Giải pháp nào tháo gỡ mất cân đối trong đào tạo nghề?
Những năm vừa qua, mặc dù công tác hướng nghiệp, phân luồng cho HS đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ HS, SV chọn ngành học chưa phù hợp còn cao, tỷ lệ phân luồng HS sự chênh lệch khá lớn giữa đào tạo ĐH và đào tạo nghề. Tại Hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao chất lượng GD-ĐT gắn với hoạt động hướng nghiệp, phân luồng HS phổ thông tỉnh BR-VT” do Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục tỉnh phối hợp với Sở GD-ĐT và Trường CĐ Sư phạm BR-VT tổ chức, các chuyên gia giáo dục đã đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề này.
SV Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT thực hành nghề Cắt gọt kim loại. |
Vẫn còn tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”
Cô Vũ Thị Thanh, Trường THPT Bà Rịa (TP. Bà Rịa) đưa ra dẫn chứng về khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh thực hiện năm 2019 cho thấy, chỉ có 5% HS có hiểu biết về ngành học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ; 75% HS thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học. Tỷ lệ HS chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%. “Đó là lý do mà nhiều SV học một vài năm hoặc sau khi ra trường phải học lại ngành khác. Nếu đưa ra lựa chọn sai lầm, các em sẽ phải đánh đồi bằng thời gian, công sức và tiền bạc. Cùng với đó, việc lựa chọn ngành nghề không phù hợp còn làm giảm sức cạnh tranh của bản thân trong thị trường lao động”, cô Vũ Thị Thanh nói.
Theo ThS. Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT, tỷ lệ phân luồng HS hiện nay có sự chênh lệch khá lớn giữa đào tạo ĐH và đào tạo nghề. Điều này được thể hiện bằng cơ cấu lao động của Việt Nam nói chung cũng như tỉnh BR-VT. Cơ cấu lao động tại tỉnh BR-VT hiện nay là 1 ĐH-0,5 CĐ-0,8 TC-0,7 sơ cấp. Trong khi đó, theo quy luật, những người lao động trực tiếp (trình độ TC, sơ cấp) phải nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp (trình độ ĐH). Đều này dẫn đến sự chênh lệch giữa cung - cầu lao động tại địa phương.
Trong khi đó, tỷ lệ HS theo học nghề sau khi tốt nghiệp THCS, THPT còn rất thấp. Ông Lê Phước Triều, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT cho hay, phần lớn các trường có hơn 70%, thậm chí hơn 80% HS tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT. Ngoài ra, một tỷ lệ không nhỏ HS tốt nghiệp THCS tham gia vào thị trường lao động mà không qua đào tạo đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và cơ cấu đào tạo của lực lượng lao động.
Rộng cửa ĐH, trường nghề khó tuyển sinh
Chính sách tuyển sinh ĐH đã tác động không nhỏ đến việc phân luồng, hướng nghiệp HS sau trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Những năm qua, điểm sàn ĐH tương đối thấp, bổ sung thêm nhiều phương thức xét tuyển nên con đường vào ĐH của HS rộng mở hơn. Hệ lụy là luồng HS tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp thấp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng khó khăn trong công tác tuyển sinh. Đồng thời, việc xét duyệt, giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường ĐH chưa dựa theo nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội.
(ThS. Lê Phước Triều, giảng viên Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT)
|
Nguyên nhân do đâu?
TS. Lương Minh Chung, giảng viên Trường CĐ Dầu khí cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Trước hết, về mặt tâm lý cộng đồng, một bộ phận gia đình vẫn coi trọng bằng cấp, vị thế cá nhân, cho nên việc định hướng ngành nghề của họ thiên về hướng cho con em chọn con đường vào ĐH. Các bậc học gắn với nghề nghiệp, kỹ năng thực hành chưa được quan tâm nhiều. Về mặt pháp lý, mặc dù Chính phủ đã phê duyệt Đề án với mục tiêu hướng nghiệp, có tỷ lệ phân luồng, lộ trình thực hiện, nhiệm vụ và giải pháp nhưng việc triển khai chưa lan tỏa mạnh mẽ. Nguyên nhân cơ bản là do một phần cơ chế, chính sách được ban hành chưa thực sự thu hút đối với người học. Mặt khác, sự phát triển của hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn vênh lệch với yêu cầu của thị trường lao động, ít nhiều gây khó khăn cho việc chọn nghề.
TS. Lương Minh Chung cũng cho biêt thêm, hiện nay, chương trình hướng nghiệp đa số do đội ngũ cán bộ quản lý, GV phụ trách nên còn nhiều bất cập do họ chưa được đào tạo chuyên sâu, khả năng bao quát, am hiểu các lĩnh vực thuộc phạm vi giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Cùng với đó, các tài liệu hướng nghiệp hầu hết chỉ xoay quanh những nghề thông dụng, trong khi phạm vi nghề nghiệp khá rộng lớn. Những dự báo về cung cầu nguồn nhân lực cũng chưa rõ ràng, khiến cho việc hướng dẫn HS trải nghiệm, hứng thú với nghề vẫn còn hạn chế.
Theo ThS. Lê Phước Triều, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT, đến nay, các mô hình trường vừa kết hợp dạy nghề và dạy văn hóa tương đương THPT đã đưa vào thứ nghiệm thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của HS, phụ huynh, đạt kết quả khả quan. Tuy vậy, mô hình này vẫn đứng trươc hàng loạt khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện dạy học cùng một số bất cập trong công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp và trong việc tổ chức vận hành của nhà trường.
Cần các giải pháp đồng bộ
ThS. Lê Phước Triều cho biết, những hạn chế trong công tác phân luồng, hướng nghiệp cho HS chỉ có thể được giải quyết khi có sự vào cuộc tích cực, phối hợp hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan để công tác này đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả tích cực. Việc định hướng nghề nghiệp cho HS phải gắn chặt với công tác phân luồng.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả dạy nghề phổ thông, thành lập các câu lạc bộ giúp HS phát triển năng khiếu, góp phần định hướng nghề nghiệp cho HS. Ngoài việc truyền thụ kiến thức, GV cần quan tâm phát hiện sở trường, năng lực của HS, đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thực tư ván, hướng nghiệp phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Các bộ môn trong trường phổ thông cần cập nhất, đưa các nội dung hướng nghiệp và hoạt động giáo dục phù hợp với thực tiễn trong các tiết học…
Thầy Mai Trương Huy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Mỹ đề xuất, trước hết, các cơ quan chức năng cần xây dựng hệ thống thông tin về giáo dục nghề nghiệp và phân luồng nhằm cung cấp dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và dự báo nguồn nhân lực của các ngành nghề theo từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn, giúp HS, phụ huynh có cơ sở lựa chọn ngành nghề.
Theo TS. Lương Minh Chung, Đảng và Nhà nước cần có những chính sách định hướng hệ giá trị, thể chế cho đào tạo nghề, góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội. Thay đổi nhận thức ở đây là cách ứng xử thoáng và mềm dẻo hơn khi người ta đặt hệ thống bằng cấp, trình độ bình đẳng về giá trị. Bên cạnh đó là chính sách ưu đãi, nét riêng biệt trong đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, tiền lương…
Song song với đó, các trường nghề cần nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới chương trình, hình thức học tập, giải quyết việc làm, tạo niềm tin cho phụ huynh, HS. Không chỉ vậy, công tác truyền thông cũng cần được đẩy mạnh giúp phụ huynh, HS thấy được lợi ích của việc học nghề. Tất cả các nghề gắn với chiến lược phát triển KT-XH của địa phương cần được số hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Bài, ảnh: HẢI BÌNH