Người giữ lửa nghề rèn
Dù nắng hay mưa nhưng hàng chục năm nay lò rèn của ông Đinh Dương (70 tuổi, ngụ tổ 1, ấp Nam, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) vẫn luôn đỏ lửa để cho ra đời những sản phẩm thủ công chất lượng, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Ông Bảy đang rèn mũi đục cho khách. |
Nằm trong con hẻm nhỏ sát Trường THCS Nguyễn Thanh Đằng (TP. Bà Rịa), xưởng rèn của ông Đinh Dương (hay còn gọi là “Lò rèn ông Bảy”) từ lâu đã không còn xa lạ với người dân trong xã. Chỉ cần đến chợ Hòa Long và hỏi thăm ông “Bảy lò rèn” thì không ai không biết. Những sản phẩm của ông làm ra vừa đẹp lại có độ bền cao, giá cả phải chăng nên rất được người dân ưa chuộng tìm mua.
Ông Bảy sinh ra trong gia đình có ba đời gắn bó với nghề rèn nên từ nhỏ đã quen với cái rựa, con dao, cái cuốc, tiếng đe búa… Năm 1970, khi tròn 15 tuổi, ông được cha truyền lại nghề rèn để làm kế sinh nhai sau này. Mãi cho đến lúc lập gia đình ra riêng, ông mới tự mở cho mình một xưởng rèn nhỏ và gắn bó với nghề rèn đến nay đã hơn 40 năm. Không chỉ là kiếm sống qua ngày, ông luôn muốn gìn giữ nghề truyền thống và coi nghề rèn như là một cái nghiệp không thể bỏ.
Trong ánh lửa và hơi nóng tỏa ra từ lò rèn, vừa nghỉ tay sau một hồi quai búa, ông cho biết, người thợ rèn muốn làm ra một sản phẩm thủ công phải trải qua nhiều công đoạn: Từ lựa chọn phân loại nguyên liệu, cắt chẻ sắt, nung rèn, định hình phôi, tôi luyện, mài dũa cho đến đóng gói sản phẩm. “Những công đoạn trên đòi hỏi người thợ rèn không những phải có sức khỏe tốt mà còn phải có tính cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và không thể thiếu kinh nghiệm, bí kíp riêng trong nghề”, ông Bảy chia sẻ.
Ông Bảy nhớ lại, từ trước năm 1995, khi ấy người dân đi rừng, làm nương rẫy nhiều, mỗi ngày lò rèn của ông cho ra lò rất nhiều sản phẩm nông cụ như: Cuốc, xẻng, liềm, dao, rựa và bán rất chạy, thậm chí lúc vào mùa vụ còn làm không kịp. Thời điểm ấy, lò rèn của ông đỏ lửa 2 lần/ngày, làm cả ngày lẫn đêm mang lại nguồn thu nhập từ 7- 8 triệu đồng/tháng.
Sau này, khi công nghiệp cơ khí phát triển, các mặt hàng sản xuất công nghiệp hàng loạt đa dạng nhiều chủng loại, giá thành thấp nên các sản phẩm thủ công càng khó cạnh tranh trên thị trường. Tuy không còn bán được nhiều như trước đây nhưng do chất lượng tốt cộng thêm thương hiệu được xây dựng hơn 40 năm qua, những sản phẩm như: Cuốc, dao, rựa của ông vẫn được người dân trong vùng tìm mua. Lò rèn nhà ông chủ yếu chỉ nhận làm theo đơn đặt hàng của các tiểu thương ở chợ Long Phước, chợ Hòa Long và một số khách quen.
Là khách hàng quen thuộc của “Lò rèn ông Bảy”, ông Võ Văn Lộc (tổ 16, ấp Đông, xã Hòa Long) nói: “Gia đình tôi làm nghề mổ heo nên thường xuyên đặt ông Bảy làm dao chặt xương. Dao mà ông Bảy làm ra chất lượng tốt, xài bền và rất bén”.
Theo thông tin từ UBND xã Hoà Long, 10 năm trước trên địa bàn xã có khoảng 30 lò rèn luôn đỏ lửa mỗi ngày, nhưng đến nay chỉ 1/3 số lò còn hoạt động. Một số lò rèn chỉ hoạt động cầm chừng vì vắng khách. Địa phương thời gian qua luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ làm nghề rèn như gia đình ông Bảy vay vốn đầu tư phát triển kinh doanh, mở rộng sản xuất để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống. |
Hiện tại, lò rèn của ông Bảy chỉ hoạt động lai rai chứ không nhộn nhịp, thường xuyên như trước đây. Ông chia sẻ, vì số đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các nguyên liệu làm ra sản phẩm đều tăng giá nên cũng không lời được bao nhiêu. Để tiết kiệm chi phí, ông đặt mua mỗi lần từ 15-20 bao than (với giá 80 ngàn đồng/bao) ở huyện Xuyên Mộc. Ông cũng đến các vựa ve chai lớn trên địa bàn tỉnh mua thép nhằm mục đích tái sử dụng. Sau khi trừ hết các chi phí, mỗi tháng lò rèn của ông mang lại nguồn thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng.
“Nghề rèn là nghề lao động chân tay nặng nhọc: suốt ngày phải chịu hơi nóng từ lò lửa, chân than mặt bụi, người lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi. Khó nhọc và thu nhập không cao nhưng tôi vẫn quyết định gắn bó vì muốn giữ lại nghề truyền thống. Tôi sẽ làm công việc này cho đến khi không còn đủ sức nhóm lò, quai búa nữa mới thôi”, ông Bảy khẳng định.
Bài, ảnh: NHƯ YẾN