Động lực để chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục

Thứ Hai, 18/10/2021, 22:10 [GMT+7]
In bài này
.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của các nhà tài trợ, cùng sự quan tâm của phụ huynh, dự kiến tất cả HS toàn tỉnh sẽ có đủ thiết bị để học trực tuyến trước ngày 20/10. Đây không chỉ là phương tiện hỗ trợ việc học tập trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp mà còn là nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.
Đại diện Công ty CP FPT trao máy tính bảng cho em Trần Thị Bích Tuyền, HS lớp 5A, Trường TH Long Liên (huyện Long Điền).
Đại diện Công ty CP FPT trao máy tính bảng cho em Trần Thị Bích Tuyền, HS lớp 5A, Trường TH Long Liên (huyện Long Điền).

Trao cơ hội học tập

Một ngày giữa tháng 10, như thường lệ, em Trần Thạch Yến Linh, HS lớp 3E, Trường TH Cao Văn Ngọc (xã An Ngãi, huyện Long Điền) lại dậy sớm để chuẩn bị cho buổi học trong “mùa dịch”. Từ 1 tháng nay, trong khi bạn bè đồng trang lứa được tham gia các lớp học trực tuyến, thì Yến Linh chỉ có thể gọi điện thoại nhờ cô giáo tranh thủ hướng dẫn em tự học trước khi cô “lên lớp”. Sau đó, cô học trò lớp 3 phải tự mình xoay sở với SGK và tập vở.

“Hai vợ chồng tôi chỉ có chiếc điện thoại “cục gạch” này. Nhiều hôm điện thoại còn không có tiền để gọi cho cô giáo, cô phải gọi lại để hướng dẫn cháu học”, anh Trần Hữu Hiệp, ba của Linh vừa nói vừa lấy trong túi áo ra chiếc điện thoại Nokia đã cũ. Anh Hiệp làm phụ hồ, còn vợ anh vừa nhận hạt điều về nhà tách vỏ, vừa tranh thủ bán thêm mớ rau ngoài chợ. Hơn 3 tháng nay, vì dịch bệnh, vợ chồng anh không có việc làm, phải sống nhờ sự hỗ trợ của địa phương. “Vợ chồng tôi ước ao mua cho con chiếc điện thoại để con học cùng các bạn nhưng không đủ tiền. Nếu được đi làm thì vất vả mấy tôi cũng ráng. Nhưng mấy tháng nay, vợ chồng chưa đi làm được ngày nào…”, anh Hiệp vội vã quay đi, giấu đôi mắt đỏ hoe.

BÀ TRẦN THỊ NGỌC CHÂU, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT
Tạo động lực chuyển đổi số
Trước những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành giáo dục đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh HS, các tổ chức, cá nhân, sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể và sự quyết liệt, trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, đến nay, ngành đã cơ bản giải quyết khó khăn về thiết bị học tập.
Dịch bệnh COVID-19 đã gây ra không ít khó khăn cho việc giảng dạy, học tập, đồng thời cũng tạo động lực để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Đây là cơ hội để GV, HS dần thích ứng với phương thức dạy học trực tuyến, để phương thức này không còn là giải pháp tình thế ứng phó với đại dịch mà sẽ trở thành xu hướng học tập mới trong thời đại 4.0. Bên cạnh việc giảng dạy, học tập, GV, HS còn được tiếp cận kho kiến thức mở trên nền tảng số. Và trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, sắp tới, bên cạnh việc giảng dạy trực tuyến, ngành sẽ triển khai cho HS kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến.

Trưa hôm đó, trong ngôi nhà đơn sơ nằm sâu trong hẻm, gia đình anh Hiệp bất ngờ được đón những vị khách đặc biệt: Đại diện Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT huyện và Công ty CP FPT đến trao tặng máy tính bảng cho bé Linh học trực tuyến. Linh bỡ ngỡ cầm trên tay chiếc máy tính bảng còn “nguyên đai nguyên kiện”. “Con không dám mơ sẽ có chiếc máy đẹp như thế này để học trực tuyến với các bạn. Con vui lắm!”, Yến Linh bẽn lẽn nói, đôi mắt em lên niềm vui sướng.

Cách đó chừng 4 km, em Trần Thị Bích Tuyền, HS lớp 5A, Trường TH Long Liên (TT. Long Điền, huyện Long Điền) cũng vừa nhận được chiếc máy tính bảng để học trực tuyến. Ba Tuyền bị tai biến, mất khả năng lao động đã 2 năm nay. Bà Trần Thị Tuyết Hồng, mẹ em hằng ngày đi bán vé số dạo, nuôi chồng, nuôi con và đứa cháu ngoại 4 tuổi bị mẹ bỏ rơi. Nhiều tháng nay, bà phải nghỉ bán vì dịch bệnh nên đời sống gia đình càng thêm khốn khó. Chật vật lo từng bữa ăn, bà Hồng từng nghĩ đến việc cho con nghỉ học. “Thế nhưng, sự động viên của các thầy cô giáo, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đã khiến tôi vững vàng hơn để cố gắng cho con được tiếp tục đi học”, bà Hồng chia sẻ.

Không để học sinh nào thiếu thiết bị học tập

Cùng với Yến Linh và Bích Tuyền, hàng chục ngàn HS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ thiết bị để “lên lớp” giữa mùa dịch. Theo thống kê của ngành giáo dục, trước thềm năm học mới, trong tổng số 229.466 HS phổ thông trên địa bàn tỉnh, có tới 44.378 em chưa có thiết bị học tập trực tuyến.

Với chủ trương không để HS nào không thể tham gia học trực tuyến vì thiếu thiết bị, UBND tỉnh đã phát động tất cả các huyện, thị xã, thành phố lên kế hoạch hỗ trợ thiết bị cho các em HS có hoàn cảnh khó khăn. Song song đó, các nhà trường cũng vận động gia đình chủ động mua sắm thiết bị cho con em mình học tập, đồng thời vận động nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân hỗ trợ máy tính, điện thoại cho HS học trực tuyến. Với sự nỗ lực đó, đến giữa tháng 9 chỉ còn hơn 7.000 em chưa có thiết bị. Hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động, UBND tỉnh tiếp tục vận động các sở, ban ngành vào cuộc, giúp các em HS dù không đến trường nhưng vẫn được học tập. Đến ngày 9/10, toàn tỉnh chỉ còn 1.000 HS thiếu thiết bị. Dự kiến đến ngày 20/10 tất cả HS phổ thông trên địa bàn tỉnh sẽ có đủ thiết bị để học trực tuyến.

Đại diện Công ty CP FPT hướng dẫn em Trần Thạch Yến Linh cách sử dụng máy tính bảng để học trực tuyến.
Đại diện Công ty CP FPT hướng dẫn em Trần Thạch Yến Linh cách sử dụng máy tính bảng để học trực tuyến.

Song song với việc hỗ trợ thiết bị học tập, Sở TT-TT còn yêu cầu các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone hỗ trợ các gói dịch vụ Internet cho HS, GV với chính sách ưu đãi đa dạng, phù hợp với từng HS. Từ đầu tháng 10 đến nay, VNPT BR-VT đã tài trợ thiết bị, sim và gói cước 4G trị giá 5,2 tỷ đồng để phục vụ giảng dạy trực tuyến. Viettel BR-VT ngoài việc trao tặng 70 bộ thiết bị học trực tuyến trị giá 230 triệu đồng còn miễn phí đường truyền Internet cho 100% trường học và cơ sở quản lý giáo dục, giảm 80% chi phí dùng hệ thống đào tạo trực tuyến K12Online…

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

;
.