.
MANG THAI Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊN

Thực trạng báo động

Cập nhật: 19:58, 25/04/2022 (GMT+7)

Mang thai ở tuổi vị thành niên, không chỉ dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, mà còn kéo theo nhiều hậu quả xã hội khác, trong đó có việc đánh mất cơ hội học hành, không có công ăn việc làm... Các biến chứng khi mang thai và khi sinh là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong mẹ cho các em gái ở tuổi vị thành niên.

Việc nạo phá thai đặc biệt là nạo phá thai ở tuổi VTN rất dễ dẫn đến các tai biến nghiêm trọng. Trong ảnh: Bác sĩ tư vấn một trường hợp thực hiện kế hoạch hóa tại Khoa SKSS, CDC tỉnh.
Việc nạo phá thai đặc biệt là nạo phá thai ở tuổi VTN rất dễ dẫn đến các tai biến nghiêm trọng. Trong ảnh: Bác sĩ tư vấn một trường hợp thực hiện kế hoạch hóa tại Khoa SKSS, CDC tỉnh.

Nghỉ học và làm mẹ lúc 16 tuổi

L.T.T. (16 tuổi, huyện Châu Đức) đã phải nghỉ học giữa chừng để ổn định tâm lý, sức khỏe sau khi sinh con. Cuộc sống của em trở nên bế tắc, phần vì bạn trai phải chịu án tù, phần vì không biết làm gì để nuôi con. T. sinh con khi còn đang là học sinh lớp 7 - vụ việc từng gây chấn động dư luận.

Sự việc xảy ra vào cuối năm 2019, T. kết bạn làm quen trên mạng xã hội Facebook với Nguyễn Hoàng Triều (27 tuổi, ngụ xã Đá Bạc). Sau nhiều lần nhắn tin qua lại, hai bên nảy sinh tình cảm.

Tháng 9/2020, T. phát hiện mình có thai nhưng vì lo sợ nên không dám nói cho ai biết. Đến ngày 3/1/2021, T. thấy đau bụng nên đi vào nhà vệ sinh và bất ngờ sinh em bé tại nhà tắm. T. tự dùng kéo cắt dây rốn cho em bé.

Điều phi lý đến khó tin là trong quá trình bé gái này mang thai (trùng với thời gian học trực tuyến) cả nhà trường và gia đình đều không phát hiện. Chỉ đến khi nghe tiếng trẻ sơ sinh trong nhà, mẹ của T. giật mình tỉnh dậy và nhanh chóng đưa T. đến cơ sở y tế.

Theo chia sẻ của chị Đ. tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Triều tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”, chị Đ. (đã ly hôn) làm công nhân và hay phải làm ca đêm, nên không có nhiều thời gian giám sát con. Chỉ khi mọi chuyện vỡ lỡ mới hay biết.

Trường hợp của T. là một trong số rất nhiều những trẻ vị thành niên đã trở thành mẹ “bất đắc dĩ” do thiếu kiến thức về SKSS.

Theo thống kê của Khoa SKSS Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh, thì năm 2021, trong tổng số 15.986 phụ nữ có thai có 504 trẻ vị thành niên, trong đó 499 trẻ chấp nhận sinh con.  Tuy nhiên, những con số thống kê này chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”.

Bác sĩ Tôn Thất Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ (Sở Y tế) thông tin, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 400.000 ca phá thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là HS, SV.

Về hậu quả, theo Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phụ trách Khoa SKSS, CDC tỉnh, trong tất cả tai biến và biến chứng có thể gặp phải sau khi nạo phá thai, biến chứng nào cũng nguy hiểm đến sức khỏe người mẹ, nhất lứa tuổi vị thành niên. Việc mang thai ở tuổi vị thành niên có thể để lại những hậu quả đáng tiếc cho cả mẹ và con. Tỷ lệ thai nghén nguy cơ cao, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục... ở lứa tuổi này cao hơn so với những bà mẹ lớn tuổi. Những đứa trẻ sinh ra từ bà mẹ vị thành niên có tỷ lệ chết trước một tuổi, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, bệnh tật cao hơn so với con của các mẹ ở tuổi trưởng thành.

Vì đâu nên nỗi?

Cô Từ Thị Lý, GV môn Sinh, Tổ Tư vấn SKSS Trường THPT Trần Nguyên Hãn tư vấn cho HS tại Góc tư vấn SKSS của trường.
Cô Từ Thị Lý, GV môn Sinh, Tổ Tư vấn SKSS Trường THPT Trần Nguyên Hãn tư vấn cho HS tại Góc tư vấn SKSS của trường.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phụ trách Khoa SKSS, CDC tỉnh cho hay: “Có thể nói nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng mang thai, nạo phá thai và sinh con ở tuổi vị thành niên là do các em còn thiếu kiến thức về SKSS, giới tính, tình yêu và tình dục. Việc giáo dục kiến thức giới tính vẫn ở phạm vi nhỏ hẹp; sự quan tâm của bố mẹ còn thiếu, cộng với những mặt trái của hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng nhất là mạng Internet dẫn đến các em ở lứa tuổi VTN tò mò, tự tìm hiểu rồi gây ra những hậu quả đáng tiếc”.

Không thiếu các điểm tư vấn cho trẻ vị thành niên
Bắt đầu từ năm 2010, mô hình tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân đến nay đã được triển khai tại 28 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thành phố; trong 30 trường THPT và 100% trường THCS trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2011-2020, ngành Y tế đã thành lập 10 câu lạc bộ SKSS tại các cơ sở đoàn. Duy trì sinh hoạt CLB 1 quý/lần, sinh hoạt lồng ghép nội dung SKSS trong các hoạt động của đoàn thanh niên; xây dựng 37 góc tư vấn SKSS tại các trường THPT và THCS trong toàn tỉnh, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với kiến thức SKSS, SKTD.
Toàn tỉnh hiện có 68 điểm cung cấp dịch vụ thân thiện vị thành niên. Các cơ sở này có đầy đủ góc tư vấn, tài liệu tư vấn và dụng cụ khám cho vị thành niên. Các cán bộ y tế đã được tập huấn kiến thức, kỹ năng cung cấp dịch vụ cho đối tượng vị thành niên.

Bà Võ Thị Lệ Huyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức cho rằng phần lớn trẻ VTN chưa có kiến thức về sự nguy hiểm của việc quan hệ tình dục không an toàn, một số trẻ hiểu nhưng chưa đúng, cứ nghĩ chỉ cần uống thuốc tránh thai là xong. Bên cạnh đó, đa số trẻ em bị xâm hại tại địa bàn huyện Châu Đức chưa được cha mẹ chú trọng chăm sóc, quản lý hoặc sống trong gia đình hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ ly thân, ly hôn, không có điều kiện chăm sóc dẫn đến các em dễ bị lợi dụng, xâm hại.

Nhìn từ góc độ tư vấn, chăm sóc SKSS, cô Từ Thị Lý, GV môn Sinh, Tổ tư vấn SKSS Trường THPT Trần Nguyên Hãn cho hay, ở tuổi vị thành niên, HS thường có cảm giác xấu hổ, ngại ngần, đặc biệt là với những kiến thức khá nhảy cảm như giới tính, SKSS, tình dục. Các thầy, cô giáo tham gia giảng dạy kiến thức giới tính, SKSS mặc dù được tập huấn cả về kiến thức lẫn phương pháp nhưng việc truyền đạt thực sự chưa mang đến hiệu quả như mong muốn.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

.
.
.