.
SỬ DỤNG NGÔN NGỮ KÝ HIỆU

Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính

Cập nhật: 17:34, 24/04/2022 (GMT+7)

Cuối tuần vừa qua, Ban quản lý dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục HS khiếm thính cấp TH thông qua ngôn ngữ ký hiệu” (QIPEDC) đã tổ chức giám sát tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bà Rịa. Qua đó, nắm bắt tình hình triển khai dự án và hỗ trợ nhà trường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cô Nguyễn Thị Hằng, GV lớp 1B Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bà Rịa trong tiết dạy Tiếng Việt cho trẻ khiếm thính.
Cô Nguyễn Thị Hằng, GV lớp 1B Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bà Rịa trong tiết dạy Tiếng Việt cho trẻ khiếm thính.

Mang lại kết quả khả quan

Là 1 trong hơn 20 đơn vị trên cả nước đang triển khai dự án QIPEDC, năm học 2020-2021, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bà Rịa có 69 HS tham gia dự án. Năm học 2021-2022, nhà trường có thêm 13 HS lớp 1, nâng tổng số HS tham gia dự án lên 82 em.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Phó Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bà Rịa cho biết, nhằm triển khai dự án, GV đã giảng dạy cho HS khiếm thính (HSKT) học trực tiếp trên lớp. Chiều thứ Sáu hàng tuần, GV, nhân viên cũng dạy phụ đạo thêm cho HS thông qua phần mềm bài giảng về ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) với thời lượng 4 tiết/tuần. Cùng với đó, người lớn bị điếc tham gia dự án còn hỗ trợ thêm NNKH cho các em 2 buổi sáng/tuần.

Theo bà Trúc, việc thực hiện dự án bước đầu mang lại những kết quả khả quan. HSKT có nhiều tiến bộ trong việc tham gia các hoạt động giáo dục tại lớp; hiểu được bài giảng; có thêm nhiều vốn từ về NNKH áp dụng vào thực hành giao tiếp với bạn, người thân trong gia đình. Đặc biệt, GV sau tập huấn đã áp dụng các phương pháp kỹ vào quá trình giảng dạy tại lớp để nâng cao chất lượng giảng dạy cho HSKT. Phụ huynh cũng hiểu và hợp tác trong việc hỗ trợ và tham gia chăm sóc trẻ em khuyết tật trong tất cả các hoạt động tại cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Quý Sửu, chuyên viên chính Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT, thành viên Ban thực hiện dự án đánh giá, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bà Rịa đã và đang thực hiện tốt dự án QIPEDC. Kết quả thực hiện dự án đã được “định lượng” bằng kết quả học tập của HSKT. Năm học 2020-2021, học kỳ 1, môn Toán có 95,7% HS, môn Tiếng Việt có 97,1% HS đạt điểm 5 trở lên’ học kỳ 2, môn Toán có 84,1% HS, môn Tiếng Việt có 91,3% HS đạt điểm 5 trở lên. Riêng học kỳ 1 năm học 2021-2022, có tới  98,8% HS đạt điểm 5 trở lên ở môn Toán và tỷ lệ này ở môn Tiếng Việt là 96,3%.

Ban thực hiện và tổ công tác dự án QIPEDC dự giờ một tiết dạy tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bà Rịa.
Ban thực hiện và tổ công tác dự án QIPEDC dự giờ một tiết dạy tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bà Rịa.

Còn không ít khó khăn

Tại buổi làm việc, các thành viên tham gia dự án đã nêu lên những vướng mắc trong qua trình thực hiện. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, do vốn từ nghèo nàn, HSKT gặp rất nhiều khó khăn trong việc dùng từ để diễn đạt ý của mình và tham gia học tập. Trong khi đó, hiện nay, sự thiếu hụt đội ngũ thông dịch viên, nhân viên hỗ trợ và nhóm giáo viên được trang bị các kỹ năng dạy học cho HSKT là một rào cản không nhỏ trong quá trình hỗ trợ nhóm HS này.

Không chỉ vậy, việc kêu gọi người lớn bị điếc tham gia dự án cũng như hỗ trợ phụ huynh tại gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Do phần lớn người lớn bị điếc đều là công nhân trong các công ty, phải làm việc theo ca nên không sắp xếp được thời gian, dẫn đến số lượng nhóm đối lượng này còn ít. Cụ thể, số lượng khảo sát ban đầu, tham gia tập huấn là 9 người nhưng số người tham gia thực tế chỉ còn 2 người. Ngoài ra, hệ thống máy vi tính cá nhân của GV, nhân viên đã cũ, nên đôi lúc chưa đáp ứng tốt việc chạy chương trình phần mềm dự án.

Cô Trần Bạch Vân, GV Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bà Rịa chia sẻ: “NNKH được sử dụng trong các bài giảng của dự án trình bày theo cấu trúc ngữ pháp của người điếc. Trong khi nhà trường đang thực hiện phương pháp tổng hợp theo cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, nói đến đâu “múa dấu” đến đó nên việc thích ứng của GV và HS còn gặp khó khăn”.

Còn theo cô Nguyễn Thị Hằng, GV Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bà Rịa, năm học 2021-2022, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên GV, nhân viên hỗ trợ phải dạy học cho các em bằng hình thức trực tuyến. Việc học trực tuyến với HS bình thường đã khó khăn, còn đối với HSKT thì khó khăn gấp bội. Phần lớn HSKT không nhận thức được việc tự học mà phải có sự hỗ trợ của phụ huynh. Do đó, lịch giảng dạy của GV phải phụ thuộc vào phụ huynh HS, có GV phải giảng dạy trong nhiều khung giờ khác nhau trong ngày vì phụ huynh bận đi làm, không sắp xếp được thời gian hỗ trợ con em học tập. Có phụ huynh HS không biết chữ nên GV gặp nhiều khó khăn trong việc hướng dẫn HS học…

Chị Nguyễn Vân Anh (bìa trái) tham gia dự án hỗ trợ HSKT trong một tiết học.
Chị Nguyễn Vân Anh (bìa trái) tham gia dự án hỗ trợ HSKT trong một tiết học.

Ban Giám hiệu Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bà Rịa kiến nghị dự án tăng cường học liệu môn Toán, Tiếng Việt, xây dựng theo định hướng chương trình GDPT 2018 để tạo thuận lợi cho GV trong việc triển khai chương trình và tăng mức hỗ trợ để tạo điều kiện cho người lớn điếc tham gia hỗ trợ HS.

Bà Nguyễn Thị Quý Sửu cho biết thêm, học liệu của dự án đã thực hiện đúng tinh thần đổi mới, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của HS. Trong quá trình giảng dạy, GV cần sử dụng học liệu một cách sáng tạo, linh hoạt hơn nữa. Đặc biệt, cần phải cập nhật các phương pháp dạy học mới để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Tới đây, tổ công tác thực hiện dự án tại địa phương cần tổ chức tập huấn cho đội ngũ GV trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tiễn, GV cần bổ sung kiến thức, kỹ năng gì.

Bên cạnh đó, nhà trường cần cập nhật các văn bản hướng dẫn chi tài chính hiện hành để bảo đảm quyền lợi cho các thành viên tham gia dự án. Hiện nay, mức hỗ trợ nhà trường đang áp dụng thấp hơn so với quy định hiện hành. Ngoài ra, Đoàn công tác cũng đề xuất tổ chức thêm nhiều nhóm hoạt động tại nhà trường, đặc biệt là lồng ghép truyền thông kiến thức giáo dục giới tính và phòng chống bạo lực đối với trẻ điếc trong các tiết sinh hoạt và ngoại khoá của trường.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

Dự án QIPEDC do Quỹ Hợp tác toàn cầu tài trợ theo kết quả đầu ra (GPRBA) ủy thác thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án do Ban Quản lý các dự án, Bộ GD-ĐT làm chủ dự án, được thực hiện tại 20 tỉnh, thành phố, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu.

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường khả năng tiếp cận cho HSKT cấp TH thông qua việc sử dụng NNKH tiếng Việt nhằm nâng cao kết quả học tập của trẻ. Dự án QIPEDC gồm 4 hợp phần: Xây dựng học liệu băng hình dựa trên NNKH dành cho giáo dục HSKT cấp TH; Xây dựng tài liệu và bồi dưỡng GV TH, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, người lớn điếc dạy môn Toán và Tiếng Việt bằng NNKH; Hỗ trợ dựa trên kết quả đầu ra cho các trường TH tiếp nhận và dạy trẻ khiếm thính bằng ngôn ngữ ký hiệu Tiếng Việt; Quản lý dự án và xác minh độc lập.

 

.
.
.