.
BỘ GD-ĐT

Sắp xếp môn lịch sử trong chương trình giáo dục phù hợp xu hướng quốc tế

Cập nhật: 19:38, 25/04/2022 (GMT+7)

Bộ GD-ĐT vừa có thông cáo báo chí để thông tin về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Theo Bộ GD-ĐT, Chương trình GDPT 2018 được xây dựng đã quán triệt đầy đủ các quy định tại Nghị quyết 29, nghị quyết 88, quyết định 404. Trong đó mỗi môn học có chức năng, nhiệm vụ, vai trò và vị trí khác nhau, cùng góp phần giáo dục HS trở thành những con người toàn diện có đủ tài, đức, công dân có ích cho xã hội.

Chương trình GDPT 2018 gồm hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn này.  Ở cấp TH, từ lớp 1 đến lớp 3, giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học tự nhiên và xã hội với tổng thời lượng cho cả ba năm học là 210 tiết (trong khi Chương trình GDPT 2006 chỉ có 140 tiết); ở lớp 4 và lớp 5, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lý là môn học bắt buộc.

Ở cấp THCS, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lý, là môn học bắt buộc ở tất cả các lớp với tổng số 420 tiết, trong đó 50% thời lượng dành cho phân môn Lịch sử. Nội dung chương trình phân môn Lịch sử cấp THCS trang bị cho HS những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Nội dung giáo dục lịch sử ngoài việc được thực hiện trong phân môn Lịch sử còn được tích hợp một cách phù hợp trong các bài học thuộc phân môn Địa lý trong cùng môn Lịch sử và Địa lý.

Ngoài ra, nội dung giáo dục lịch sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản còn được thực hiện trong môn Đạo đức (ở cấp TH), môn GDCD (ở cấp THCS), nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 1 đến lớp 9. “Với cách thiết kế chương trình như trên, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp TH và THCS, tất cả HS đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện”, thông cáo nêu.

Còn ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp KHXH. Giai đoạn này, HS bắt buộc phải học năm môn học lựa chọn trong ba nhóm môn học (nhóm KHXH gồm ba môn học: Lịch sử, Địa lý, Kinh tế và pháp luật; nhóm KHTN gồm 3 môn học: Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm Công nghệ và Nghệ thuật gồm bốn môn học: Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật), trong đó mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn học.

Chương trình môn Lịch sử cấp THPT (với tổng thời lượng 315 tiết, so với Chương trình GDPT 2006 chỉ có 140 tiết) hệ thống hóa, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp HS tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam.

Bộ GD-ĐT kết luận: Sự sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình GDPT 2018 (được phân chia giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm) là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia.

HOÀNG DƯƠNG

 
.
.
.