Bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa cũng quan trọng như chống dịch

Chủ Nhật, 18/07/2021, 18:21 [GMT+7]
In bài này
.

 

Đó là khẳng định của đại diện các bộ, ngành địa phương tại hội nghị trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam bàn giải pháp nhằm bảo cung ứng hàng hóa trong điều kiện các tỉnh này thực hiện giãn cách xã hội kể từ 00h ngày 19/7/2021. Hội nghị diễn ra vào sáng 18/7 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương kiểm tra kho dự trữ hàng hóa tại Lotte Mart Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương kiểm tra kho dự trữ hàng hóa tại Lotte Mart Vũng Tàu.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, TP. Hồ Chí Minh tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 mới vài ngày, nhưng tình hình cung ứng hàng hóa đã khá nghiêm trọng, có hiện tượng đứt gãy chuỗi sản xuất - cung ứng, nên một số mặt hàng thiếu hụt. Do đó, việc áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam (bắt đầu từ 0h ngày 19/7/2021), nếu không gắn liền với biện pháp phù hợp thì rất có thể tình hình sẽ nghiêm trọng hơn. Do đó, cần phải rà soát, bám sát nhu cầu hàng hóa của nhân dân để có giải pháp.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố cho rằng, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh các nhiệm vụ truy vết, khoanh vùng, dập dịch, việc bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân là vô cùng quan trọng. Các địa phương cho rằng, hiện nay nguồn cung hàng hóa tại một số nơi xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ mà nguyên nhân là do thiếu nhân công thu hoạch rau củ, kênh vận chuyển gặp khó khăn, dẫn đến ách tắc hàng hóa. Vì vậy, cần phải nhanh chóng tính toán giải pháp bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu.

Ông Nguyễn Minh Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, tại TP. Hồ Chí Minh có khoảng 234 chợ, 2.833 điểm siêu thị, cửa hàng bán lẻ, hơn 28 ngàn điểm bán hàng gắn với các hộ gia đình. Kể cả trong điều kiện giản cách thì hệ thống bán lẻ ở TP.Hồ Chí Minh vẫn bảo đảm ổn định kênh mua sắm cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là những dấu hiệu thiếu hụt nguồn hàng từ vùng sản xuất. Các DN đầu mối phân phối của TP. Hồ Chí Minh cũng gặp nhiều khó khăn trong thu mua, do giá cả thực phẩm tại các nguồn cung tăng cao.

Người dân mua sắm tại Lotte Mart Vũng Tàu.
Người dân mua sắm tại Lotte Mart Vũng Tàu.

Về phía BR-VT, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Đồng cho biết, ngay từ khi dịch mới bùng phát, BR-VT đã xây dựng phương án cung ứng hàng trong tình hình mới. Tỉnh chỉ đạo từng huyện, thị, thành phố  lên phương án chủ động nguồn cung tại chỗ ở cấp xã, phường, thị trấn trong vòng khoảng 1 tháng. Các nhóm hàng như thịt, rau củ, quả… địa phương có các vùng trồng, vùng chăn nuôi nên có thể bảo đảm ở mức tương đối. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng khác như gia vị, thực phẩm khô chủ yếu nhập từ các tỉnh. Do đó, BR-VT đề nghị Bộ Công thương tính toán toán phương án phù hợp, bảo đảm lưu thông hàng hóa về  địa phương.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương cho rằng, việc thông tin về tình hình dịch bệnh, giá cả, thị trường cần kịp thời hơn. Thông tin không đầy đủ, khiến người dân hoang mang, dẫn đến hành vi đổ xô đi mua hàng tích trữ. Về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Đồng thông tin, qua kiểm tra thị trường, tại BR-VT trong mấy ngày vừa qua cũng có tình trạng người dân chen nhau mua hàng, nhưng mức độ chưa đến mức nghiêm trọng. Sức mua tăng nhanh khiến hàng hóa ở các điểm bán lẻ, siêu thị mini hết sớm, việc cung ứng có phần gián đoạn do lưu thông khó khăn. Đến nay, tình hình cung ứng hàng hóa tại địa BR-VT cơ bản ổn định. Tuy nhiên, ông Đồng cho rằng, các cơ quan liên quan cần tính toán thêm về phương án kiểm soát xe chở hàng hóa, tạo điều kiện tối đa cho lưu thông nhưng vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, các địa phương trong diện giãn cách có những khó khăn cần báo cáo cụ thể để hai Bộ đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ trong một số công tác như thu hoạch, phân phối… Nếu không làm rõ được khâu phân phối sẽ tiến hành cụ thể như thế nào thì cũng không thể cung ứng đủ hàng hóa cho từng bộ phận dân cư, dù có xây dựng được “luồng xanh” trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay, cùng lúc phải tiến hành nhiều trạng thái, có thể chuẩn bị cho phương án Nhà nước tham gia vào vai trò điều phối thị trường nếu tình hình cung ứng hàng hóa khó khăn hơn.

Ngày 17/7, Bộ Công thương đã thành lập tổ công tác tiền phương về đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo, công chức các đơn vị Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công Thương địa phương, Cục Công tác phía Nam, Cục Xúc tiến thương mại... Tổ công tác đã có mặt tại TP.Hồ Chí Minh để làm nhiệm vụ thường trực tại khu vực phía Nam, theo dõi, nắm bắt nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, tổ công tác sẽ nắm, kiểm soát tình hình giá cả thị trường, xử lý các trường hợp đầu cơ tăng giá trục lợi.

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: “Lần cách ly này tính chất cách ly khác, tình hình diễn biến phức tạp hơn, có thể đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Trong mọi tình huống 2 ngành sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân, Chính phủ không để đứt gãy chuỗi cung ứng  hàng hóa thiết yếu. Xây dựng kịch bản trong tình huống cao hơn, phức tạp hơn thì có thể điều chỉnh vai trò của nhà nước trong việc điều tiết hàng hóa cho người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.