Dạy - học trong trạng thái "bình thường mới"
Cuối tuần qua, ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và TS. Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, Trưởng Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế vừa làm việc với cán bộ quản lý, GV, HS ngành giáo dục về việc dạy học trong trạng thái “bình thường mới”.
Ông Mai Ngọc Thuận trao đổi với HS, cán bộ, GV, nhân viên ngành giáo dục về hiện thực “bình thường mới”. Ảnh: NHUNG HOA |
Hình dung về một “bình thường mới”
Chia sẻ về hiện thực “bình thường mới”, ông Mai Ngọc Thuận khẳng định: “Thật ra chúng ta không chiến thắng “đại dịch” mà chỉ là thay đổi chiến lược “Sống chung an toàn”. Virus vẫn còn thấm sâu trong xã hội, ca nhiễm vẫn tiếp tục tồn tại ở mức độ cao. Trong nhận thức mới, nó đang được buông và có thể đang “lang thang” khắp nơi. Như vậy, “bình thường mới” không phải là khúc ca khải hoàn mà chỉ mới là “bài ca hy vọng” cộng với khúc hát nhắc nhở 5K quen thuộc trước nay mà thôi”.
Ông Mai Ngọc Thuận cho rằng, ở “bình thường mới”, chúng ta sống chung với vi rút SARS-CoV-2 và virus tiếp cận gần chúng ta hơn. Trước đây, những người nhiễm bị cách ly để tạo một “hàng rào” bảo vệ người chưa nhiễm. Hiện nay, bao phủ vắc xin để tạo “hàng rào” nhỏ bảo vệ từng người. Phương châm phòng, chống dịch COVID-9 là: “5K + vắc xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của nhân dân”. Ngoại trừ vắc xin là “vũ khí” thật sự, còn lại vẫn chỉ là các phương pháp về quản lý, về nhận thức, về cách sống, hành vi, ý thức mọi người.
Trong trạng thái “bình thường mới”, việc mở cửa lại trường học để HS đến trường học tập trực tiếp là nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, cần thận trọng trong từng bước đi vì đến thời điểm này, hầu hết HS chưa có miễn dịch và chưa được tiêm vắc xin. Dự kiến cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới, tỉnh sẽ lập danh sách, triển khai tiêm cho nhóm học sinh cấp THCS và THPT trước, sau đó chuyển dần tới độ tuổi thấp hơn.
Phòng dịch ngay cả khi đã bao phủ vắc xin
TS. Huỳnh Hồng Quang cũng khẳng định, để bảo đảm an toàn khi “mở cửa” trường học trong thời gian tới, ngay cả khi đã bao phủ vắc xin, các trường học vẫn cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trong trường học. Trong đó, vắc xin được coi là chiến lược y tế công cộng đứng đầu và lâu dài cho phòng chống dịch COVID-19 vì sự lưu hành của biến thể Delta có tính lây nhiễm và độc lực cao, có thể gây nguy hiểm sức khỏe HS, GV.
TS. Huỳnh Hồng Quang phân tích, trong môi trường học đường, do lớp học đông HS, ít lưu thông khí, các hạt chứa virus thải ra chậm hơn. Do đó, khi HS đi học trở lại, tất cả HS, SV, GV, nhân viên trường học phải luôn mang khẩu trang, bất luận đã tiêm vắc xin. Cùng với đó, phải giữ khoảng cách cần thiết, sắp xếp HS ngồi giãn cách phù hơp, không tụ tập nói chuyện, thực hiện rửa tay sát khuẩn, nhất là với trẻ MN, TH… Phòng học phải bảo đảm hệ thống thông khí để cho các hạt chứa vi rút SARS-CoV-2 nếu có bên trong cũng sẽ không tập trung được. Phải mở tất cả cửa sổ, cửa chính, có thể mở quạt để đẩy không khí ra bên ngoài nhiều hơn. Trong xe buýt chở GV, HS nên mở các cửa sổ ra trong suốt quá trình vận chuyển. Nếu HS, GV thấy không khỏe và xuất hiện triệu chứng nghi ngờ, phải ở nhà, trong phòng riêng, nhanh chóng báo tin cho cơ sở y tế...
Để thích ứng an toàn dịch bệnh COVID-19 trong trường học, sắp tới, cần nhanh chóng triển khai bao phủ vắc xin cho cán bộ, GV, nhân viên trường học và HS trong đột tuổi quy định, bảo đảm tiêm đến đâu an toàn đến đó. Nhà trường cần có phương án, kịch bản và diễn tập kịch bản cách ly tạm thời, động viên, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm khi có F0. Cần giám sát chặt chẽ, đưa F0 đi điều trị; đồng thời truy vết nhanh mốc dịch tễ, tìm nguồn lây, không để sót F1; xác định phạm vi, khu vực phong tỏa và giám sát chặt, test nhanh, RT-PCR 100% HS trong lớp, trường; căn cứ kết quả, rã gộp dương RT-PCR, test nhanh đưa đi cách ly tạm thời; Sau 3 lần xét nghiệm, đánh giá lại nguy cơ, gỡ phong tỏa 14 ngày. Bên cạnh đó, nhà trường luôn cập nhật về diễn tiến bệnh COVID-19 tại tỉnh; lưu ý các ổ bệnh và chuỗi lây nhiễm liên quan.
Vị chuyên gia đến từ Đoàn công tác cũng lưu ý gia đình, nhà trường cần phối hợp với địa phương quan tâm, chăm sóc tâm lý HS trong và sau đại dịch, nhất là HS có người thân mất vì COVID-19. Nhà trường có thể dành một số tiết ngoại khóa để trình bày chủ đề COVID-19 và học đường… để các em HS được chuẩn bị tâm lý và thích ứng với trạng thái “bình thường mới” trong trường học.
HOÀNG DƯƠNG