.

Còn yêu thì tha thứ

Cập nhật: 19:55, 25/06/2021 (GMT+7)

Thời buổi internet thật tuyệt, chẳng hạn, vào một ngày nọ, tình cờ mở hộp thư điện tử, lại thấy một email lạ. Dù không quen biết, nhưng đọc xong, tự lòng mình đã thiện cảm với người gửi đến. Số là, vừa rồi qua email, tôi vừa đọc được một câu chuyện rất lý thú. Tình huống của nhân vật khá phổ biến, nhiều người có thể đã trải qua giây phút có tính cách quyết định ấy. Thế nhưng, lựa chọn cách giải quyết nào mới là cốt lõi của phép ứng xử khôn ngoan. Bởi, chỉ cần chệch hướng một chút, một chút thôi, có thể do nôn nóng, giận dữ ắt dẫn đến một kết thúc khác.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Câu chuyện như sau:

18 giờ, chị gọi điện thoại đến Công ty của chồng, chú bảo vệ nói rằng: “Sếp vừa đi ăn tối ở nhà hàng”. Linh tính cho chị biết đó là... nhà nàng chứ không phải nhà hàng. 20 giờ, sau khi cho các con ăn xong, chị phi xe máy đến nhà nàng. Ô tô của sếp đang đỗ ở trong sân.

Linh tính đã không đánh lừa chị. Có cái gì đó rất nóng, trào lên nơi cuống họng nhưng chị đã kịp nuốt khan nó vào. Không ấn chuông, không đập cửa, cũng không gào thét, chị cởi chiếc giày bên chân phải của mình, treo vào phía trong cánh cửa sắt rồi phóng xe về nhà, giúp các con ôn bài.

Gần 23 giờ đêm, sếp mới chỉnh trang lại y phục, chải lại mái tóc bị vò rối bù và ra về. Nàng ra mở cửa cho sếp trong bộ váy áo ngủ mỏng tang đầy quyến rũ và giật mình khi nhìn thấy một chiếc giày treo trong khung cửa sắt. Nàng ngạc nhiên: “Sao lại có một chiếc giày ở đây? Một chiếc giày chân phải rất đẹp”. Sếp bảo: “Thôi, em vào ngủ đi. Cho dù đẹp nhưng một chiếc giày thì cũng chẳng làm được việc gì”.

Trên đường về nhà, sếp cứ nghĩ vẩn vơ về chiếc giày đó, nó là của ai? Và vì sao nó được treo ở đó?

Sếp đánh ô tô vào gara, mở cổng rất khẽ. Có một chiếc giày chân trái của phụ nữ đặt ngay ngắn trên bậc cửa. Sếp đứng như trời trồng trước chiếc giày đó chừng 2 phút. Sau đó sếp vào phòng ngủ riêng, vì sếp không muốn nghe vợ cằn nhằn, khóc lóc. Nhưng sếp trằn trọc mãi không sao ngủ được. Sẽ có giông bão trong căn nhà này. Sẽ là nước mắt, tiếng la hét và một lá đơn ly hôn. Rồi hai đứa nhỏ sẽ chán đời, đi bụi và hư hỏng...

Đó là tấn bi kịch đáng sợ nhất.

Nhưng sáng hôm sau mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Bát phở gầu bò thơm ngào ngạt vẫn được để ngay ngắn trên bàn cùng với mấy dòng chữ của vợ: “Em đưa các con đến trường. Anh ăn sáng rồi đi làm. Hôm nay trời u ám nên anh phải mặc bộ vét màu sáng, thắt cà vạt màu sáng. Em đã là kỹ, treo trong tủ”.

Sếp liền gọi điện thoại cho nàng: “Chiếc giày chân phải kia là của vợ anh. Đừng vứt đi nhé”. Giọng nàng đầu dây bên kia nghe hơi hoảng hốt: “Trời ạ! Anh muốn làm sao thì làm chứ nếu chị ấy đến nhà em làm ầm lên, em không sống nổi đâu. Chiều, anh tạt qua lấy chiếc giày về”.

Nhiều ngày trôi qua mà giông bão không nổi lên, thái độ của vợ sếp vẫn bình thản, song một chiếc giày trên bậc cửa cứ nhắc sếp về sự lẻ loi và tội lỗi của một người. Rồi một buổi chiều, sếp lấy hết can đảm, lôi chiếc giày bên phải trong cốp xe ra, đặt ngay ngắn bên chiếc giày chân trái của vợ.

Chị đi làm về, đứng sững trước bậc cửa mấy giây rồi chạy vào, ôm ghì lấy chồng mà thì thầm: “Ôi! Chiếc giày chân phải của em!”. Sếp cũng thì thầm bên tai vợ: “Anh xin lỗi em - nghìn lần xin lỗi!”. Đàn ông nếu biết kỹ quá khứ của vợ thì đau đầu lắm. Còn đàn bà, nếu biết hơi nhiều về hiện tại của chồng thì đau tim lắm. Nhưng đã trót biết rồi mà ứng xử được như bà vợ của ông sếp kia thì thật là cao thủ”.

Ai đã nghĩ ra và viết lại tình huống này? Tôi không rõ. Nhưng đây là câu chuyện có thể giúp cho ta thấy được ích lợi của sự bình tâm. Phải bình tâm, cân nhắc hơn thiệt về hành động của mình sẽ diễn ra trong nháy mắt. Nghe tôi kể, có người bạn cười mà rằng: “Chị ấy dại quá. Nếu là tớ à? Tớ sẽ làm ầm ĩ một phen, chẳng thà “ra môn ra khoai” rồi đến đâu thì đến. Chứ sống chung với một người dám qua mặt trơ trẽn, chẳng thà độc thân còn hơn”.

Lại thêm ý kiến khác: “Nếu tớ là tác giả ắt kết thúc: Sau khi ăn phở gầu bò thơm ngào ngạt, sếp ngộ độc có nguy cơ hồn lìa khỏi xác, hoảng quá, sếp bèn gọi điện thoại cho chị. Quay trở về nhà, chị nghiêm nghị dằn từng câu: Đêm qua, anh ngoại tình có phải không? Đừng chối, anh có nhớ một chiếc giày treo trong khung cửa sắt tại nhà “con ngựa” kia không? Nói thật đi. Nếu nói thật, xe cấp cứu đến đưa anh vào bệnh viện ngay. Bằng không, có trăn trối gì cứ việc nói phứt một lời cho xong”. Cái kết này có thể diễn ra không? Nếu có sẽ có hai tình huống: hoặc sếp thành thật khai báo để hưởng sự khoan hồng; hoặc sếp vẫn cứng đầu nghiến răng kèn kẹt rồi ngã bịch xuống sàn nhà, ôm mối hận nghìn thu vào lòng đất.

Hai cái kết trên, bạn nghĩ thế nào?

Dù thế nào đi nữa, rõ ràng chỉ là sự u ám và kéo theo nhiều hệ lụy đau buồn khác. Chị ấy trở thành kẻ mất chồng (hoặc góa bụa), con cái xa lìa cha. Sếp chết lãng xẹt, bằng không, chỉ là sự chất chứa thù hận, không đội trời chung với vợ. Kết thúc bằng sắc màu tang tóc, đổ vỡ, liệu chừng có tốt hơn cách giải quyết theo “nguyên bản” của câu chuyện? Ắt không.

Có những câu danh ngôn, tục ngữ lúc bình thường, đọc lên nghe cực “sáo rỗng”, có cảm giác như ai nói cũng được và ai cũng làm theo là lẽ đương nhiên. Nhưng rồi, khi chính mình đối mặt, phải trực tiếp chọn cách giải quyết lại là vấn đề nan giải. Dù vẫn biết vậy, nhưng trong lúc ấy, nhớ lại những lời hay ý đẹp, biết đâu nó sẽ giúp cho ta có cách lựa chọn sáng suốt hơn? Tôi tán thành với suy nghĩ đó. Bởi qua nhiều tình huống của bạn bè, người thân được biết có lúc trong tích tắc, họ đã vượt qua trở ngại khó khăn là nhờ vậy.

LÊ MINH QUỐC

.
.
.