Sân khấu hóa hoạt động tuyên truyền ở trường học
Ra đời được một năm, CLB kịch nói Trường THCS Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu dần trở thành địa chỉ cho những HS yêu thích bộ môn kịch nói. Đồng thời tạo sân chơi mới cho HS trong việc đưa những vấn đề thời sự đến với các bạn trong trường qua hình thức sân khấu.
Các thành viên CLB Kịch nói với vở kịch tuyên truyền về An toàn thực phẩm. |
Trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các thành viên CLB kịch nói đã dành giờ ra chơi và cuối buổi học để tập luyện vở kịch “Người mẹ một mắt”, diễn vào dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ, vừa qua. Vở kịch dựa trên một câu chuyện cảm động về người mẹ sẵn sàng hy sinh một con mắt cho con để con không phải chịu thiệt thòi, nhưng người con hoàn toàn không biết điều đó mà tỏ ra khinh thường người mẹ “dị dạng” của mình. Người con trai đã bỏ nhà ra đi vì cảm thấy xấu hổ với người mẹ một mắt. Đến khi anh biết sự thật, rằng, người mẹ đã hiến con mắt của mình cho chính anh và anh quay trở về nhà để tạ tội với mẹ thì mẹ đã không còn nữa… Vở kịch đã khiến mọi người phải suy ngẫm, thấm thía.
Thảo Anh (lớp 8/2) trong vai người mẹ, Hải Long (8/1) vai con và Trâm Anh (lớp 7) trong vai người cháu, ngoài ra một nhóm HS khác trong vai các bạn học. Thảo Anh với gương mặt biểu cảm của một người mẹ nhẫn nhịn dù bị con mình làm lơ, xua đuổi. Đặc biệt, khi đến cảnh mẹ tới thăm nhà con, gõ cửa và người cháu nội (Trâm Anh) hỏi: “Ba ơi, ai đấy ạ?”, người con đã lạnh lùng: “À, một bà ăn xin lạc đường”. Rồi người con tỏ ra không nhận ra mẹ mình khi hỏi: “Bà tìm ai?”, người mẹ kéo sụp chiếc nón tơi, nói khẽ: “Xin lỗi, tôi nhầm” và vội vàng bước đi… khiến mọi người lặng đi.
Đây là một trong số những vở do CLB kịch nói của Trường THCS Nguyễn An Ninh thực hiện, nhằm chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Nguyễn Ngọc Khánh (lớp 8/2), Chủ nhiệm CLB cho biết, do thời gian gấp rút, các em không kịp viết kịch bản cho ngày Quốc tế Phụ nữ nên đã dựa trên một câu chuyện cảm động về sự hy sinh của người mẹ để dựng lên vở kịch. Cuối vở kịch, các thành viên CLB xuất hiện trên sân khấu, và nói: “Các bạn ơi, sự hy sinh của cha mẹ là vô bờ bến, nhất là người mẹ, chúng ta cùng quyết tâm học tập tốt, làm việc tùy theo sức của mình để không phụ lòng mẹ nhé”.
Ra đời từ tháng 9/2020, khi bắt đầu vào năm học mới, CLB kịch nói là ý tưởng của cô Lê Thị Thúy Hằng, GV Tổng phụ trách Đội. Khi mới phát động, CLB chỉ có vẻn vẹn 1 HS đăng ký tham gia, đó là Nguyễn Ngọc Khánh. “Em vốn thích hội họa và âm nhạc, em có thể dành phần lớn thời gian cho vẽ tranh. Khi trường phát động, em đăng ký vì muốn thử sức ở môn kịch nói”, Khánh nhớ lại.
Để CLB phát triển, Khánh đi từng lớp, vận động HS trong trường tham gia. Đến nay, CLB có 16 thành viên chủ chốt và hàng chục cộng tác viên. Cùng trong tháng 9/2020, các thành viên đã cho ra mắt vở kịch đầu tiên “Nói không với bạo lực học đường”. Câu chuyện gây xúc động mạnh khi các em hóa thân thành một HS lớp 7, phải đi cầm chiếc điện thoại để có tiền nộp cho nhóm bạn bắt nạt mình. Người mẹ thấy con không còn điện thoại, la mắng vì nghĩ con bán điện thoại chơi game. Chỉ khi được GVCN mời lên trường, người mẹ mới hiểu con mình đã bị bạo lực học đường. “Chúng em đã đọc tài liệu, tìm hiểu thêm về một số trường hợp bị bạo lực để có vở kịch của riêng mình. Chúng em cũng đặt câu hỏi để các bạn trong trường “tư vấn”, như: Nếu gặp trường hợp tương tự, các bạn sẽ làm gì? Hoặc ai là người hỗ trợ các bạn?... Qua đó, giúp HS hiểu hơn về bạo lực học đường và có hướng giải quyết phù hợp”, Khánh nói.
Sau thành công của vở kịch đầu tiên, cứ 1-2 tuần một lần, các thành viên CLB lại lên kế hoạch “sản xuất” vở mới do các em tự tìm tòi, xây dựng kịch bản và tập luyện. Các vở kịch xoay quanh những vấn đề thời sự mà HS quan tâm, như: Phòng chống COVID-19; Phòng chống bạo lực học đường; An toàn sử dụng mạng; ATGT; giảm thiểu rác thải nhựa túi nilon; Táo quân Nguyễn An Ninh (tổng hợp về những thành tích của trường trong năm học qua)... Tùy theo chủ đề mà GV Tổng phụ trách Đội sẽ “đặt hàng” CLB.
Khi ý tưởng được đưa ra, các thành viên trong nhóm sẽ xây dựng, phát triển và hoàn thiện vở kịch theo hình thức online hoặc qua thảo luận. Việc tập luyện được thực hiện sau giờ học hoặc giờ ra chơi, với sự góp ý thêm của cô Tổng phụ trách Đội. Các em tự viết kịch bản hoặc tham khảo trên mạng và sửa lại kịch bản cho phù hợp với trường; các em cũng tự trang điểm, hóa trang cho nhau khi lên diễn. Việc tham gia CLB kịch nói đã giúp các thành viên trở nên thân thiết, luôn hỗ trợ nhau trong học tập và hoạt động ngoại khóa. Nguyễn Ngọc Thảo Anh (lớp 8/2), Thái Quốc Học (lớp 8/1) cho biết, từ những người nhút nhát, ngại nói chuyện trước đám đông, sau một thời gian tham gia CLB, các em đã trở nên mạnh dạn, luôn xung phong thuyết trình trước lớp, nhận làm MC dẫn chương trình tại trường khi được yêu cầu. “Ban đầu ba mẹ em không muốn em tham gia vì sợ ảnh hưởng học tập. Nhưng sau một thời gian, thấy em vẫn học tốt, lại mạnh dạn, tự tin hơn nên giờ ba mẹ em rất ủng hộ hoạt động của em tại CLB kịch nói”, Thảo Anh nói.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH