.
HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN THEO NGHỊ QUYẾT 68

Bảo đảm công khai, minh bạch

Cập nhật: 19:54, 24/10/2021 (GMT+7)

Trong 2 ngày 18 và 19/10, UBMTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tổ chức giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, Long Điền theo Nghị quyết 68. Tại mỗi địa phương đều ghi nhận sự phấn khởi của người dân khi được hưởng lợi từ chính sách này.

 Ông Trần Văn Lợi và đoàn giám sát làm việc với xã An Nhứt, Tam Phước.
Ông Trần Văn Lợi và đoàn giám sát làm việc với xã An Nhứt, Tam Phước.

Đoàn giám sát đã đi kiểm tra thực tế tại một số xã: Bàu Lâm, Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc); An Nhứt, Tam Phước (huyện Long Điền). Theo báo cáo của UBND các xã trên, việc thực hiện hỗ trợ cho NLĐ theo Nghị quyết 68 về cơ bản được thực hiện tốt, ít xảy ra tình trạng điện thoại đến đường dây nóng hoặc khiếu kiện, thắc mắc.

Anh Nguyễn Y Trường Bảo (ngụ tại ấp 3B, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc) làm nghề bốc xếp tại TP.Hồ Chí Minh và đầu năm 2021, anh chuyển về làm lao động tự do tại xã Kim Long, huyện Châu Đức. Diễn biến dịch căng thẳng, toàn tỉnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, không có việc làm, anh về nhà, sống cùng gia đình tại huyện Xuyên Mộc. “Khi làm hồ sơ để được hưởng theo Nghị quyết 68, địa phương đã hỗ trợ chúng tôi trong việc kết nối với nơi tôi làm việc trước khi nghỉ dịch và xác minh. Sau đó tôi được nhận 2,8 triệu đồng. Đây là số tiền hỗ trợ rất kịp thời và ý nghĩa với tôi sau vài tháng không có thu nhập”, anh Trường Bảo cho hay.

Tính đến ngày 14/10, xã Bàu Lâm có 3.311 người thuộc các trường hợp lao động có giao kết hợp đồng, lao động tự do, đối tượng đặc thù, hộ kinh doanh, F1, F0… được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, với tổng số tiền 9,027 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc) cho biết, thời gian đầu, đội ngũ cán bộ khá lúng túng khi triển khai chính sách do lượng hồ sơ nhiều, việc tuyên truyền chưa tốt dẫn đến sai sót, người dân chưa kê khai rõ ràng, thời gian thực hiện đợt chi trả đúng thời điểm tỉnh thực hiện giãn cách nên khó khăn cho đội ngũ cán bộ. Xã đã thực hiện lập hồ sơ và được phê duyệt chi trả cho 1.243 trường hợp với số tiền hơn 2,85 tỷ đồng. “Chúng tôi niêm yết công khai danh sách người dân được nhận tiền hỗ trợ, giải thích đối với những trường hợp hồ sơ bị trả về để người dân hiểu nên không có khiếu kiện”, ông Tuấn cho biết.

Tương tự, tại các xã Tam Phước, An Nhứt (huyện Long Điền), việc thực hiện Nghị quyết 68 được triển khai nhanh chóng, kịp thời, nhận được sự đồng tình rất lớn trong nhân dân. Theo lãnh đạo các địa phương, danh sách hỗ trợ được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã và các ấp, công khai, minh bạch, từ đó giảm thiểu tối đa tình trạng người dân khiếu kiện, hoặc điện thoại đến đường dây nóng.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo các địa phương cũng cho hay, các xã phần lớn là lao động thuần nông, những đối tượng làm thuê, lao động tự do đã được hỗ trợ, nhưng nông dân cũng gặp thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, như: không chăm sóc được vụ mùa, gia súc, gia cầm chết hoặc không xuất chuồng được, nông sản không có đầu ra... thì vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ. Các địa phương đề xuất đoàn giám sát có ý kiến với lãnh đạo tỉnh về vấn đề này.

Một vấn đề nữa là việc khó xác minh với lao động tự do là người địa phương nhưng đi làm việc tại các tỉnh, thành phố khác cũng gặp khó khăn. Ông Hồ Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc cho biết, trên địa bàn xã hiện còn tồn 500 hồ sơ là lao động tự do chưa giải quyết được chế độ. Phần lớn là người địa phương, hiện làm việc tại các tỉnh, thành phố, như: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... và về địa phương để tránh dịch. Tuy nhiên, do khó khăn về khoảng cách địa lý, địa phương nơi người lao động làm việc chưa xác minh được người lao động làm việc gì, cụ thể tại đâu nên vẫn còn thiếu sót trong hồ sơ, chưa thể xét duyệt chi trả hỗ trợ và đề xuất đoàn giám sát hướng dẫn nội dung này.

Ông Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao sự cố gắng của các địa phương trong việc thực hiện hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68, bởi thời điểm hướng dẫn người dân làm hồ sơ đúng đợt dịch cao điểm, toàn tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 nên cán bộ địa phương rất vất vả trong việc đi xác minh tờ khai của người dân. Đối với nông dân có đất canh tác hoặc sản xuất không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68, ông Trần Văn Lợi đề nghị địa phương lập danh sách, hồ sơ và hướng dẫn chuyển tới Hội Nông dân xã trình lên Hội Nông dân huyện, tỉnh có phương án hỗ trợ vốn, vật nuôi, cây giống để người dân kịp thời tái sản xuất. “Riêng đối với các trường hợp lao động tự do, các địa phương cần rà soát kỹ, tránh sự trùng lặp, sai đối tượng được chi trả. Những vướng mắc khác của địa phương, đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo lãnh đạo tỉnh để có hướng giải quyết. Thời gian tới, Đoàn tiếp tục giám sát tại các huyện, thị xã, thành phố, nhằm phát huy hiệu quả gói hỗ trợ của Chính phủ, không để xảy ra trường hợp trục lợi chính sách, bảo đảm chính sách được thực hiện công khai, minh bạch”, ông Trần Văn Lợi cho hay.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

.
.
.