.

Vì sao "người sau" cũng như "người trước"?

Cập nhật: 19:20, 12/03/2021 (GMT+7)

Rằng, chị bạn tôi đồng ý làm vợ của một người đàn ông “gà trống nuôi con”. Năm tháng dài chung sống, cả hai không có con; chị xem con riêng của chồng như con của mình. Rất mực yêu thương như thể mình rứt ruột đẻ ra. Chị đưa đón cháu đi học, lúc cháu ốm sốt thì đêm hôm chị lo toan, chăm sóc từng ly từng chút, không thở ngắn than dài.

 

Thế nhưng, giữa chị với bé nhóc vẫn có một khoảng cách, không thể gần gũi. Chỉ là mối quan hệ người dưng nước lã dù ở chung nhà, ăn cùng mâm. Những lúc cả nhà đi chơi, mua sắm, du lịch nhưng bao giờ chị cũng cảm giác mình là kẻ đứng ngoài cuộc. Chị rất buồn. Buồn lắm. Người chồng biết điều này, anh luôn tâm tình, dạy dỗ con hãy thương chị như người mẹ đã mất. Khi phân tích, lúc năn nỉ, vậy mà, cháu vẫn dửng dưng.

Năm tháng trôi dần qua, cháu lớn và đi học xa nhà. Ngày đó, do chồng ốm, chỉ có mỗi chị tiễn bé. Lúc đưa cháu vào cửa sân bay, chị liều lĩnh ôm lấy cháu. Cô bé không nói không rằng, chỉ chớp mắt, tỏ vẻ cảm động. Lần đầu tiên bắt gặp khoảnh khắc bất ngờ này, chị quyết định bộc bạch một điều mà lâu nay khó có cơ hội nói ra: “Nhớ điện thoại cho mẹ. Mẹ thương con”. Nói xong, chị buông tay, cô bé vẫn không hừ không hử, chỉ bước đi và không ngoái đầu lại. Chị buồn lắm.

Mà đứa trẻ ấy chưa trưởng thành, còn suy nghĩ non nớt nên ta “không thèm chấp”, thầm nhủ lớn lên nó sẽ hiểu, bằng không mình sẽ dạy dỗ lần nữa. Có thật những đứa trẻ ấy còn… trẻ con, do đó, chúng không thể hiểu thấu đáo mọi điều mà các bậc phụ huynh luôn chờ đợi? Không đâu. Dù ở độ tuổi nào, đứa trẻ cũng hiểu, cảm nhận được vấn đề theo cách của nó.

Tôi nhớ đến chuyện xảy ra trong sinh nhật của người thân, cả nhà anh Xìn ngồi cạnh tôi. Mọi người đang ăn uống vui vẻ, tôi quan sát thấy bé Xu ngồi thừ ra không, không cầm đũa, dù trước mặt đang có chén súp cua thật ngon. Sao lạ thế? Để xem nguyên cớ do đâu?

Từ cuộc đối thoại nho nhỏ của hai mẹ con họ, tôi hiểu ra là do bé muốn ăn món mì bò ớt hiểm, nhưng người mẹ không đồng tình vì biết con mình hễ ăn cay là khóc thét lên. Dỗ dành mệt lắm nhất là đang ở chỗ đông người. Trong khi đó, lần đầu tiên nhìn thấy món này “bắt mắt” quá nên bé muốn “trải nghiệm” xem sao. Thế nhưng, do bị mẹ cấm, bé nhóc nghĩ: “Không cho con ăn, mẹ muốn con chết đói mà”, rồi phản ứng bằng cách… “tuyệt thực” luôn.

Nhiều phụ huynh do không hiểu tâm lý này của trẻ con, lẽ ra phải chịu khó tìm hiểu để có cách giải pháp tốt nhất thì lại phản ứng lại bằng cách “cổ điển” phổ biến là quát nạt, phết roi vào mông cho đã nư. Kệ, phải vậy thôi.

Trẻ con mà không có roi là không xong. Phải nói luôn điều này, một đứa trẻ không ngoan, nó hư thì lỗi trước nhất vẫn chính là cha mẹ, chứ khoan đổ lỗi do tác động của bên ngoài. Đừng quên là nó vẫn có suy nghĩ, cảm nhận vấn đề theo cách của nó. Nếu thấy sự biểu hiện ra bên ngoài mà không đồng tình, ắt phải nhẫn nại, chịu khó tìm hiểu ngọn ngành, chứ không thể áp dụng biện pháp “thương cho roi cho vọt”. Nói thế, có ai đó cho rằng mô phạm quá, sách vở quả thì tôi đành chịu, không cãi lại.

Xin trở lại với câu chuyện của chị bạn tôi, lúc đưa cô bé ra sân bay.

Sau khi lên thành phố, ổn định nơi ăn học thỉnh thoảng bé nhắn tin hoặc gọi điện thoại về cho bố. Người mẹ kế vẫn đứng ngoài mối quan tâm này. Chị buồn lắm. Tối nay, sau một ngày làm việc mệt nhọc, cơm nước xong, người chồng ngồi xem ti vi rồi ngủ thiếp đi. Chợt nhìn thấy màn hình điện thoại của chồng lóe sáng, không đánh thức anh dậy, chị cầm lấy xem và biết cô con gái nhắn tin cho bố. Cô khoe về thành tích tập, chị trả lời.

Cả hai trao đổi qua lại khá lâu, ngước nhìn lên đồng hồ thấy đã khuya, chị nhắn cháu tạm dừng để ngày mai còn đi học, đi làm. Điện thoại tắt. Chị buồn lắm, vì mình không hề có mặt trong trái tim của con chồng. Nó vẫn nghĩ là đang nhắn tin tâm tình với bố của nó đấy thôi. Nghĩ thế, chị cảm thấy lẻ loi. Mình vẫn người dưng nước lã. Trong tâm trạng buồn rầu ấy, chị vừa đưa tay định đánh thức chồng bảo vào giường ngủ thì chiếc điện thoại lại lóe sáng lên: “Nhờ mẹ, chúc ba ngủ ngon”.

Đọc dòng chữ yêu thương này, chị sung sướng đến ứa nước mắt… Qua mẩu chuyện, ta đã phần nào lý giải được câu hỏi: Vì sao người “đến sau” vẫn như “đến trước”, trong đó yếu tố căn bản nhất vẫn là lòng yêu thương của người sau dành cho con người trước. Có đúng vậy không?

LÊ MINH QUỐC

.
.
.