Khi con học trực tuyến

Thứ Sáu, 01/10/2021, 21:13 [GMT+7]
In bài này
.

Cả tháng nay, cộng đồng mạng xôn xao bàn tán về chuyện học trực tuyến (online). Nhiều chuyện bi, hài đã xảy ra, từ chuyện chọn phương pháp dạy và học, chuyện máy tính cháy hàng, mạng kết nối kém, đến chuyện cô giáo, học sinh và phụ huynh bận rộn, vất vả ra sao với phương thức dạy - học này.

Khi học trực tuyến, học sinh cũng cần mang trang phục lịch sự. Ảnh minh họa: THÙY VÂN
Khi học trực tuyến, học sinh cũng cần mang trang phục lịch sự. Ảnh minh họa: THÙY VÂN

Nhà tôi có 3 trẻ đang đi học. Cháu lớn năm nay là cuối bậc THCS, do mẹ đi làm xa, đến ở với dì cả năm nay thì đã biết tự giác học bài. Hai con nhỏ, lớp 4 và đứa lớp 2. Các cháu dù tiếp cận rất nhanh với các thiết bị hiện đại, bấm điện thoại nhoay nhoáy, bật mở máy tính xách tay thành thục nhưng chủ yếu là để chơi game, xem YouTube chứ không phải để học, khi có sự cố như rớt mạng, máy trục trặc… thì chúng không biết cách xử lý. Chưa kể đến chuyện những nguy cơ khi trẻ tự ý cắm điện hoặc nghịch linh tinh nên bắt buộc phải luôn có người ngồi kèm. Ba đi làm xa. Mẹ nghỉ dịch ở nhà nhưng còn bận túi bụi vào việc đặt mua hàng, nấu ăn, nhận và xử lý các thông tin về dịch bệnh, học hành, giãn cách… Thế nên, dù Sở Giáo dục đã lùi ngày học chính thức của cấp tiểu học lại tới nửa tháng (ngày 20/9) và chương trình học cũng đã được cắt bớt, giảm nhẹ thì việc dạy học online vẫn là một áp lực không nhỏ đối với các bậc phụ huynh.

Trước tiên là phương tiện học online. Nhà có một máy tính để bàn, một laptop, 2 điện thoại thông minh (smartphone). Chiếc máy tính đã cũ, mòn cả bàn phím thì chỉ có cô cháu gái dùng được. 2 chiếc smartphone đều không vào được ứng dụng Google meet nên chiếc laptop làm việc của mẹ gần như phải dùng chung cho cả 3 mẹ con. Mẹ thì tranh thủ lúc con nhỏ ngủ để dùng máy tính làm những việc điện thoại không thể làm. Thời gian còn lại, bọn trẻ chia nhau dùng máy. Cũng may, cô giáo cháu nhỏ xếp lịch dạy buổi tối để cha mẹ có thể kèm con em học bài, thành ra chuyện 2 đứa nhỏ tranh nhau cái laptop của mẹ cũng ít khi xảy ra.

Chuyện thứ hai là không gian học. Nhà nhỏ. Không có phòng học riêng cho từng đứa. Đứa lớn học trong phòng ngủ của mình. Hai đứa nhỏ học ngoài phòng khách. Mẹ thì vừa nấu bếp vừa trông chừng cả nhà. Nghe có vẻ ổn nhưng thực ra lại không ổn chút nào. Hai đứa nhỏ thì chí chóe tranh giành, tố cáo nhau đủ thứ chuyện, từ : “Em làm ồn con không nghe thấy gì hết!” đến chuyện “Cô hỏi anh không trả lời được”. Đứa lớn thì cứ đóng cửa phòng kín mít, không biết là học bài hay lại vào face nhắn tin, lướt mạng. Mẹ thì vì ồn ào, nói điện thoại nhỏ và nghe không rõ nên cũng nhầm lẫn lung tung. Rồi còn mạng nữa, con đang học bị out, mẹ đang zalo thì mất sóng.

Cô giáo - bạn thân của mẹ, than: Một người lớn kèm mấy đứa trẻ như chị, đúng là khó khăn nhưng mấy người lớn kèm một đứa con thì giáo viên bọn em cũng khổ. Ba mẹ các em cứ kè kè bên cạnh con, rồi khi thì nói cười, khi thì tranh luận mà quên tắt micro. Có người thì nằm, ngồi ngả ngớn, ăn mặc thiếu lịch sự đi qua, đi lại trước màn hình. Hồi đầu năm họp phụ huynh, tụi em nhắc nhở rồi nhưng họ có nghe đâu. Giáo viên dạy học sinh đã đủ mệt rồi chẳng lẽ còn dạy cả phụ huynh.

Dịch bệnh tuy đã thuyên giảm, nhưng còn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương nên việc học online dự kiến còn kéo dài. Bao khó khăn phức tạp nảy sinh, nhưng biết làm sao được, chúng ta rồi ai cũng phải học cách thích ứng với cuộc sống mới trong và sau đại dịch.

AN AN

;
.