Có những ước mơ, những dự định dang dở, có những gia đình rơi vào cảnh túng thiếu vì mất đi lao động chính. Cũng có những người may mắn phục hồi sức khỏe và đi làm trở lại. Nhưng sau tất cả, tai nạn lao động vẫn luôn là nỗi ám ảnh! Hãy làm việc với tinh thần nói “không” với tai nạn lao động.
Đại diện LĐLĐ tỉnh thăm, động viên anh Tạ Chí Nguyện bị TNLĐ. |
Nỗi đau còn đó
Ngôi nhà nhỏ của 3 mẹ chị Nguyễn Thị Lệ, ấp Phước Lăng, xã Tam Phước, huyện Long Điền hơn 1 năm nay trở nên vắng vẻ. Từ ngày anh Trần Công Trọng, 33 tuổi, qua đời bởi TNLĐ, đến nay chị Lệ vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị Lệ cho biết, vợ chồng chị đều làm công nhân tại KCN Đông Xuyên (TP.Vũng Tàu).
Sau gần 10 năm ở trọ, đến đầu năm 2021, vợ chồng chị gom góp, vay mượn thêm từ người thân mới cất được căn nhà cấp bốn. Nhà xây xong, ở chưa được bao lâu thì anh Trọng đột ngột mất vì TNLĐ. Chồng mất, chị Lệ phải gắng gượng vượt qua nỗi đau, gạt nước mắt để tiếp tục gồng gánh nuôi con. Hằng ngày, chị vẫn chạy xe máy từ Long Điền sang Vũng Tàu làm việc, chiều lại lật đật chạy về lo cho 2 con nhỏ.
“Hôm ấy tôi đang đi làm thì nhận được tin báo chồng bị tai nạn. Khi tôi tới bệnh viện thì biết anh mất. Nỗi đau quá đột ngột, tôi bất tỉnh và không còn biết gì nữa. Sau này người thân kể lại, chồng tôi trong lúc đang làm việc, không may xe nâng bị lật. Trong lúc vội vàng nhảy xuống thì anh bị xe đè tử vong”, chị Lệ nghẹn ngào kể. Chị Lệ rơm rớm nước mắt nói: “Thương nhất là cả gia đình vừa dọn về nhà mới được vài tháng thì anh mất. Có chồng, tôi còn có người đỡ đần chia sẻ, còn giờ chồng mất, tôi cũng không biết ba mẹ con sẽ sống như thế nào. Vừa làm cha, vừa làm mẹ của 2 con nhỏ (bé 7 tuổi và bé 2 tuổi) không phải là chuyện dễ dàng, nhưng tôi phải ráng vì con”, chị Lệ nói.
Đã gần 1 năm kể từ khi con trai Vương Sĩ Hải (20 tuổi) mất vì TNLĐ, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, xã Phước Hưng, huyện Long Điền vẫn chưa hết bàng hoàng. Chỉ vì một phút bất cẩn, con trai chị phải đánh đổi cả mạng sống khi tuổi đời còn rất trẻ. Chị Hiền nói trong nước mắt: “Hải là con trai đầu của vợ chồng tôi. Sau Hải có một em gái đang học lớp 11. Hải nghỉ học sớm để đi làm ghe cùng với bố. Mấy tháng dịch không đi biển được, cháu xin đi làm công nhân. Khi đi làm sang tháng thứ 3 thì không may xảy ra tai nạn. Giá như không có tai nạn hôm ấy thì gia đình tôi không mất đi đứa con trai duy nhất của mình”.
Ông Tô Hoàng Ngân, Trưởng Phòng nhân sự công ty nơi anh Hải làm việc cho biết, Hải vừa vào công ty làm được hơn 1 tháng. “Công việc của Hải là phụ trách vệ sinh băng tải. Hôm đó khi tiến hành vệ sinh băng tải đáng ra phải sử dụng dụng cụ để vệ sinh băng tải thì cháu dùng tay nên tay bị kẹt, và người bị cuốn vào băng tải”, ông Ngân bùi ngùi kể.
Vươn lên bằng ý chí
Nhớ lại vụ TNLĐ khi đang làm việc 4 năm trước, anh Tạ Chí Nguyện, 20 tuổi, công nhân Công ty TNHH Haosheng (KCN Mỹ Xuân A2, TX.Phú Mỹ) vẫn chưa hết bàng hoàng. Buổi trưa ấy, khi đang cuộn bông, anh Nguyện không may trượt tay vào máy đóng bông và bị máy cuốn dập 2 cánh tay. Khi cố gắng giật 2 cánh tay ra khỏi máy và ôm tay chạy ra tới cửa thì anh bất tỉnh.
“Sau hôm ấy, tôi nghĩ mình sẽ không còn giữ lại được đôi tay”, anh Nguyện nhớ lại. Suốt 10 tháng điều trị, tập vật lý trị liệu anh luôn nghĩ mình đã trở thành người tàn phế. Ban đầu đôi tay không thể cứ động được, mọi sinh hoạt đều nhờ vào người thân. May mắn, với sự động viên khích lệ từ gia đình, sức khỏe anh Nguyện dần hồi phục.
Trong Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm nay, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đã đến thăm, động viên 9 gia đình có công nhân mất vì tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh, tặng mỗi gia đình 1 phần quà trị giá 2,5 triệu đồng. LĐLĐ tỉnh đã đến thăm, hỗ trợ 5 gia đình công nhân bị TNLĐ với số tiền từ 1-3 triệu đồng. Ngoài ra, các DN và địa phương trong tỉnh cũng có nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ gia đình công nhân lao động bị TNLĐ nặng. |
Gần 1 năm sau khi xảy ra tai nạn, vượt qua nỗi đau thể xác, tinh thần, anh Nguyện trở lại công ty và được bố trí công việc phù hợp hơn. “Lúc mới quay trở lại công việc, tôi lo lắng mình sẽ không làm được gì, cảm giác mặc cảm khi nhìn xung quanh mọi người làm bình thường, còn mình khác thường. Thế nhưng, khi nghĩ tới ba mẹ ở quê rất khó khăn, tôi ráng vượt qua để tiếp tục đi làm phụ giúp gia đình”.
Trải qua 4 tháng điều trị chị Lê Thị Mai Trinh, KP.Tân Ngọc, phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ vẫn chưa bình tâm trở lại. Chị Trinh cũng là công nhân của Công ty TNHH Haosheng. Lúc đang làm việc, chị Trinh bị kẹt tay phải vào máy cuốn bông. Bàn tay phải vừa mất ngón trỏ, vừa bị dính 3 ngón liền với nhau không thể phẫu thuật.
Trước kia, khi sức khỏe chưa ổn, chị Trinh không khỏi lo lắng không còn khả năng lao động để nuôi 2 con. Song bằng nghị lực của bản thân, cộng với sự động viên từ gia đình, chị đã dần tập làm quen với mọi hoạt động nhờ vào tay trái. Hiện tại chị đã trở lại công việc.
“Ban đầu tôi cũng bị sốc, sợ không còn khả năng lao động nữa. Sau đó quen dần và giờ đi làm không tự chạy xe được mà phải đi nhờ xe cùng đồng nghiệp hoặc người nhà chở đi. Tôi nghĩ nếu mình bỏ cuộc thì không có ai lo cho con nên phải cố gắng”, chị Trinh chia sẻ.
Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH thăm, động viên mẹ con chị Nguyễn Thị Lệ, xã Tam Phước, huyện Long Điền. |
Sẻ chia và ngăn ngừa
Theo Sở LĐTBXH, ngoài các nguyên nhân gây TNLĐ như người lao động vi phạm nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân… thì còn do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện hoặc huấn luyện chưa đầy đủ an toàn lao động cho người lao động; tổ chức lao động và điều kiện lao động không thuận lợi; thiết bị không đảm bảo an toàn…
Trước thực tế ấy, trong Tháng hành động ATVSLĐ 2022, Sở LĐTBXH đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thanh, kiểm tra tại 11 DN nhằm hướng dẫn các DN đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc. Đồng thời, tổ chức các hoạt động khác như tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATVSLĐ; triển khai chính sách bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, các quy định về ATVSLĐ…
Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, TNLĐ là điều không ai mong muốn. Phía sau mỗi vụ TNLĐ là một thảm kịch bởi nhiều gia đình bị đẩy vào cảnh khó khăn khi mất đi lao động chính.
“Trực tiếp đến thăm các gia đình có người thân mất vì TNLĐ, chúng tôi đã chứng kiến nhiều người vợ phải thay chồng gánh vác kinh tế, nuôi dạy con cái. Nhiều đứa trẻ lớn lên không có vòng tay người cha… Có nhiều gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn.
Dù công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ được tích cực triển khai, nhưng TNLĐ vẫn luôn thường trực, đòi hỏi các cấp, ngành và DN tiếp tục quan tâm để giảm tối đa nỗi đau cho người lao động và người thân. Mong muốn của chúng tôi là làm sao hạn chế tối đa nỗi đau TNLĐ với người lao động và gia đình họ”, bà Trúc My nói.
Để xoa dịu nỗi đau của nạn nhân bị TNLĐ, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, tham gia giám sát việc thực hiện quy định về an toàn trong lao động, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh còn tổ chức những chương trình chăm lo ý nghĩa đối với công nhân không may bị TNLĐ, hoàn cảnh khó khăn. Thông qua hoạt động chăm lo, LĐLĐ tỉnh hy vọng chia sẻ phần nào khó khăn, mất mát của người lao động và gia đình họ, giúp người bị tai nạn vượt qua nỗi đau và tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN