.

Thời của… thư viện online

Cập nhật: 17:23, 11/03/2021 (GMT+7)

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, hiện nay tỉ lệ số hóa của Thư viện tỉnh đạt 50-70%. Tại hai địa chỉ  http://thuvienbrvt.vn và http://thuvienbrvt.com.vn, đã có hơn 6 trăm ngàn lượt truy cập. Việc đưa thư viện số vào hoạt động đã đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc và lượt truy cập đang tăng lên hằng ngày.

Sinh viên tra cứu tài liệu tham khảo tại thư viện số Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sinh viên tra cứu tài liệu tham khảo tại thư viện số Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu.

ĐỌC MỌI LÚC, MỌI NƠI

Bà Nguyễn Cẩm Chi (56 tuổi, ngụ TP.Vũng Tàu) là bạn đọc quen thuộc của Thư viện TP.Vũng Tàu, nhưng trong thời điểm dịch COVID-19, bà ngại trực tiếp đến thư viện. Nhờ có thẻ thư viện số, bà Chi vẫn thường xuyên “vào thư viện” tra cứu thông tin. Bà chia sẻ “chỉ cần một cái nhấp chuột, tôi có thể tra cứu các tài liệu. Trên thư viện số còn có các tài liệu thuộc các lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, tài liệu, địa chí, các giáo trình, giáo án, bài giảng, đề thi, đáp án, luận văn, luận án tốt nghiệp... rất thuận lợi”.

Còn em Võ Hoàng Minh (HS Trường THPT Trần Văn Quan, huyện Long Điền) cho hay: “Khi không có điều kiện đến thư viện, em thường truy cập thư viện số của tỉnh. Em có thể dễ dàng đọc trực tuyến, dowload tài liệu để sử dụng”. Không như thư viện truyền thống có giờ mở cửa, giờ đóng cửa và các thủ tục hành chính liên quan khác yêu cầu bạn đọc phải thực hiện, thư viện số không có rào cản về mặt thời gian và không gian. Bạn đọc có thể tiếp cận bất cứ thời điểm nào và bất cứ ở đâu khi có thiết bị kết nối internet. “Nếu bắt gặp một tài liệu trên thư viện số và muốn sở hữu nó để nghiên cứu, giải trí, sử dụng lâu dài, em có thể download mà không phải trả thêm một khoản phí nào”, Võ Hoàng Minh nói thêm.

Ông Huỳnh Tới, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, thư viện số của Thư viện tỉnh có địa chỉ http://thuvienbrvt.vn và http://thuvienbrvt.com.vn. Ngày 4/6/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1448 phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng hệ thống thư viện điện tử tỉnh bao gồm nâng cấp phần mềm và trang thiết bị số hóa cơ sở dữ liệu thư viện điện tử. Trong đó, phần mềm thư viện điện tử Vebrary 5.0 được đưa vào sử dụng từ tháng 10/2019 đã đáp ứng được nhu cầu tích hợp các nguồn CSDL tài liệu số, sách điện tử và hỗ trợ chia sẻ, kết nối với hệ thống thư viện trong và ngoài tỉnh.

Hệ thống trang thiết bị số hóa được bổ sung thêm 5 máy scan chuyên dụng, 10 bộ máy tính có cấu hình cao phục vụ xử lý tài liệu… bảo đảm hỗ trợ tốt cho công việc số hóa và xử lý sau số hóa tài liệu. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, tài liệu điện tử phục vụ bạn đọc đến thời điểm cuối năm 2020 là 2.398.8880 tài liệu; lượt bạn đọc truy cập không ngừng tăng lên, đến nay đã lên hơn 621.631 lượt.

Với những kết quả trong công tác số hóa và phục vụ tài liệu số, Thư viện tỉnh đang đẩy nhanh quá trình thực hiện những nội dung phát triển thư viện điện tử để đáp ứng nhu cầu đọc và xây dựng văn hóa đọc trên địa bàn.

GV, HS Trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa) đọc sách tại thư viện trường.
GV, HS Trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa) đọc sách tại thư viện trường.

TIẾP TỤC MỞ RỘNG CÁC TIỆN ÍCH

“Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu chung là ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Chương trình định hướng đến năm 2030 là hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số… tại  100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đối với các thư viện chuyên ngành, thư viện tại các trường đại học, tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp… tỷ lệ số hóa hướng tới mục tiêu là 60- 80%.

Tại Thư viện tỉnh BR-VT, hiện nay, tỷ lệ số hoá điện tử từ 50-70%, đã triển khai thống nhất phần mềm quản lý thư viện điện tử trong toàn tỉnh; từng bước tích hợp và liên thông hệ thống thư viện điện tử của các đơn vị với các thư viện tỉnh, thành và các trung tâm lưu trữ trong toàn quốc nhằm liên kết, chia sẻ các nguồn tài liệu thông tin thư viện phục vụ bạn đọc. Ngoài ra, Thư viện tỉnh hỗ trợ trường THPT Châu Thành xây dựng và khai thác sử dụng tài liệu điện tử, phương thức cấp thẻ thư viện trực tuyến.

Học sinh Võ Hoàng Minh (Trường THPT Trần Văn Quan, huyện Long Điền)  tra cứu thông tin qua trang web của Thư viện số Thư viện tỉnh.
Học sinh Võ Hoàng Minh (Trường THPT Trần Văn Quan, huyện Long Điền) tra cứu thông tin qua trang web của Thư viện số Thư viện tỉnh.

Ông Lại Đình Quốc, Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành cho biết, từ tháng 5/2020, trường THPT Châu Thành đã được Sở GD-ĐT đầu tư giai đoạn 1 các trang thiết bị ban đầu gồm máy tính bảng, màn hình cảm ứng, kệ, tủ sách… với kinh phí hơn 1 tỷ đồng để từng bước xây dựng thư viện số. Sau đó, nhà trường liên kết với Thư viện tỉnh để trở thành một “thư viện vệ tinh”, kế thừa toàn bộ tài liệu đã được số hóa của Thư viện tỉnh. Hơn 1.000 HS cùng trên 70 cán bộ, GV của trường đã được cấp tài khoản thư viện miễn phí để có thể đăng nhập, tìm kiếm, đọc và tải tài liệu điện tử.

Tương tự, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã liên kết với thư viện số của Thư viện tỉnh. Sinh viên cần tài liệu tham khảo và download tài liệu truy cập vào kho tài liệu khổng lồ của Thư viện tỉnh. Ngoài ra, kho tài liệu của trường có hơn 27.000 bản sách, tài liệu tham khảo và 100% tài liệu được số hóa hàng năm.

Theo ông Huỳnh Tới, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, đơn vị ưu tiên bổ sung và số hoá nguồn tài nguyên thông tin; tập trung nâng cao tỷ trọng nguồn tài liệu trong tài nguyên bổ sung nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu tìm kiếm và khai thác thông tin của người dân để phát huy hiệu quả hệ thống thư viện điện tử đồng thời nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thư viện toàn ngành để bắt kịp với xu thế thư viện điện tử toàn cầu.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

-----

Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025

Ngày 11/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu chung là ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện CNTT, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại.

Tại cuộc họp triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vào ngày 2/3 vừa qua, Vụ Thư viện (Bộ VH-TT-DL) đã trình bày dự thảo Kế hoạch Triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, nội dung các nhiệm vụ cụ thể giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 trong dự thảo gồm: Lập Dự án cơ sở dữ liệu về thư viện Việt Nam; khảo sát địa phương về nguồn lực chuẩn bị cho chuyển đổi số; lập Dự án số hóa tài liệu quốc gia; lập Dự án mục lục liên hợp quốc gia; Xây dựng thuyết minh Tiêu chuẩn quốc gia về tiêu chí, tiêu chuẩn chuyển đổi số và cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu số, liên thông trong thư viện; xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn, chương trình đào tạo nâng cao trình độ nguồn lực thư viện… Song song với các nhiệm vụ trên, Vụ Thư viện và các đơn vị có liên quan sẽ triển khai các hoạt động tuyên truyền về chuyển đổi số ngành thư viện; vận động và tìm nguồn tài trợ, xã hội hóa phục vụ chuyển đổi số, kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin số.

 

.
.
.