Đã thành thói quen, những chiều thong thả đi biển, theo quán tính, tôi thường để xe lướt qua cung đường Trần Hưng Đạo. Đi ngang số 58, bây giờ mang tên THCS Châu Thành, bức tường cũng đã thay màu, không còn cái sắc vàng rêu phong xưa cũ nữa, lòng vẫn thấy xốn xang. Nó len lỏi nhẹ nhàng mà thương nhớ thật sâu. Trường Lê Qúy Đôn ngày ấy - “phố xưa”, nơi đó, bao nhiêu kỷ niệm được lưu giữ, nơi đó, bao nhiêu hy vọng được bắt đầu và nơi đó in lại bóng người thầy lặng thầm trong hồi ức - thầy Đỗ Thanh - nguyên Hiệu trưởng nhà trường.
Thầy Đỗ Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đánh trống khai giảng năm học 2009-2010 (Ảnh tư liệu) |
Năm 2008, tôi đựơc thuyên chuyển về trường chuyên Lê Quý Đôn công tác, nơi tôi đã gắn bó từ năm lớp 9 và cả thời phổ thông của mình. Ngày đầu về lại, cứ bồn chồn cảm giác vừa thân quen vừa có gì bỡ ngỡ xa cách. Thầy đón tôi bằng nụ cười thân thiện. Tôi vẫn cảm thấy biết ơn vô cùng bởi lần đầu tiên khi đến trường là cảm giác trở về nhà qua lời nói của thầy: “Từ trường đi ra, học được những gì? Bây giờ về trường phải “lớn lên” nhé! Thầy tin em!”.
Mắt thầy nheo lại, miệng cười thật tươi, nụ cười thầy không đổi. Nó vừa hóm hỉnh, dí dỏm vừa vui tươi khích lệ, y như hồi xưa thầy cười nói động viên đám con gái chuyên văn thơ thẩn chúng tôi suy nghĩ khi cân bằng các phương trình hóa học trong năm lớp 10. Tôi vâng dạ và bỗng dưng lòng thấy hân hoan khi tìm thấy điểm tựa trên con đường sự nghiệp của mình là niềm tin thầy trao gửi. Sau này, tiếp xúc gần hơn, tôi hiểu thầy rất hay khuyến khích người khác bằng sự chân thành ấm áp của mình.
Hai năm dạy học ở trường chuyên dưới sự quản lý của thầy, tôi biết mình vẫn chưa “lớn lên” nhiều, vẫn chòng chành, chênh vênh, vẫn bao nhiêu thứ phải tỉ mẩn, chăm chút, học hỏi mỗi ngày. Nhưng có một điều, không chỉ tôi, mà dường như những đồng nghiệp khác đều cảm nhận được: đó là niềm hân hoan của mỗi ngày được đến trường, cảm giác vui và tràn đầy năng lượng với nghề nghiệp của mình.
Ngày đó, mỗi sáng thứ hai đầu tuần, trường đều họp hội đồng. Trường nhỏ, phòng hội đồng khá chật, cánh giáo viên trẻ chúng tôi bắc ghế cheo chéo ra ngoài cửa chính vừa nghe phổ biến công việc, vừa len lén đón tí gió tí nắng ở hành lang xao xác lá bàng rơi… Giọng thầy thì sang sảng, mắt vẫn bao quát toàn thể hội đồng, chúng tôi khó mà bâng quơ, lơ đãng! Buổi họp nhẹ nhàng, công việc phân công đâu ra đó bởi thầy luôn chuẩn bị thật kỹ càng và khoa học.
Chúng tôi học ở thầy sự cần mẫn, chăm chỉ. Thời đó, chưa bận bịu nhiều việc nhà cửa, con cái, tuổi trẻ thì đầy nhiệt huyết, có những buổi chuyên đề tan học không vội về ngay, nhiều giáo viên còn nán lại với học trò tỉ tê bao chuyện. Chuyện buồn vui của học trò, chuyện bài vở và cả những chuyện vơ vẩn không đâu… Chiều lụi nắng, rời ghế đá, thấy phía phòng thầy vẫn sáng ánh đèn, nhón chân ngó qua cửa kính vẫn bóng thầy cặm cụi. Có lẽ, đó là người về muộn nhất trường. Có lẽ, những tỉ mỉ, lặng thầm đó đã từng bước, từng bước đưa trường chuyên Lê Quý Đôn đi qua một chặng đường dài biết bao thử thách, khó khăn, đặt nền móng vững chắc để chinh phục, khẳng định vị thế của mình…
Có một điều chúng tôi rất thích ở thầy, đó là tâm hồn rất trẻ. Nó khiến thầy trở nên gần gũi và thân thiết, mọi cuộc trò chuyện, trao đổi trong công việc hay bên ngoài cuộc sống đều rất tự nhiên, thẳng thắn, không phải ý tứ, khách khí điều gì… Thầy hòa đồng vào lớp trẻ để hiểu, khích lệ họ khao khát cống hiến; không ngừng say mê, sáng tạo, tận tình trong công việc giảng dạy… Đó có phải chiến thuật “tâm công” của người lãnh đạo? Tôi không rõ, chỉ biết, những buổi trò chuyện có thầy trở nên xôn xao hơn, vui hơn và tự nhiên lòng hăm hở, sôi nổi biết bao.
Ai ở gần thầy cũng thấy một điều: trong công việc thì thầy nghiêm túc, chỉn chu; trong đời thường thì thầy nồng ấm, tình nghĩa. Những chuyện buồn, chuyện vui của các thành viên trong hội đồng, chưa bao giờ thiếu vắng sự quan tâm chu đáo của thầy. Lòng tử tế, cách đối đãi thân tình tạo thành những kết nối bền chắc. Với các thầy cô gạo cội trong trường, những người đã đồng cam cộng khổ từ những ngày trường chuyên mới ra đời, tôi thấy ranh giới lãnh đạo và nhân viên nhòe đi, ở đó có tình bạn cùng chung chí hướng, có sự thấu hiểu và sẻ chia chân tình. Cuộc sống nhiều khi xáo trộn, khó khăn; công việc đôi lúc trễ nải, chậm tiến độ, thầy cũng không tránh khỏi có lúc những lúc phiền lòng, trăn trở, những khi không giữ được sự ôn hòa, cũng ầm ầm khiến đám trẻ chúng tôi xanh mặt…
Kể cũng lạ, với ai thầy có thể nóng giận, nhưng với học sinh, thầy đặc biệt ân cần, thương quý. Tôi nhớ mãi hình ảnh thầy trong hành trình đưa học sinh đi thi Olympic 30/4 ở Sài Gòn. Những cái bắt tay truyền động lực cho trò, cả những cái vỗ vai động viên an ủi, những lời rủ rỉ như cha nói với con khi học trò vuột chiếc huy chương trong nước mắt, những bữa cơm thầy dặn chúng tôi phải chuẩn bị thật chu đáo cho học sinh… Bầy trẻ con cũng hiểu sự quan tâm của thầy, chúng tíu tít buổi thi về như đi hội. Tôi tin rằng nhưng chuyến đi đó khiến kỉ niệm trong các em dày lên, ký ức thanh xuân sẽ trong ngần và êm mát dường nào.
Cuộc đời, hình như ai đó cũng cần cho mình một nơi dựa, đôi khi, đó chỉ là những khoảnh khắc cảm xúc mà thôi. Với tôi và với những ai đã một lần gắn bó với trường chuyên Lê Quý Đôn trên con đường rợp mát bóng cây xưa cũ ấy, chắc hẳn sẽ giữ được cho mình nhiều điều mà thời gian khó có thể làm hư hao và phôi pha… Cảm ơn thầy, Thầy Đỗ Thanh, người đã gom góp yêu thương cho ký ức mỗi chúng em trở nên trong mát, ngọt lành, để “Phố cổ xưa” mãi là nơi đánh thức, gọi về những yêu thương dịu dàng như thế…
TRẦN THỊ HỢP
(GV Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn)