.

Góp vốn xoay vòng giúp tổ viên ổn định cuộc sống

Cập nhật: 18:42, 11/03/2021 (GMT+7)

Hàng tháng, các thành viên đóng góp một số tiền nhất định và một người sẽ được nhận số tiền ấy để sản xuất, buôn bán nhỏ... Đó là mô hình góp vốn xoay vòng tại các tổ dân cư của TP.Bà Rịa đang phát huy khá hiệu quả.

Bà Trần Thị Khoát (phải, tổ 8, ấp Tân Phước 1, xã Tân Hưng) tham gia tổ góp vốn xoay vòng, số vốn giúp bà có tiền mua hạt cây, rau giống ngắn ngày.
Bà Trần Thị Khoát (phải, tổ 8, ấp Phước Tân 1, xã Tân Hưng) tham gia tổ góp vốn xoay vòng, số vốn giúp bà có tiền mua hạt cây, rau giống ngắn ngày.

ĐÓNG GÓP NHỎ, Ý NGHĨA LỚN

Bà Trần Thị Khoát (tổ 8, ấp Phước Tân 1, xã Tân Hưng) là một trong những người tham gia góp vốn xoay vòng tại tổ. Vợ chồng bà Khoát làm nông nghiệp, trước đây đời sống rất khó khăn, lại nuôi 3 con ăn học. Khi tổ góp vốn xoay vòng ở tổ 8 ra đời, với hơn 10 thành viên, bà Khoát được tạo điều kiện nhận trước, mua cây giống để sản xuất khi vào mùa vụ, hoặc thời điểm đóng học phí cho con. Cứ tích góp dần dần, cuộc sống ổn định hơn. Nay các con đã trưởng thành, ra riêng, bà vẫn tham gia tổ góp vốn xoay vòng như một hình thức tiết kiệm.

Ấp Phước Tân 1 là một trong những ấp trên địa bàn xã Tân Hưng xây dựng và thực hiện tốt mô hình góp vốn xoay vòng không tính lãi. Việc duy trì vốn, phát triển và mở rộng mô hình đã hỗ trợ những hộ khó khăn, có được số vốn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Ra đời từ tháng 10/2002, ban đầu có 10 người, mỗi tháng mỗi người góp 200 ngàn đồng, đến nay, tổ 8 có 3 nhóm góp vốn xoay vòng (3 dây) với 46 tổ viên tham gia (mỗi tổ 13-16 người), góp 2 triệu đồng/người/tháng. Bà Nguyễn Thị Đệ, tổ trưởng tổ xoay vòng vốn tổ 8 cho biết, định kỳ mỗi tháng sinh hoạt tổ dân cư thì tổ chức bốc thăm, hộ khó khăn được ưu tiên trước. Các hộ khi nhận vốn xoay vòng sẽ trích lại từ 50 ngàn đến 100 ngàn đồng để bỏ quỹ. “Mỗi dây có một “thủ quỹ” ghi chép đầy đủ. Với những người nhận vốn cuối cùng, đương nhiên dây sau sẽ được nhận đầu tiên, không phải bốc thăm. Điều này tạo thuận lợi giúp họ có một số vốn kha khá để lo việc gia đình. Sau khi nhận vốn, các hộ sử dụng theo nhu cầu, người mua cây giống, con giống vật nuôi, người mua nguyên liệu để mở quán buôn bán nhỏ, người sắm xe nước mía... ai cũng có thể có việc làm, cải thiện thu nhập”, bà Đệ nói.

Tương tự, tại tổ 9, ấp 4 xã Tân Hưng, bà Phan Thị Thanh Thúy là tổ trưởng của 2 dây (mỗi dây 26 người tham gia). Hàng tháng, mỗi người góp 1 triệu đồng và số tiền người được nhận vốn là 26 triệu đồng/dây. “Các hộ trong tổ trước đây đều nghèo, nên tham gia dây, mọi người đều phấn khởi. Hơn nữa, các thành viên trở nên đoàn kết, gắn bó với nhau hơn”, bà Thúy cho hay.

Với tổ góp vốn xoay vòng tổ 4, ấp Bắc 3, xã Hòa Long, có 28 người chơi nên mặc dù chỉ góp 200 ngàn đồng/người/tháng, người nhận vốn sẽ được nhận số tiền 5,6 triệu đồng. “Coi vậy chứ số tiền đó có ý nghĩa lắm. Nhà tôi vợ làm tại trường mầm non, tôi thì sức khỏe yếu nên chỉ buôn bán lặt vặt ở nhà. Số tiền đó, cộng thêm tiền của hai vợ chồng là chúng tôi mua được xe nước mía, sau này là thêm nước ngọt, bánh trái để thành tiệm tạp hóa nho nhỏ cho tôi buôn bán, có thêm đồng ra đồng vào, nuôi 3 con ăn học thành người”, ông Lê Viết Dũng, người tham gia tổ góp vốn xoay vòng 2 năm nay cho hay.

NÂNG CAO TÌNH CẢM XÓM GIỀNG

Khi chúng tôi hỏi, những người tham gia tổ góp vốn đều khẳng định “việc có tổ góp vốn giúp mọi người trở nên thân thiết, thắt chặt tình cảm xóm giềng hơn”. Hàng tháng, vào ngày sinh hoạt tổ dân cư, những người tham gia dây sẽ chủ động mang tiền đi nộp. Người được nhận tự giác trích ra 50 ngàn hoặc 100 ngàn đồng vào quỹ thăm hỏi người ốm đau. Đối với tổ 8, ấp Phước Tân 1, xã Tân Hưng, những hộ tham gia dây còn chủ động hàng tháng nộp thêm 50 ngàn đồng/hộ làm quỹ thăm hỏi người bệnh và các gia đình có ma chay hiếu hỉ. “Số quà không nhiều, chỉ là cân đường hộp sữa và 100 ngàn đồng, nhưng đó là quà của tổ, nên mọi người đều chủ động ý thức đóng góp”, bà Đệ nói. Ngoài 3 dây tiết kiệm, toàn bộ các hộ của tổ 8 còn nộp “quỹ tín dụng” (toàn bộ các hộ trong tổ nộp 100 ngàn đồng/hộ/năm), dành thăm hỏi, tặng quà cho các hộ bệnh hiểm nghèo, các cụ già trên 80 tuổi vào dịp lễ tết, hoặc gia đình nào có việc sẽ được vay với lãi suất 0,5%/tháng. Hiện số quỹ này được 83 triệu đồng.

Trong nhiều năm qua, các tổ tiết kiệm xoay vòng vốn trong khu dân cư thực sự đã thể hiện vai trò của mình. Hiện trên địa bàn TP.Bà Rịa có 318/472 tổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Mô hình này do các chi hội phụ nữ, chi hội nông dân hoặc tổ dân cư phát động, không những góp phần thực hiện an sinh xã hội, phát huy tinh thần tương thân tương ái, mà còn giúp người dân trong tổ nâng cao ý thức, hiểu biết về cách thức tiết kiệm, từng bước xây dựng thói quen tiết kiệm trong đời sống hàng ngày. Mô hình đã tạo sức lan tỏa rất lớn trong các khu dân cư, cụ thể hóa phong trào thi đua thực hành tiết kiệm theo tấm gương của Bác. Thông qua việc triển khai mô hình, các tổ dân cư, MTTQ các cấp khẳng định vai trò, hiệu quả trong công tác vận động, hỗ trợ, đoàn kết các tổ chức đoàn, hội, xây dựng sức mạnh đoàn kết khu dân cư, từ đó công tác mặt trận tại cơ sở cũng được thực hiện tốt hơn.
(Bà Lương Thị Kiều Trang, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.Bà Rịa)

Còn ông Ngô Quốc Dũng, tổ trưởng, trưởng ban điều hành tổ 4, xã Hòa Long thì việc duy trì tổ góp vốn xoay vòng khiến người dân... thích đi họp tổ hơn. Những người đang nuôi con nhỏ, chuẩn bị phải đóng học phí, những gia đình có việc đột xuất sẽ được ưu tiên nhận vốn trước để giải quyết việc nhà. Nhờ đó, mọi người cảm thấy được quan tâm và thấy tính hiệu quả của mô hình tổ góp vốn xoay vòng.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

.
.
.