Đỗ Thanh Lam (sinh năm 1997, quê ở TP.Vũng Tàu, cựu HS chuyên Tin, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) hiện đang là kỹ sư phần mềm Facebook ở vương quốc Anh. Thanh Lam đã chinh phục những “gã khổng lồ” công nghệ thế giới bằng sự nỗ lực từng ngày để hoàn thiện bản thân.
Đỗ Thanh Lam cùng gia đình tại Lễ tốt nghiệp Đại học. |
Vững vàng hơn sau nhiều lần thất bại
Đỗ Thanh Lam cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, Lam trúng tuyển vào lớp Cử nhân tài năng, khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). “Sau khi nhập học, tôi có cơ hội gặp gỡ 6 SV được Google nhận thực tập. Họ đã thắp lên trong tôi một niềm tin rằng đường đến các công ty công nghệ lớn tuy khó khăn không phải là giấc mơ xa vời, mà là thực tế có thể đạt được”, Thanh Lam nói.
Bước vào năm thứ 2 ĐH, Lam nộp hồ sơ lần đầu tiên để ứng tuyển vào Google. Tuy nhiên, cô rớt ngay từ vòng xét tuyển hồ sơ vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Lam chia sẻ: “Lúc đó tôi rất buồn vì cảm thấy mình quá dở. Nhưng ngay sau đó đã xốc lại tinh thần bằng cách không bỏ cuộc. Bởi bị từ chối không có nghĩa là không còn cơ hội”.
Lam cho biết, có một thực tế là số lượng người Việt Nam làm việc tại Facebook không ít, nhưng hầu hết đã từng học hoặc làm việc ở nước ngoài trước đó. Mặt khác, chi phí để tuyển một ứng viên nước ngoài cho công ty không phải thấp, từ việc sắp xếp phỏng vấn tới việc làm visa, vé máy bay, chỗ ở... Lam luôn tự động viên bản thân rằng rằng nếu ai đó sinh sống tại ở các nước phát triển, họ phải cố gắng thật nhiều để nhận được đề nghị từ các “ông lớn công nghệ”, thì bản thân phải cố gắng 200%, thậm chí nhiều hơn thế nữa để đạt được điều đó.
Năm thứ 3 ĐH, Lam vượt qua vòng hồ sơ của Google nhưng lại rớt ở vòng phỏng vấn. Cùng lúc, Lam dự tuyển thực tập sinh cho Facebook và vượt qua vòng phỏng vấn đầu nhưng dừng lại ở vòng sau. “Sau mỗi lần bị từ chối thì bản thân càng phải nỗ lực nhiều hơn để có được cơ hội”, Lam nói.
Thanh Lam (bìa trái) trong chuyến đi dự hội thảo Grace Hopper Celebration (GHC) ở Mỹ, hội nghị lớn nhất thế giới về công nghệ dành cho phụ nữ. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Và cùng một lúc chinh phục Google, Facebook
Không bỏ cuộc, vào năm học thứ 4, Thanh Lam tiếp tục thử sức và nhận được cái gật đầu từ những “ông lớn” công nghệ. Lam giành được 1 suất thực tập 3 tháng ở Anh, rồi tiếp đó là lời đề nghị ở lại làm việc ở vị trí kỹ sư phần mềm của Facebook tại London (Anh). Google cũng đề xuất cho Lam một công việc toàn thời gian tại Đức. Sau khi cân nhắc, Thanh Lam quyết định chọn Facebook. Thanh Lam cho biết, công việc của mình là phụ trách thiết kế, phát triển và cài đặt các giải pháp phần mềm.
Tại Facebook, Lam cùng các đồng nghiệp của mình duy trì hoạt động ổn định của hệ thống máy chủ, bảo đảm cho mọi tính năng trên trang mạng xã hội Facebook chạy mượt mà. Đồng thời, các kỹ sư phần mềm Facebook cũng nghiên cứu thói quen của người dùng để phát triển thêm các tính năng mới, đề xuất các nội dung phù hợp cho người dùng trên trang Facebook cá nhân của họ.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Thanh Lam chia sẻ: “Hành trình đến với các “ông lớn công nghệ” với mình là một trải nghiệm hay ho, tuy đầy sóng gió nhưng cũng cực kỳ đáng nhớ. Nó là cả quá trình tìm hiểu, học hỏi, bồi dưỡng và phát triển bản thân từng ngày”.
“Môi trường làm việc của Facebook rất coi trọng việc giao tiếp. Trong thời gian làm việc tại đây, tôi nhận thấy mọi người dành tới 40% thời gian để giao tiếp với nhau và 60% thời gian cho công việc. Họ luôn khuyến khích nhân viên cởi mở trong giao tiếp, không ngại đặt câu hỏi và nêu ý kiến. Khi một vấn đề được nêu ra, tất cả mọi người đều có tiếng nói, có quyền nhận xét, đặt câu hỏi, nêu lên ý kiến cá nhân của mình và cùng bàn bạc để giải quyết. Không có chuyện nhân viên bắt buộc phải thực hiện những công việc bất hợp lý dù đó là yêu cầu của cấp trên”.
(Đỗ Thanh Lam, Kỹ sư phần mềm tại Facebook chia sẻ)
|
Sau những lần “thất bại tạm thời”, Lam bắt tay vào việc tìm hiểu thêm về quy trình phỏng vấn của các công ty công nghệ lớn qua chia sẻ kinh nghiệm của những người đi trước. Lam cũng bắt tay ngay vào việc chuẩn bị CV và dần hoàn thiện theo những tiêu chí mà nhà tuyển dụng đòi hỏi ở một ứng viên. Lam đã thu thập CV của những anh chị đã đi trước, bắt đầu so sánh và xem mình cần bổ sung điều gì. Tuy nhiên, cô gái nhỏ bé ý thức được rằng, điều đó không có nghĩa là trở thành “bản sao” của người khác.
Ngược lại, nó giúp Lam nhìn nhận lại bản thân và tìm ra cách thể hiện những yếu tố nổi trội của mình để thuyết phục nhà tuyển dụng chọn mình chứ không phải ứng viên khác. Lam đã tìm kiếm cơ hội thực tập ở nhiều nơi trước khi ứng tuyển, tham gia các cuộc thi nổi tiếng như: Google Code Jam, Facebook Hackercup, Hackerrank,… để tạo được sự chú ý từ các công ty công nghệ. Thanh Lam đã tìm kiếm cơ hội bằng nhiều cách khác nhau, từ việc nhờ người quen trong công ty giới thiệu, ứng tuyển trực tiếp thông qua các trang hoặc email tuyển dụng, tạo hồ sơ cá nhân trên LinkedIn, GitHub…
Và từ một cô gái “bỏ quên” việc học ngoại ngữ, Lam đã bắt đầu trau dồi vốn tiếng Anh. “Sau khi học theo kiểu sách vở nhưng không mấy hiệu quả, mình bắt đầu tập trung đọc nhiều, nghe nhiều, giao tiếp nhiều hơn, nói cách khác là đi từ giao tiếp cơ bản, sau đó mới tới ngữ pháp. Mình đăng nhập vào các diễn đàn công nghệ, trao đổi với các bạn nước ngoài và nhận phản hồi từ các bạn để rút kinh nghiệm. Nói chung, trong giao tiếp, không cần học những kiến thức quá cao siêu mà để người khác hiểu được nội dung trao đổi đã là thành công”, Lam cho hay.
“Thanh Lam luôn biết cách làm cho mình trở nên đặc biệt. Từ cách làm việc đến cách học tập, Lam luôn rõ ràng cụ thể và luôn có lộ trình để đạt được cái mình mong muốn”.
(Thầy Phạm Nguyễn Sơn Tùng, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM)
|
Chìa khóa mở cánh cửa Facebook
Nói về lý do được lựa chọn bởi những “ông lớn” công nghệ, Đỗ Thanh Lam cho hay: “Hồ sơ cần có một số điểm nổi bật và thể hiện được bản thân có thể thích nghi với môi trường quốc tế chứ không đơn thuần chỉ là kết quả học tập. Các công ty đánh giá cao những ứng viên chịu khó học hỏi và luôn có những thay đổi tích cực”.
Có trong tay hồ sơ tuyển dụng khá ấn tượng, Thanh Lam đã đến với vòng phỏng vấn của những “gã khổng lồ” công nghệ. Thanh Lam chia sẻ, vòng phỏng vấn thuật toán là những vòng cực kỳ quan trọng nếu muốn bước vào các công ty công nghệ lớn. Tại đây, người phỏng vấn không đơn thuần chỉ muốn nghe lời giải, đọc những dòng code mà điều họ mong muốn là thấy được cách giải quyết vấn đề của ứng viên. Lam kể: “Mình từng trượt vòng phỏng vấn đầu tiên cho vị trí thực tập của Facebook. Lúc đó, mình đã trả lời và code đầy đủ các câu hỏi rất đúng giờ. Và mình đã quá bất ngờ với kết quả, vì đơn giản mình nghĩ mình đã làm tốt. 1 năm sau đó mình phỏng vấn lại với Facebook. Lần ấy, mình càng bất ngờ hơn, khi mình đã hiểu sai đề bài và không thể đưa ra cách giải quyết tối ưu nhất nhưng vẫn được công ty chấp nhận. Mình đoán vì lúc đó mình đã lập luận khá chặt chẽ”.
Khi được hỏi: “Liệu là nữ giới có phải là một rào cản trên con đường theo đuổi đam mê hay không?”, Lam thẳng thắn: “Giới tính không phải là rào cản. Rào cản lớn nhất của mỗi người là suy nghĩ bị áp đặt theo định kiến xã hội. Vậy nên, trước hết, hãy mạnh mẽ vượt qua rào cản trong suy nghĩ của chính bản thân mình”.
(Còn nữa)
HOÀNG DƯƠNG