.
ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA BỘ Y TẾ

Xông pha vào vùng tâm dịch

Cập nhật: 19:53, 24/10/2021 (GMT+7)

Sau hơn 3 tháng đến hỗ trợ BR-VT phòng, chống dịch COVID-19, Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong thời gian công tác tại tỉnh, các thành viên trong Đoàn luôn có mặt tại các điểm nóng, sát cánh cùng chính quyền và nhân dân triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn tiến dịch bệnh, góp phần giúp tỉnh kiểm soát tốt dịch COVID-19.

Tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn kiểm tra công tác  phòng, chống dịch tại tổ 10B (ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền). Ảnh: MẠNH THẮNG
Tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang (bìa phải), Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại tổ 10B (ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền). Ảnh: MẠNH THẮNG

Hướng dẫn tường tận

Đầu tháng 9/2021, tổ 10B, ấp An Thạnh, xã An Ngãi (huyện Long Điền) xuất hiện 6 ca bệnh không rõ nguồn lây. Người dân tỏ ra lo lắng, đồn đoán chùm ca bệnh có nguồn lây từ khu điều trị bệnh nhân COVID-19 Trường TH Cao Văn Ngọc. Trước tình hình đó, TS. Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, Trưởng Đoàn công tác đã cùng lãnh đạo tỉnh đã đến tổ 10B, ấp An Thạnh gặp gỡ người dân, nắm bắt tâm tư, khảo sát thực tế.

TS. Huỳnh Hồng Quang đã chia sẻ, trấn an trước những lo lắng và hướng dẫn người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời khẳng định ý kiến cho rằng nguồn lây của chùm ca bệnh ở tổ 10B, ấp An Thạnh xuất phát từ khu điều trị bệnh nhân COVID-19 Trường TH Cao Văn Ngọc là không có cơ sở khoa học. Bởi khu điều trị này nằm cách khu dân cư khoảng 100m, có tường bao. Trong cùng khu vực tổ 10B có những gia đình sống gần khu điều trị nhưng không bị lây nhiễm. TS. Huỳnh Hồng Quang đã hướng dẫn địa phương nhanh chóng điều tra dịch tễ, truy vết toàn bộ lịch sử tiếp xúc của người dân trong khu vực và bên ngoài để tìm kiếm F1, F2.

Cũng trong tháng 9/2021, số ca tái dương trên địa bàn tỉnh tăng cao khiến các địa phương hoang mang. Bằng cơ sở thực tế, kiến thức chuyên môn, TS. Huỳnh Hồng Quang đánh giá, phân tích từng trường hợp, từ đó kịp thời đưa ra những cảnh báo và cách xử lý phù hợp. Nhờ đó, các địa phương đã bình tĩnh và thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch đối với những trường hợp tái dương tính với COVID-19.

Bên cạnh đó, Đoàn Công tác của Bộ Y tế đã phối hợp với các ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại 70 DN. TS. Ngô Đức Thắng, Trưởng khoa Dịch tễ, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã chỉ ra một số bất cập trong công tác phòng, chống dịch ở DN như: Phòng cách ly tạm thời ở một số DN chưa được bố trí phù hợp; chưa bố trí khu vực vệ sinh riêng dành cho tài xế chở hàng vào hoặc đến giao dich tại DN mà còn sử còn sử dụng chung với người người lao động của DN.

“Tôi đã nhắc và hướng dẫn cụ thể để các DN khắc phục những hạn chế trong phòng, chống dịch. DN làm tốt công tác này thì người lao động sẽ yên tâm làm việc, DN ổn định sản xuất, không có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào”, TS. Ngô Đức Thắng nói.

Tại Lễ tri ân và khen thưởng các thành viên Đoàn Công tác của Bộ Y tế đến hỗ trợ BR-VT phòng, chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã trân trọng cảm ơn những đóng góp của các thành viên trong Đoàn. Các thành viên đã không quản ngại khó khăn, vất vả và nguy cơ lây nhiễm khi trực tiếp đến ghi nhận và góp ý cho tỉnh phương án phòng, chống dịch hiệu quả tại các điểm nóng về dịch… Đây là những kinh nhiệm quý báu, giúp ngành y tế và tỉnh trong công tác điều hành, xử lý tình huống và ứng phó với dịch bệnh. Những ý kiến đóng góp của Đoàn đã góp phần giúp tỉnh cơ bản khống chế và kiểm soát được dịch bệnh.

Có mặt ở các điểm nóng

Đoàn Công tác bắt đầu đến làm việc tại tỉnh từ ngày 7/8, gồm 6 thành viên, đảm nhiệm nhiệm vụ điều tra dịch tễ, xét nghiệm, điều trị cấp cứu ca bệnh. Ở nhiệm vụ nào, các thành viên trong Đoàn đều làm việc cật lực không kể ngày đêm, xông pha vào từng điểm nóng của dịch bệnh.

Đơn cử, thành viên phụ trách xét nghiệm hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh trong phân tích, nâng cao năng suất xét nghiêm tối đa. Nhờ đó, từ công suất xét nghiệm 2.000 ca/ngày đến nay CDC tỉnh đã nâng lên 6.000-7.000 ca/ngày. Trong công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch, phong tỏa những khu vực có dịch, các thành viên của Đoàn đã hướng dẫn xét nghiệm hợp lý, khoa học, đạt hiệu quả, tiết kiệm tối đa chi phí. Sau mỗi ngày làm việc, các thành viên của Đoàn họp vào lúc 21 giờ để trao đổi thông tin và có định hướng phòng, chống dịch phù hợp nhất.

TS. Huỳnh Hồng Quang nhận định, thời gian qua, chính quyền và nhân dân tỉnh đã đồng lòng, quyết tâm chống dịch. Nhờ đó, số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh. Thế nhưng, từ khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP đến nay, số ca bệnh ngoài cộng đồng đã tăng trở lại. Phần lớn các ca này đều có nguồn lây từ bên ngoài xâm nhập vào tỉnh. Do vậy, tỉnh cần kiểm soát chặt người từ bên ngoài.

Theo TS. Huỳnh Hồng Quang, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và các địa phương đã và đang tiếp tục giám sát tình hình hằng ngày, hàng giờ, lập chốt kiểm sóat chặt người và phương tiện từ các tỉnh, thành phố vào tỉnh, đồng thời giám sát sự đi lại của người dân. BCĐ tỉnh cũng thường xuyên họp để phân tích cặn kẽ các trường hợp mắc mới, trao đổi, rút nghiệm trong kiểm soát, phòng chống dịch. 

HỒNG PHƯƠNG

.
.
.