Mùa ốc đắng đồng
Nhớ con ốc đắng quê nhà
Ăn cùng cơm mẻ thiệt là thơm ngon...
Ốc đắng gắn liền với đời sống của người miền Tây không ai mà không biết đến cái tên ốc đắng dân dã, mộc mạc. Nó gợi lên một ký ức tuổi thơ ngọt ngào, hồn nhiên và đầy gian khổ mà bất kỳ đứa trẻ miền sông nước nào cũng đã từng trải qua. Dù ốc đắng không cao sang như những loài ốc khác, nhưng cũng chế biến được nhiều món ăn ngon đáo để: ốc đắng kho sả ớt, ốc đắng kho dừa, gỏi ốc đắng trộn bắp chuối (hoặc dưa leo), chả ốc đắng, đều rất ngon miệng. Đặc biệt, món ốc đắng chấm cơm mẻ rất thơm ngon và ấn tượng.
Ở quê nhà, tầm tháng 5, khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống dòng sông ngập ngụa phù sa, cũng là lúc ốc đắng sắp vào mùa đẻ trứng. Mùa này, ốc mập ú, thậm chí những trứng non mới tượng hình trong ruột khiến thịt ốc ăn rất ngọt, giòn, bùi. Nhưng đến cuối mùa, ốc ốm, ruột đầy con non, nhai rạo rạo kém ngon.... Nhớ hồi nhỏ, cứ những buổi sáng sớm là tôi mang thau, rổ theo ba đi bắt ốc đắng. Dù ốc ở bất kỳ con mương, ao, hồ, kênh, rạch của nhà nào thì bà con ở quê vẫn được bắt thoải mái, vì ốc ngày đó không có giá trị kinh tế. Chỉ cần xin chủ nhà một tiếng là lội xuống mương bắt ngay. Ốc thường nổi lên mặt nước vào mỗi sáng sớm để ăn rong rêu, hít khí trời nên bắt vào thời điểm này là thích hợp nhất. Đến trưa, khi ánh mặt trời chiếu rọi, ốc sẽ rơi tự do xuống đáy bùn. Ốc đắng thường đeo ở các nhánh cây khô, tàu lá dừa, lá mía hay bất kỳ thứ gì có thể làm điểm tựa. Tôi còn nhớ cái cảm giác ba cầm nguyên tàu dừa đầy ốc, rồi đặt lên bờ cho tôi bắt. Nó đeo kín lá đến nỗi tôi chỉ thấy một màu đen của ốc. Thế là tôi chỉ việc dùng tay nhẹ nhàng tuốt vào thau. Âm thanh leng keng của vỏ ốc chạm vào thau nhôm nghe thật vui tai. Cứ thế mà chỉ một mương thôi, hai cha con bắt được cả thau đầy. Lần nào cũng thế, ba luôn dặn tôi: “Con coi con ốc nào nhỏ xíu thì thả lại mương để chúng sinh trưởng còn có cái mà ăn cho những mùa sau”.
Rồi ba đội thau ốc về nhà. Tôi chân trần lẽo đẽo theo sau. Dọc đường, thỉnh thoảng ba nghỉ tay hái mớ rau dại. Đặt thau ốc xuống bến nước, hai cha con nhảy ùm xuống sông tắm, để mẹ rửa ốc rồi đi ngâm cho sạch. Ốc đắng trước khi chế biến cần phải ngâm nước vo gạo từ một giờ trở lên để ốc nhả chất dơ, sạch ruột thì khi luộc, ốc mới thơm ngon. Nếu thấy con ốc nào nổi lên bề mặt, ắt hẳn là ốc chết, cần loại bỏ ngay kẻo ảnh hưởng cả nồi vì rất nặng mùi. Lúc này ba đi ra sau vườn nhổ sả, hái lá ổi và mớ rau răm rửa sạch. Mẹ dùng lá ổi, sả đặt dưới đáy nồi cho thơm, đổ ốc vào cùng một tí muối và bột nêm, rồi dùng tàu lá chuối xiêm đậy lại. Bắc lên bếp than đang nhóm củi, mắt mẹ cay xè chảy ròng ròng vì khói. Ốc đắng không cần luộc bằng nước vì vốn dĩ bên trong ốc trữ rất nhiều nước, khi luộc tự khắc ốc sẽ chảy ra. Trong quá trình luộc không nên xóc nồi vì sẽ làm cho ốc thụt mày, khó lể.
Ốc đắng rất mau chín nên luộc độ 5 phút là có thể nhấc nồi xuống và đổ ra rổ tre. Nghe mẹ hô to “ốc chín rồi”, anh em chúng tôi mỗi đứa đã cầm sẵn gai bưởi và chén, liền xúm lại lể ăn. Ba cũng vừa làm xong chén cơm mẻ bắt mắt (có sả và lá chanh băm nhuyễn). Hồi đó quá khổ nên ăn cái gì cũng ngon lành. Đối với dân nhậu, họ xem lể ốc đắng như “cọp ăn bù mắt”, nhưng với trẻ con, ngồi lể từng con ốc là ghiền luôn. Cứ cho vào miệng nhai mãi mà không dừng. Lể ốc coi vậy chớ không đơn giản, phải xoay theo hình xoắn mới lấy tận ruột ốc ra được, nếu không sẽ bị ngắt ngang. Ăn ốc đắng mà bỏ phần cuối thì mất ngon, không còn gọi là ốc đắng nữa. Bởi sau vị đắng là vị béo, bùi, dẻo như bột. Lể một con ốc đắng mập ú ù, chấm vào chén cơm mẻ rồi đưa lên miệng nhai và cảm nhận... Ốc đắng giòn sần sật ở phần đầu, béo ở phần đuôi, quyện cùng vị chua của cơm mẻ, cộng thêm vị the the của gai lể ốc, cay nồng của rau răm, làm cho món ăn ngon không thể tả...
Một mùa ốc đắng đồng nữa lại về. Mẹ gửi xe lên cho 5 ký ốc mà mừng như bắt được vàng: “Ba con dầm mưa đi bắt đó”. Mùa dịch bệnh, không thể về quê thăm ba mẹ, không được đi bắt ốc đắng đồng trong mưa gió, thật tiếc gì đâu. Chao ôi, cứ hễ nghĩ đến là lại thèm cảm giác ngày xưa!
TRUNG THÀNH