.
HỌC SINH ĐẾN TRƯỜNG HỌC TRỰC TIẾP

Sẵn sàng kịch bản để "học chung" an toàn

Cập nhật: 19:52, 04/01/2022 (GMT+7)

Dự kiến ngày 10/1/2022, tỉnh BR-VT sẽ thí điểm cho HS lớp 9 và 12 đi học trực tiếp tại trường. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT về công tác chuẩn bị để “mở cửa” trường học một cách an toàn.

Theo kế hoạch, ngày 10/1, HS lớp 9 và lớp 12 trên địa bàn tỉnh sẽ đến trường học tập trực tiếp. Trong ảnh: Một tiết học của HS lớp 12 Trường THPT Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu) năm học 2020-2021. Ảnh: KHÁNH CHI
Theo kế hoạch, ngày 10/1, HS lớp 9 và lớp 12 trên địa bàn tỉnh sẽ đến trường học tập trực tiếp. Trong ảnh: Một tiết học của HS lớp 12 Trường THPT Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu) năm học 2020-2021. Ảnh: KHÁNH CHI

 Phóng viên: Thưa bà, theo kế hoạch, chỉ còn khoảng 1 tuần nữa, BR-VT sẽ cho HS lớp 9 và lớp 12 đến trường học tập trực tiếp. Đến thời điểm này, ngành giáo dục và các địa phương đã có sự chuẩn bị như thế nào?

- Bà Trần Thị Ngọc Châu: Đến thời điểm này, hầu hết các cơ sở giáo dục được trưng dụng làm cơ sở cách ly trên địa bàn tỉnh đã được khử khuẩn, dọn vệ sinh, sửa chữa và bàn giao cho ngành giáo dục để chuẩn bị cho HS đi học trở lại. Các cơ sở giáo dục khác cũng đã sửa chữa, khắc phục hư hỏng về trang thiết bị, cơ sở vật chất, tổ chức vệ sinh, khử khuẩn theo quy định của ngành y tế để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho HS, GV khi đến trường học tập và giảng dạy.

Sở GD-ĐT và các địa phương cũng sẽ thẩm định kế hoạch tổ chức dạy và học trực tiếp phù hợp theo từng cấp độ dịch với các cấp học thuộc thẩm quyền quản lý; thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh hình thức học tập theo cấp độ dịch. Cùng với đó, các huyện, thị xã, thành phố và ngành giáo dục cũng sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra tại các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, xây dựng phương án bảo đảm an toàn công tác phòng, chống dịch COVID-19, kịch bản xử trí khi có yếu tố liên quan đến COVID-19 trong trường học… bảo đảm điều kiện an toàn phòng, chống dịch tại trường trước khi “mở cửa” trở lại. Ngành giáo dục, ngành y tế địa phương cũng thành lập đội phản ứng nhanh để kịp thời tiếp nhận thông tin, đề xuất hướng xử lý đối với ca nghi nhiễm phát sinh trong trường học trong quá trình giảng dạy trực tiếp.

Bà có thể nói rõ hơn về cách xử trí ca nhiễm và nghi nhiễm trong trường học khi HS đi học trở lại?

- Tại trường học, khi phát hiện ca nghi nhiễm, việc cần làm trước hết là thông báo ngay cho Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ), Tổ an toàn COVID-19 của nhà trường và BCĐ phòng, chống dịch địa phương. Nhân viên y tế cung cấp khẩu trang và hướng dẫn người có biểu hiện dịch tễ đeo đúng cách; yêu cầu người nghi nhiễm hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 2m với những người khác; hướng dẫn họ di chuyển theo lối đi đã được phân luồng để đến phòng cách ly tạm thời của đơn vị; gọi điện thoại và báo cáo bằng văn bản cho cơ quan y tế trên địa bàn để được tư vấn và xử lý theo quy định về công tác phòng, chống dịch.

Cùng với đó, các trường cần lập danh sách người tiếp xúc gần với người nghi nhiễm gửi BCĐ phòng, chống dịch địa phương để thực hiện các bước tiếp theo về phòng, chống dịch; khử khuẩn tại nơi làm việc, học tập. Trên cơ sở chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, cơ sở giáo dục sẽ tiếp tục hoạt động trong trạng thái bình thường mới hoặc tạm dừng hoạt động theo quy định.

Trường hợp có ca F0, nhà trường cần thông báo ngay với cơ quan y tế địa phương và phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 kịp thời theo quy định. Lãnh đạo nhà trường phong tỏa tạm thời toàn bộ trường học hoặc từng phần khu vực làm việc, học tập có F0; tiến hành truy vết chính xác để thực hiện các bước tiếp theo của ngành y tế. Sau khi thực hiện các biện pháp an toàn về phòng, chống dịch và trên cơ sở chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định cho đơn vị tiếp tục hoạt động bình thường mới hoặc tạm dừng hoạt động theo quy định.

* Với các trường hợp F1, F2 tại trường học thì xử trí thế nào, thưa bà?

- Khi nhận được thông tin có trường hợp F1 tại trường học, ngoài việc thực hiện các công việc như có trường hợp nghi mắc, các khu vực có liên quan đến F1 (trừ khu vực ngoài trời) sẽ được khử khuẩn. Toàn bộ HS, người làm việc của nhà trường thực hiện 5K, tạm thời không di chuyển khỏi nơi làm việc, học tập. Nhà trường sẽ rà soát toàn bộ HS, người làm việc trong trường học, phân loại nhóm nguy cơ: cao, trung bình, an toàn để có hướng xử trí phù hợp; truy vết kịp thời các trường hợp F2; yêu cầu F2 khai báo y tế tại cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo quy định. Trường hợp có F2 tại trường học, Trưởng BCĐ, Tổ an toàn COVID-19 của nhà trường sẽ hướng dẫn cho F2 các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

 Bà có lưu ý gì với các nhà trường khi tổ chức dạy học trực tiếp trong thời gian tới?

- Khi HS đi học trực tiếp trở lại, các nhà trường cần kiện toàn, củng cố BCĐ phòng, chống dịch COVID-19, thành lập Tổ an toàn COVID-19 trong trường học. Nhà trường cũng cần chủ động phối hợp với ngành y tế tại địa phương tổ chức tập huấn, diễn tập giả định về các tình huống phòng chống dịch tại trường.

Ngoài ra, các đơn vị phải có bố trí phòng cách ly tạm thời và đảm bảo đầy đủ các điều kiện về y tế tại phòng cách ly theo quy định như: Đồ bảo hộ, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang, bộ xét nghiệm nhanh COVID, máy đo thân nhiệt, thuốc hạ sốt….; yêu cầu người làm việc trong trường học cam kết tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19; khuyến khích làm việc, hội họp trực tuyến (trừ GV lên lớp).

Khi HS đi học trực tiếp, các trường bố trí các lớp học cách nhau; quy định chi tiết về vị trí cố định khi nghỉ giải lao và không giao lưu giữa các lớp. Đối với các hàng quán xung quanh trường học, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương quản lý việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch; tuyên truyền và vận động HS hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc gần với người bán hàng khi đến trường và từ trường về nhà.

Thời điểm này, học sinh THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đều được tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19, nên cơ bản đã được bảo vệ khi các em đi học trở lại. Không chỉ vậy, các kịch bản, phương án cũng được xây dựng một cách tốt nhất để bảo đảm an toàn cho các em, hạn chế tối đa sự lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong trường học.

 Còn với phụ huynh HS thì sao, thưa bà?

- Khi HS đi học trở lại, việc xuất hiện ca nhiễm, nghi nhiễm tại trường học là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường để cùng nhau thích ứng, tạo điều kiện cho HS được đến trường là rất cần thiết.

Do đó, Sở GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục họp triển khai đến phụ huynh các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường trước khi tổ chức dạy học trực tiếp để phụ huynh nhận thức đúng và đầy đủ các tình huống có yếu tố có liên quan đến mắc COVID-19 tại trường. Từ đó, phụ huynh HS và nhà trường chủ động phối hợp một cách khoa học theo hướng dẫn về phòng chống dịch COVID-19, tránh gây hoang mang, lo lắng khi có ca F0, F1.

* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

HẢI BÌNH
(Thực hiện)

.
.
.