Giúp phụ nữ khởi nghiệp
Thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, nhiều phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức đã được trao con giống, mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình.
Đại diện Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện Châu Đức kiểm tra mô hình nuôi dê của gia đình chị Hoàng Thị Thu Huyền (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba) - là gia đình được hỗ trợ con giống để khởi nghiệp. |
Gia đình chị Hoàng Thị Thu Huyền (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba) gắn bó với nghề nuôi gà hơn 5 năm. Chị đã cố gắng duy trì số lượng từ 300-400 con gà trong chuồng nuôi để trang trải cuộc sống. Thế nhưng, năm 2021, dịch bệnh COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội kéo dài khiến đầu ra gặp khó khăn. Cùng với dịch bệnh trên đàn gà, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến doanh thu từ chăn nuôi gà giảm mạnh. Việc chăn nuôi ngày càng thua lỗ nên cuộc sống gia đình chị lâm vào khó khăn, không còn vốn để tái đàn.
Đầu tháng 1/2022, được hội LHPN tỉnh hỗ trợ 2 con dê sinh sản, trị giá 5 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình chị Huyền có thêm kế sinh nhai mới. Chị chia sẻ: “Trong lúc khó khăn, tôi được Hội phụ nữ hỗ trợ giống. Tôi kỳ vọng 2 con dê giống này sẽ sinh sản thật nhiều dê con để bán đi có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống gia đình”.
Là hộ nghèo chuẩn tỉnh nhiều năm của ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, cuộc sống của 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Kim Tâm dựa vào đồng lương ít ỏi từ công việc làm thuê, làm mướn. Chị Tâm cho biết, nhiều năm trước, chị làm công nhân cạo mủ tại địa phương. Tuy nhiên, vì có con nhỏ nên chị đành xin nghỉ ở nhà chăm sóc con, ai thuê gì làm đó.
Không có đất trồng trọt, thu nhập bấp bênh khiến cuộc sống của gia đình chị luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Được Hội Phụ nữ tỉnh hỗ trợ 2 con dê giống từ mô hình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp nuôi dê sinh sản”, chị phấn khởi nói: “Với tôi, đây là cơ hội mới để tôi có được khởi đầu mới vươn lên phát triển kinh tế. Tôi được phụ nữ xã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc để phát triển đàn dê”.
Theo Bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức, vừa qua xã Bình Ba được Hội LHPN tỉnh chọn là địa phương thí điểm mô hình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp nuôi dê sinh sản”. Theo đó, 5 hội viên nghèo được hỗ trợ mỗi hộ 2 con dê sinh sản trị giá 5 triệu đồng. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 25 triệu đồng trích từ Quỹ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Triển khai mô hình này, Hội LHPN huyện đã tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức chăn nuôi và tổ chức sinh hoạt 3 tháng/lần để trao đổi kinh nghiệm, kịp thời hỗ trợ hội viên trong quá trình chăm sóc đàn dê. “Hội đã phân công các chi hội trưởng giám sát, đồng hành với các chị em được hỗ trợ khởi nghiệp, kịp thời nắm bắt những khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế để có biện pháp hỗ trợ”, bà Bùi Thị Sen cho biết.
Bà Vương Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, huyện Châu Đức từ trước đến nay là một trong những đơn vị thực hiện tốt các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế. Đặc biệt là quan tâm đến các tổ hợp tác, xây dựng các mô hình. Sau khi mô hình này có những tiến triển tốt, hội sẽ nhân rộng thêm tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. “Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều mô hình để thúc đẩy phong trào phụ nữ hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế; tạo điều kiện để hội viên vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất - kinh doanh. Qua đó giúp hội viên vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững”, bà Vương Thị Dung nhấn mạnh.
Bài, ảnh: MAI NGỌC