộn nhưng anh Trung vẫn dành thời gian và sự quan tâm đến phong trào thanh niên khởi nghiệp tại địa phương. Anh là địa chỉ quen thuộc của ĐVTN khi muốn học hỏi kinh nghiệm lập nghiệp.

Ông chủ trại heo giàu nhân ái

Trải qua nhiều khó khăn, biến cố trong cuộc sống với vô số lần thất bại, thế nhưng, bằng sự lạc quan, yêu đời và suy nghĩ tích cực, cách làm sáng tạo, anh Nguyễn Văn Thảo (tên thường gọi là Nhí, SN 1989, KP. Vạn Hạnh, phường Phú Mỹ) đã nổ lực để trở thành ông chủ trại heo, mở sạp thịt sạch và nhận đỡ đầu, tiếp bước tới trường cho 10 em HS mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Về những thăng trầm đã qua, anh Nhí tâm sự, trước năm 2014, hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn. Để có tiền trang trải cuộc sống, anh làm rất nhiều việc như: phụ hồ, tài xế phụ, làm thuê, làm mướn. Đến năm 2014, anh chuyển sang lấy thịt heo về bán cho bà con trong vùng. Nhận thấy địa bàn TX.Phú Mỹ có nhiều công ty, khu công nghiệp, mỗi ngày, lượng cơm thừa của công nhân bỏ đi nhiều rất phí. Số cơm thừa này thải ra môi trường dễ gây ô nhiễm. Anh suy nghĩ đến việc nuôi heo sạch từ thức ăn chính là cơm thừa, rau dập…

Nghĩ là làm, khoảng năm 2015, anh Nhí tìm đến các quán ăn, công ty trên địa bàn phường Hắc Dịch và các khu vực lân cận hỏi xin cơm thừa. Anh cũng dồn hết số tiền tích lũy mua đàn heo rừng 40 con về nuôi. Mỗi ngày, trên chiếc xe cà tàng, anh chạy đến các quán ăn, công ty gom cơm thừa về nấu chín làm thức ăn cho heo. Tranh thủ giờ trưa, anh ghé các chợ gom rau dập để bổ sung thêm thức ăn cho heo.

Đàn heo phát triển tốt, thịt săn chắc, thơm ngon và được bà con trong vùng lựa chọn. Một năm sau, từ số heo trưởng thành bán đi, có nguồn vốn xoay vòng anh tiếp tục mở rộng chuồng trại, mua thêm heo, bò về nuôi và thuê 3 nhân công phụ việc. Cao điểm, chuồng trại của gia đình anh có 200 con heo thịt, 120 con bò. Quá trình chăn nuôi, để hướng bà con chăn nuôi tiết kiệm chi phí, tạo được thương hiệu riêng, anh Nhí chia sẻ kinh nghiệm nuôi heo từ thức ăn thừa, rau dập nấu chín. Dần dần, anh thu hẹp chuồng trại, chuyển sang thu mua, bao đầu ra cho các gia đình nuôi heo sạch tại địa phương và mở sạp bán thịt sạch tại KP.Vạn Hạnh (phường Phú Mỹ).

Anh Nhí cho biết: “Heo được nuôi từ cơm thừa, rau dập thường không mập, chậm  lớn hơn so với heo nuôi từ các loại thực phẩm. Tuy nhiên, sức đề kháng của con heo khỏe hơn, ít bệnh vặt; thịt heo lại rất săn chắc, thơm ngon và đặc biệt là an toàn với người sử dụng. Tôi bao tiêu đầu ra cho các hộ dân nuôi heo bằng cơm thừa, giá heo hơi cân tại chuồng thường cao hơn thương lái nên tạo được động lực để bà con duy trì việc chăn nuôi sạch, bảo đảm vệ sinh”.

“Để tiếp sức cho thanh niên vượt khó, khẳng định bản thân, Thị Đoàn Phú Mỹ luôn sâu sát để kịp thời nắm bắt các ý tưởng triển vọng của thanh niên, sử dụng ưu điểm của các trang mạng xã hội, thành lập nhóm zalo, kết nối các thanh niên cùng ý tưởng để tạo môi trường chia sẻ kinh nghiệm, định hình hướng đi và hỗ trợ vốn trong trường hợp thanh niên có nhu cầu”, chị Nguyễn Thị Tuyết Kha cho biết.

Kinh tế gia đình ổn định và ngày càng khá giả, đến nay, chuồng trại của gia đình anh còn 100 con heo thịt. Mỗi ngày, sạp thịt của gia đình anh bán hơn 700kg thịt heo, 300kg thịt bò. Anh Nhí thu vào hơn 5 triệu đồng/ngày và tạo việc làm ổn định cho 8 nhân công với mức lương từ 7-20 triệu đồng/tháng. Anh cũng tích lũy để mua thêm được 3.000m2 đất tại phường Phú Mỹ.

Nhiều năm qua, anh Nhí luôn xông xáo trong các hoạt động của Đoàn-Đội TX.Phú Mỹ, trở thành nhà hảo tâm đắc lực giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Vừa qua, anh Nhí nhận đỡ đầu 10 em HS mồ côi có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Kha, Bí thư Thị Đoàn Phú Mỹ nhận xét, anh Nguyễn Trọng Trung hay Nguyễn Văn Thảo (Nhí) đều là những người còn rất trẻ và họ có chung đặc điểm là không ngại khó, không sợ thất bại, dám nghĩ, dám làm để vươn lên làm giàu chính đáng. Phát huy sức trẻ trong tình hình mới, họ đã trở thành cầu nối, địa chỉ tin cậy để ĐVTN tại địa phương học hỏi, nuôi dưỡng ước mơ và san sẻ yêu thương với cộng đồng xã hội.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

;
.