Để tránh thiếu hụt lao động khi tái sản xuất, nhiều DN phối hợp cùng với tổ chức công đoàn (CĐ) đã tập trung chăm lo đời sống và tổ chức sản xuất an toàn nhằm giữ chân người lao động (NLĐ) trong bối cảnh dịch bệnh. Theo đó, những công việc cụ thể được nhiều DN thực hiện là trả lương trong khi tạm nghỉ chờ việc, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm…
Ông Huỳnh Sơn Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thăm, động viên gia đình một NLĐ trên địa bàn TX. Phú Mỹ. |
Ở nhà vẫn được hưởng lương
Chị Thái Thị Đào là công nhân Công ty TNHH Prime Asia (KCN Mỹ Xuân A2, TX. Phú Mỹ). Từ ngày 19/7, chị cùng nhiều NLĐ phải tạm nghỉ việc vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy vậy, chị và những người tạm nghỉ việc vẫn được công ty trả 100% lương tối thiểu vùng. Sau khi trừ bảo hiểm, chị Đào nhận được khoảng 4 triệu đồng/tháng. Chị Đào cho biết: “Dịch COVID-19 khiến DN nào cũng khó khăn. Nhiều DN chỉ có thể trả lương cho lao động tạm nghỉ việc từ 30-70%, trong khi chúng tôi may mắn hơn khi vẫn được trả lương đầy đủ. Nhờ đó, chúng tôi tạm xoay xở cuộc sống trong những ngày giãn cách và chờ đi làm trở lại”.
Ông Phan Thanh Tùng, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Prime Asia cho biết, DN có 1.500 NLĐ. Từ khi tỉnh áp dụng Chỉ thị 16, DN đã đạo điều kiện để NLĐ có con nhỏ, lao động không tham gia “3 tại chỗ” tạm nghỉ việc nhưng vẫn được trả lương tối thiểu với mức hơn 4,4 triệu đồng/tháng/người. Đối với 960 lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ”, ngoài lương, DN còn hỗ trợ 100 ngàn đồng/ngày/người. Tất cả lao động làm việc “3 tại chỗ” được DN sắp xếp chỗ ở tại ký túc xá công ty và cung cấp đầy đủ vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, được phục vụ miễn phí 3 bữa/ngày.
Yên tâm ở lại chờ ngày đi làm
TP. Vũng Tàu là một trong những địa phương tập trung đông NLĐ ngoại tỉnh. Đơn cử, phường Rạch Dừa có hơn 4.400 NLĐ tạm trú, phần lớn đến từ các tỉnh miền Tây, miền Trung, miền Bắc. Theo rà soát của phường Rạch Dừa, hiện có khoảng 1% NLĐ có nhu cầu về quê, chủ yếu là những người chưa có việc làm ổn định. Để NLĐ an tâm, chung sức cùng địa phương phòng, chống dịch, gần 3 tháng qua, phường Rạch Dừa đã vận động được hơn 110 tấn lương thực, thực phẩm và ưu tiên hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn, NLĐ sống tại các nhà trọ.
Vợ chồng chị Huỳnh Thị Cẩm Tiên, quê An Giang đến phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu làm nghề thợ hồ. Hơn 3 tháng qua, anh chị mất việc làm do dịch COVID-19 bùng phát. Anh chị đã được chủ nhà trọ giảm 50% tiền thuê phòng, đồng thời còn được phường và thành phố hỗ trợ lương thực, thực phẩm nhiều lần. Anh chị cũng đã được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ nên yên tâm ở lại nhà trọ để chờ ngày đi làm trở lại. “Trong lúc khó khăn nhất, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền và cộng đồng nên yên tâm ở lại chờ ngày được đi làm”, chị Tiên nói.
Theo thống kê của Sở LĐTBXH, toàn tỉnh có hơn 252.000 NLĐ ngoại tỉnh, trong đó có gần 6.800 NLĐ đăng ký về quê. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ, tổ chức đưa hơn 1.000 NLĐ trở về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, khu vực Tây Nguyên... Hầu hết những người trở về là lao động chưa có việc làm ổn định hoặc là người già, trẻ em.
Trong thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp UBMTTQVN tỉnh, các ban, ngành, các cấp công đoàn tổ chức “Chuyến xe công đoàn” vận chuyển 154,869 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm đến các DN thực hiện “3 tại chỗ” cho đoàn viên, NLĐ tại các khu nhà trọ và người dân khu vực bị phong tỏa, cách ly; vận động hỗ trợ tiền mặt cho 31.864 lượt đoàn viên, NLĐ với số tiền 18,057 tỷ đồng.
|
Ông Huỳnh Sơn Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp CĐ đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả, đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời nhằm chăm lo, hỗ trợ thiết thực cho NLĐ. Những biện pháp này nhằm giữ chân NLĐ ở lại tỉnh, tránh tình trạng thiếu hụt lao động, xáo trộn sản xuất, kinh doanh của các DN khi tỉnh trở lại trạng thái “bình thường mới”. Các cấp CĐ đã phối hợp với UBMTTQVN tỉnh, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh... để tổ chức nhiều “Chuyến xe công đoàn” vận chuyển trên 136,719 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm đến NLĐ và lao động tự do tại các khu nhà trọ, khu vực bị phong tỏa, cách ly, tại các DN thực hiện “3 tại chỗ”.
LĐLĐ tỉnh cũng chi hỗ trợ theo Quyết định 3089/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam về bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của DN số tiền hơn 20 tỷ đồng cho 20.001 NLĐ tại 191 DN. Đồng thời đã kêu gọi các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền điện, nước, tiền thuê trọ cho CNLĐ, NLĐ tự do và được 3.838 chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ cho 19.134 NLĐ với tổng số tiền 4,945 tỷ đồng…
Hiện tại, LĐLĐ tỉnh đang triển khai 20.000 gói an sinh cho NLĐ trên địa bàn tỉnh khi trở lại trang thái “bình thường mới” với tổng trị giá 4 tỷ đồng. “Chúng tôi tiếp tục kiến nghị các cấp, các ngành và Tổng LĐLĐ Việt Nam kịp thời hỗ trợ các gói chính sách an sinh xã hội cho đoàn viên, NLĐ, DN gặp khó khăn. Các cấp CĐ tỉnh tiếp tục duy trì tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa nhằm chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho công nhân, NLĐ, DN giúp NLĐ ổn định tư tưởng, tâm lý và tin tưởng vào tổ chức CĐ, vào sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống dịch, góp phần ổn định an ninh trật tự, an dân trong công tác phòng, chống dịch”, ông Huỳnh Sơn Tuấn nhấn mạnh.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN