Phụ nữ và câu chuyện xung quanh cái bếp
Ở thời đại trước, ông bà ta vẫn thường quan niệm “Đàn ông coi nhà, đàn bà coi bếp”, ý muốn nói trong gia đình đàn ông người kiếm tiền chính còn phụ nữ đóng vai trò nội trợ, chăm lo cho con cái. Thế nhưng, cuộc sống ngày càng hiện đại và quan niệm trên đã và đang gây nên nhiều ý kiến tranh cãi.
Để có gia đình hạnh phúc, rất cần bàn tay chăm sóc của người mẹ và sự chung tay của người cha. |
Mới đây, cộng đồng mạng dậy sóng, tranh luận gay gắt với bài viết “Để yên cho tôi làm đàn bà” của Trác Thuý Miêu, một nhà báo khá nổi tiếng và được công chúng biết đến trong vai trò làm MC các gameshow truyền hình như: Solo cùng Bolero, Không thể không đẹp, Chuyện đêm muộn... Theo đó, trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Trác Thúy Miêu viết: “Từ khi nào bếp núc lại trở thành một thứ hình thức tra tấn đầy bi kịch mà gắn với phụ nữ như vậy? Từ khi nào nỗi ám ảnh bị bó buộc vào việc lau nhà, nấu nướng, rửa bát giặt giũ… lại thậm tệ hơn cả nỗi ám ảnh mang tên Covid?”. Bài viết ngay lập tức đã thu hút hàng ngàn độc giả bình luận, chia sẻ. Trong đó, nhiều người ủng hộ, nhưng cũng không ít người phản biện, cho rằng gán việc bếp núc vào người phụ nữ là bất công trong khi phụ nữ ngày nay đang phải gánh vác nhiều việc khác.
Được xem là mẫu phụ nữ hiện đại và thành công trong công việc, chị Trần Vân Anh (42 tuổi) chia sẻ: “Đúng là phụ nữ ngày nay làm bác sĩ, giám đốc, phi công... nhưng họ vẫn nấu nướng và làm việc nhà. Mình thấy nhiều phụ nữ thành đạt, “hét ra lửa” trên thương trường nhưng về đến nhà là lao vào bếp nấu nấu nếm nếm rồi ngồi nhìn chồng con ăn với niềm vui sướng. Phụ nữ ngày nay cân được hết”. Tuy nhiên, quay trở lại câu chuyện việc nhà, việc bếp là của ai? Cá nhân chị Vân Anh cho rằng, việc nhà, việc bếp là của chung, là phải sẻ chia. Mà có sẻ chia được hay không phần lớn gốc rễ cũng do người phụ nữ. “Trước đây, chồng mình đi làm về là nằm lên sofa chơi game, ăn cơm xong thì ra ghế xem tivi. Vì mình cứ nghĩ chồng có rửa chén cũng không sạch, quét nhà cũng không xong, đàn ông mà. Tuy nhiên, sau này mình đã thay đổi quan niệm, thay vì cắn răng làm hết làm tất, mình hô hào chồng và các con làm việc nhà. Thế là phân công chồng làm việc A, con làm việc B nhờ thế chỉ một xíu là việc dọn dẹp xong. Như vậy, mình có thêm kinh nghiệm từ cuộc sống là biết phân công, không ôm đồm và bớt bệnh hoàn hảo cũng là cách hay. Còn chồng mình tuy thú nhận làm mấy việc nhà chẳng vui vẻ gì, nhưng anh ấy làm vì nhận ra thật không công bằng cho vợ khi vừa làm việc lại vừa phải cáng đáng việc nhà”- chị Vân Anh bày tỏ.
Còn chị Mai Thị Hường (40 tuổi) cũng có cách nhìn khá tích cực. Theo chị Hường, không nên quá cực đoan với quan niệm bếp núc là việc của ai. Bởi vì, giải phóng phụ nữ đâu không có nghĩa là đưa họ ra khỏi căn bếp. “Cá nhân tôi thấy rằng, cái “sinh vật đàn ông” chả biết vì lý do gì đó mà sinh ra đã không thích, không giỏi việc nhà. Thế nên muốn họ làm việc nhà trước tiên phải làm sao cho họ biết cách san sẻ. Hơn nữa chúng ta cứ căng thẳng, tranh luận với nhau về chuyện đàn ông có nên vào bếp hay không, mà quên mất không trả lời câu hỏi, chính mình có vui khi vào bếp hay không?” - chị Hường cho biết.
Ấm áp bữa cơm gia đình. |
Tuy nhiên, đứng từ góc độ của một “người xây nhà”, anh Phan Như Tuý (42 tuổi) cho rằng, quan niệm chuyện nấu ăn, bếp núc là chuyện mặc định dành cho phụ nữ hiện đã được thay đổi. Phải thừa nhận rằng, ngày nay nam giới vào bếp nhiều hơn, chủ động phụ giúp việc nhà nhiều hơn. Đó là dấu hiệu tích cực, thế nhưng có nhiều gia đình người vợ khá thành đạt trong sự nghiệp nhưng lại không tìm được niềm vui trong chuyện nấu nướng mà coi căn bếp là một áp lực. Họ nghĩ nấu cơm cho chồng con là trách nhiệm mà không cảm thấy hứng thú.
Theo các chuyên gia tâm lý, quan niệm “Đàn ông coi nhà, đàn bà coi bếp” không nên tranh luận theo kiểu đúng hay sai. Bởi tất cả các nhận định đều rất cá nhân, không thể nói đúng hay sai mà là lựa chọn của mỗi người. Ai cũng đều có quyền được lựa chọn cho mình, là một mâm cơm tự tay họ nấu hay gọi món ăn từ ngoài tiệm. Tuy nhiên, khó có thể phủ nhận được vai trò của người phụ nữ trong từng căn bếp. Do đó, một người phụ nữ được xem là hiện đại và hoàn hảo nhất là khi họ biết cân bằng cả hai.
Bài, ảnh: THỤY NHIÊN