.

Niềm vui đến với người lao động

Cập nhật: 19:07, 13/04/2022 (GMT+7)

Thông tin Hội Đồng tiền lương quốc gia chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định đã mang lại niềm vui, đáp ứng niềm mong mỏi của người lao động (NLĐ) của cả nước nói chung và trên địa bàn BR-VT nói riêng.

Tăng lương tối thiểu vùng là niềm mong đợi lớn của NLĐ. Trong ảnh: NLĐ Công ty TNHH Vũ Chân (KCN Mỹ Xuân B1- Tiến Hùng, TX.Phú Mỹ) trong giờ sản xuất.
Tăng lương tối thiểu vùng là niềm mong đợi lớn của NLĐ. Trong ảnh: NLĐ Công ty TNHH Vũ Chân (KCN Mỹ Xuân B1- Tiến Hùng, TX.Phú Mỹ) trong giờ sản xuất.

“Tăng một đồng cũng quý”

Khi biết tin chốt lương tối thiểu vùng tăng 6%, NLĐ ở nhiều DN trên địa bàn tỉnh rất vui mừng. Anh Trịnh Đình Thế, công nhân Công ty TNHH Sản xuất giày Uy việt (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) nói: “Thông tin này giúp chúng tôi ấm lòng khi cuộc sống của NLĐ được quan tâm, chia sẻ và có sự đồng hành từ nhiều phía. Ở thời điểm khó khăn chồng chất khó khăn bởi vật giá leo thang, thu nhập giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì khoản lương tối thiểu vùng được tăng là niềm an ủi lớn với NLĐ chúng tôi”.

Anh Thể và vợ làm cùng công ty, nếu không có tăng ca, tổng thu nhập của vợ chồng anh xấp xỉ 14 triệu đồng/tháng. Song suốt 2 năm dịch bệnh kéo dài, thu nhập giảm, cuộc sống gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Khi biết tin, nếu được Chính phủ thông qua, những lao động ở vùng I như anh, lương sẽ được tăng thêm 260 ngàn đồng/tháng, anh Thế rất mong chờ.

Không khó để nhận ra niềm vui của NLĐ khi hỏi về thông tin tăng lương tối thiểu vùng vừa được đề xuất. Chị Phan Thị Giang, làm công nhân may ở KCN Mỹ Xuân A2, TX.Phú Mỹ được 6 năm. Cũng như nhiều lao động khác ở TX.Phú Mỹ, lương tối thiểu vùng của chị Giang hiện hưởng 4.420 ngàn đồng/tháng. Mỗi tháng, nếu tăng ca và các khoản phụ cấp khác của chị Giang rơi vào khoảng 8 triệu đồng, cộng với tiền lương công nhân của chồng, tổng thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng chị phải gửi 2 con về cho ông bà nội nuôi giúp. Khoản tiền lương của vợ chồng chị chỉ tạm đủ trả tiền nhà trọ, sinh hoạt phí, ăn uống hàng ngày và gửi về quê cho ông bà nuôi con. Theo chị Giang, khoản tiền lương tối thiểu vùng tăng thêm 260 ngàn đồng/tháng dù không nhiều, nhưng với NLĐ vô cùng quý giá. “Với công nhân như tôi, tăng lương một đồng cũng quý vì hiện tại giá cả các mặt hàng thiết yếu đang tăng hàng ngày”, chị Giang chia sẻ.

Theo đại diện Tổng LĐLĐVN, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên 2 năm nay Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Từ đó các DN cũng duy trì mức lương tối thiểu theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, không điều chỉnh tiền lương cho người lao động. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu đồng; vùng III 3,42 triệu đồng và vùng IV 3,07 triệu đồng. Trong khi đó, dịch COVID-19 kéo dài đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm, thu nhập của NLĐ và gia đình họ. Một bộ phận NLĐ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn.

Không riêng NLĐ mà tổ chức CĐ cũng rất vui mừng, ủng hộ trước thông tin đề xuất tăng lương tổi thiểu vùng lên 6%. Bà Liễu Thị Hoàng Cầm, Phó Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Tong Hong Tannery Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2, TX.Phú Mỹ) cho biết, rất ủng hộ việc Hội Đồng tiền lương quốc gia điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022. Theo bà Hoàng Cầm thì quyết định này phần nào đáp ứng được niềm mong mỏi của NLĐ. Đồng thời, san sẻ khó khăn với DN sau thời gian dài chống chọi với dịch bệnh dù kinh tế dần phục hồi tích cực nhưng các DN đã hoạt động khởi sắc song vẫn chưa hoàn toàn hết khó khăn. Vì vậy, 6% tuy chưa phải là mức tăng lý tưởng để bảo đảm được các nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống của NLĐ nhưng hợp lý vào giai đoạn này, vừa san sẻ khó khăn với DN vừa hỗ trợ phần nào cho NLĐ.

Lương tăng, phúc lợi tăng

Tại BR-VT, trên thực tế nhiều DN đã trả mức lương cao hơn quy định lương tối thiểu vùng cho CNLĐ. Điển hình như tại Công ty TNHH San Fang Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2, TX.Phú Mỹ), từ tháng 3/2022, công ty đã trả lương tối thiểu vùng cho CNLĐ mức 5,1 triệu đồng/tháng. Ông Thái Sơn, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH San Fang Việt Nam cho biết, công ty có khoảng 1.200 lao động. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công ty đã quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu nhằm hỗ trợ CNLĐ ổn định đời sống.

Ông Thái Sơn cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay thì mức tăng 6% vẫn còn thấp bởi đời sống CNLĐ rất khó khăn, vật giá ngày càng leo thang. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác cũng cần sự thẩu hiểu khó khăn của các DN trong quá trình phục hồi sau ảnh hưởng của dịch để có sự đồng hành giữa CNLĐ và DN. Bên cạnh việc tăng lương, rất cần ổn định giá cả thị trường để NLĐ không bị ảnh hưởng”.

Ngày 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2, thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cụ thể, vùng I tăng 260 ngàn đồng; vùng II tăng 240 ngàn đồng; vùng III tăng 210 ngàn đồng và vùng IV tăng 180 ngàn đồng.
Tại BR-VT hiện nay đang áp dụng mức lương tổi thiểu vùng I cho TP.Vũng Tàu, TX.Phú Mỹ. Vùng II gồm: TP.Bà Rịa, huyện Long Điền và vùng III cho các địa phương còn lại.Dù nhiều DN trên địa bàn BR-VT đang trả lương cao hơn mức quy định lương tối thiểu vùng, nhưng theo đại diện tổ chức CĐ thì việc áp dụng tăng lương tối thiểu vùng lên 6% là cơ sở pháp lý để các hiệp hội nước ngoài căn cứ tính mức chi trả lương khi tuyển dụng nhân sự mới, tiền làm thêm giờ và nhiều phúc lợi khác cho NLĐ cao hơn nữa.
NLĐ Công ty TNHH May Thăng Long (TP.Vũng Tàu) trong giờ sản xuất.
NLĐ Công ty TNHH May Thăng Long (TP.Vũng Tàu) trong giờ sản xuất.

Ông Huỳnh Sơn Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khẳng định: “Suốt những ngày qua, khi có thông tin đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, NLĐ rất mong chờ quyết định chính thức từ Chính phủ. Quyết định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng 6% là rất kịp thời, ý nghĩa nhằm hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn. NLĐ cũng sẽ cảm thấy yên tâm hơn để gắn bó, cống hiến cho sự phát triển của DN, tạo động lực để tăng năng suất lao động, giúp DN phục hồi nhanh chóng”.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

.
.
.