Những lưu ý quan trọng khi đi tiêm vắc xin COVID-19
Vắc xin COVID-19 đã bắt đầu triển khai tiêm từ ngày 8/3 cho các đối tượng trực tiếp làm công tác phòng chống dịch. Thời gian tới, vắc xin sẽ được triển khai tiêm rộng rãi cho tất cả người dân trên toàn quốc, nhằm tạo miễn dịch cộng đồng chống lại virus SAR-Cov-2. Cũng như tất cả các vắc xin khác đã sử dụng, vắc xin phòng COVID-19 khi được tiêm vào cơ thể có thể xảy ra những phản ứng không mong muốn. Do vậy, các cơ sở thực hiện tiêm chủng, người tiêm và người được tiêm cần lưu ý một số nội dung quan trọng.
Triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành (Hải Dương) |
CÁC PHẢN ỨNG CÓ THỂ XẢY RA
Theo Bộ Y tế, vắc xin phòng COVID-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu này là vắc xin của Tập đoàn AstraZeneca nghiên cứu và phát triển; là 1 trong 3 vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp; hiện đã được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là vắc xin rất mới, các thông tin về tai biến, biến cố bất lợi sau tiêm chủng cũng chưa được WHO cung cấp đầy đủ. Các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm gồm: phản ứng phổ biến đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt... và có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng. Do vậy các cơ sở tiêm chủng thực hiện nguyên tắc “bốn tại chỗ”, bảo đảm sẵn sàng các phương tiện phòng, chống sốc và xử trí kịp thời.
Ðáng chú ý, vắc xin phòng COVID-19 khi đưa vào cơ thể cũng có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng như phản ứng sốc (trong vòng 30 phút sau tiêm hoặc phản ứng quá mẫn muộn trong 1 đến 2 ngày đầu sau tiêm). Vì thế, ngoài các quy định bảo đảm an toàn tiêm chủng, đối tượng tiêm sẽ được khám sàng lọc cẩn thận trước khi tiêm. Tại các điểm tiêm chủng phải bố trí để bảo đảm giãn cách, bố trí hộp chống sốc, thường xuyên có cán bộ y tế theo dõi sát sức khỏe của các đối tượng được tiêm.
CẦN BẢO ĐẢM SỨC KHỎE TRƯỚC KHI TIÊM
Theo khuyến cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trương ương, để bảo đảm an toàn tiêm chủng, người tham gia tiêm chủng cần có sự chuẩn bị trước khi đi tiêm như tự đánh giá nguy cơ bản thân, nếu có nguy cơ mắc COVID-19 cần xét nghiệm để bảo đảm không bị nhiễm vi rút. Nếu có bất cứ triệu chứng nào như sốt hoặc triệu chứng nhiễm trùng, cần thông báo cho nhân viên y tế và không đến điểm tiêm chủng. Ngoài ra, nếu là người mắc các bệnh lý nền nặng hoặc tiến triển, cần điều trị ổn định trước khi đi tiêm chủng bởi rất dễ xảy ra trùng hợp ngẫu nhiên và có thể cho rằng nguyên nhân là do tiêm chủng. Tại thời điểm đi tiêm, người tham gia tiêm chủng cần thông báo đầy đủ cho nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe của bản thân bao gồm tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng với bất cứ tác nhân nào. Trong khi tiêm, cần tuân thủ các quy định theo hướng dẫn của cán bộ y tế, đeo khẩu trang, tránh chạm vào các vị trí công cộng; phối hợp cùng nhân viên tiêm chủng kiểm tra nhãn lọ nếu được yêu cầu… Khi ngồi, cần quay mặt về hướng khác với hướng có nhân viên y tế; cung cấp đầy đủ thông tin khi được yêu cầu và kiểm tra lại phiếu xác nhận tiêm chủng khi được trao lại.
Sau khi tiêm xong, cần ở lại điểm tiêm chủng để được nhân viên y tế tư vấn và theo dõi ít nhất 30 phút. Thông báo ngay cho nhân viên y tế nếu thấy có bất thường xảy ra với cơ thể. Lưu ý các dấu hiệu khó chịu, buồn nôn, phát ban, sưng tại chỗ tiêm có thể là các biểu hiện của phản ứng dị ứng. Sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần theo dõi sức khỏe bản thân ít nhất hai ngày. Những điểm cần lưu ý bao gồm các dấu hiệu tại chỗ như sưng, nóng, đỏ tại nơi tiêm (chú ý tuyệt đối không đắp bất cứ thứ gì vào nơi tiêm). Theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nếu phát hiện bất thường về sức khỏe, phải báo ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời. Các dấu hiệu nguy cơ bao gồm: sốt cao trên 39oC, khó hạ nhiệt độ, hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ; co giật; phát ban; tinh thần khó chịu, kích thích vật vã, lừ đừ...; khó thở hoặc khi có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế.
Phiếu xác nhận tiêm chủng cần được lưu giữ cẩn thận và mang đến điểm tiêm khi đi tiêm mũi tiếp theo. Mặc dù những phản ứng có thể xảy ra khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 không phổ biến, nhưng với đối tượng được tiêm lại là người có bệnh lý nền thì việc cẩn trọng trong giám sát sức khỏe là hết sức cần thiết, để tránh những rủi ro. Mọi thông tin về sức khỏe sau tiêm cần cung cấp cho cán bộ y tế, để công tác theo dõi phản ứng sau tiêm đánh giá đúng về đặc điểm của vắc xin cũng như góp phần giúp ngành y tế kịp thời có những điều chỉnh cần thiết liên quan đến vắc xin và tiêm chủng.
Bộ Y tế cho biết, theo các dữ liệu đến tháng 2/2021, vắc xin của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm SARS-CoV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai; chưa ghi nhận trường hợp mắc phải nhập viện do COVID-19 trong nhóm những người đã tiêm chủng. Người đi tiêm chủng cần đeo khẩu trang, thực hiện “5K”, trong buổi tiêm chủng phải thông báo cho nhân viên y tế tiền sử tiêm chủng, phản ứng với các loại vắc xin đã từng được tiêm trước đây và tình trạng sức khỏe của bản thân để được chỉ định tiêm chủng phù hợp và an toàn.
MINH THIÊN
NHỮNG KHUYẾN CÁO SAU KHI TIÊM VẮC XIN
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention - CDC Hoa Kỳ), vắc xin COVID-19 “dạy” cho hệ miễn dịch của chúng ta cách nhận biết và chiến đấu với chủng vi rút gây bệnh COVID-19. Thời gian để cơ thể xây dựng hàng rào bảo vệ (miễn dịch) trước vi rút gây bệnh COVID-19 thường là hai tuần kể từ khi tiêm chủng. Điều đó có nghĩa là một người vẫn có thể mắc COVID-19 trước hoặc ngay sau khi tiêm chủng, sau đó phát bệnh do vắc xin chưa có đủ thời gian để phát huy khả năng bảo vệ. Mọi người được xem là được bảo vệ đầy đủ từ hai tuần sau khi tiêm liều thứ hai vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna, hay hai tuần sau khi tiêm vắc xin COVID-19 đơn liều của Johnson & Johnson’s Janssen.
Mọi người nên tiếp tục sử dụng tất cả các công cụ có sẵn để bảo vệ bản thân và người khác cho đến khi được tiêm chủng đầy đủ. Sau khi được tiêm chủng đầy đủ, mọi người lại có thể bắt đầu lại một số việc đã phải dừng lại do đại dịch. Tìm hiểu thêm về những gì bản thân có thể thực hiện khi đã được tiêm chủng đầy đủ.
Dù vắc xin COVID-19 có tác dụng giúp chúng ta tránh mắc bệnh, song các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu về mức độ hiệu quả của vắc xin trong việc tránh cho mọi người làm lây lan vi rút gây bệnh COVID-19 sang người khác, ngay cả khi không có triệu chứng. Dữ liệu ban đầu cho thấy vắc xin có đóng góp vào việc ngăn người không có triệu chứng làm lây lan COVID-19, nhưng vấn đề này vẫn đang được tìm hiểu thêm khi có nhiều người được tiêm chủng hơn. Vì những lý do này, cho đến khi chúng ta có thêm kiến thức, thì những người đã được tiêm chủng COVID-19 đầy đủ vẫn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa ở nơi công cộng, như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 6 feet (1,83 mét) với người khác, tránh nơi đông người và nơi thông gió kém, cũng như rửa tay thường xuyên.
NGUYỄN THI
(Theo CDC Hoa Kỳ)
|