.
THÊM 53 CA MẮC COVID-19 TRONG CỘNG ĐỒNG, CHÍNH PHỦ HỌP KHẨN LẦN THỨ 2:

Thần tốc, tranh thủ từng giờ, từng phút

Cập nhật: 20:30, 29/01/2021 (GMT+7)

Cuối giờ chiều 29-1, tại phòng họp bên trong Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình - nơi diễn ra Đại hội Đảng XIII - Chính phủ đã tổ chức họp lần thứ hai về phòng, chống COVID-19. Cùng ngày Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã họp trực tuyến với các địa phương có dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID 19 chiều 29/1.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID 19 chiều 29/1.

QUYẾT LIỆT HƠN NỮA ĐỂ KHOANH VÙNG, DẬP DỊCH

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. Cùng tham dự cuộc họp còn có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cùng các lãnh đạo bộ, ngành liên quan. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần “thần tốc với các biện pháp quyết liệt, đồng bộ ngay khi các ổ dịch được phát hiện”.Thủ tướng cũng phê bình, lưu ý những biểu hiện thiếu quyết tâm ngăn chặn hiệu quả nếu có, nhất là một số địa phương, một số nơi mất cảnh giác.

Thủ tướng cho rằng: “Trong khi triển khai công tác chống dịch, chúng ta đã có nhiều biện pháp rất cụ thể, với sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Đến nay, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế đã tiến hành 2 lần giao ban toàn quốc. Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố đang tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xin ý kiến và được Đoàn Chủ tịch cho phép rời Đại hội để về trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch tại địa phương, xuống tận xã, phường, bám sát chỉ đạo của Trung ương, với tinh thần quyết liệt, hành động đồng bộ. Ngành y tế đã cử nhiều cán bộ chuyên môn của các bệnh viện, trường đại học để hỗ trợ địa phương. Thủ tướng đề nghị phải có ngay những chủ trương, biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn để đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng; chủ trương xây dựng một số bệnh viện dã chiến; phong tỏa một số khu vực có nguy cơ cao trên tinh thần giãn cách xã hội. Bộ Y tế phải đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng về việc mua vaccine bằng ngân sách Nhà nước và xã hội hóa hỗ trợ.

“Chúng ta đang chuẩn bị Tết Nguyên đán cổ truyền cho nhân dân, đang tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XIII, đã thực hiện thành công mục tiêu kép ở Việt Nam trong suốt năm 2020, giờ đây chúng ta bị lây nhiễm cộng đồng ở khu vực dân cư đông đúc, thành phố lớn, tỉnh trọng điểm kinh tế... Vì thế chúng ta phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa để khoanh vùng, dập dịch, không để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Một lần nữa, hệ thống y tế được khởi động, vào cuộc, lực lượng công an, quân đội, các địa phương cần có trách nhiệm hơn nữa, cơ quan báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng để nhân dân đề cao cảnh giác thực hiện Thông điệp 5K, nhưng cũng không hoang mang, dao động”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi nhanh bên lề cuộc họp khẩn phòng, chống dịch COVID-19
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi nhanh bên lề cuộc họp khẩn phòng, chống dịch COVID-19

Trong ngày 29/1, nhiều ca mắc COVID-19 tiếp tục được công bố tại nhiều địa phương. Bộ Y tế đầu giờ chiều 29/1 cho biết ngày hôm nay ghi nhận thêm 53 trường hợp nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, tại Hải Dương (47 ca), Quảng Ninh (3 ca), Hà Nội (2 ca) và Bắc Ninh (1 ca). Như vậy, từ ngày 25/1 đến nay Bộ Y tế đã ghi nhận 149 trường hợp mắc tại 5 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (130 ca), Quảng Ninh (15 ca), Hà Nội (2 ca), Hải Phòng (1 ca), Bắc Ninh (1 ca).

Theo số liệu của Bộ Y tế, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 21.345 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 134 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 20.014 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 1.197 người.

Bộ Y tế tiếp tục cử chuyên gia từ Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các đơn vị liên quan trực tiếp xuống Hải Dương, Quảng Ninh chỉ đạo, thực hiện công tác phòng chống dịch. Lãnh đạo Bộ Y tế tiếp tục xuống thực địa để chỉ đạo. Thực hiện truy vết thần tốc để xác định nhanh các trường hợp có liên quan, nhằm xác định khoanh vùng kịp thời.

Bộ Y tế tiếp tục điều động các chuyên gia xét nghiệm của BV Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trường ĐH Y tế Công cộng và Trường ĐH Y Hà Nội tới Hải Dương hỗ trợ xét nghiệm, điều trị diện rộng tại tỉnh Hải Dương.

PHẤN ĐẤU DẬP DỊCH TRONG 10 NGÀY

Chủ trì cuộc họp trực tuyến của BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tổ chức ở Hà Nội chiều 29/1, kết nối với các tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ tinh thần là tiếp tục tranh thủ từng giờ, từng phút, thần tốc. Quyết tâm dập dịch trong 10 ngày, tính đến hôm nay là 2 ngày, như vậy còn 8 ngày phía trước. Toàn bộ lực lượng phải phấn đấu giữ lời hứa này.

Phó Thủ tướng hoan nghênh Bộ Y tế, tỉnh Hải Dương và đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lấy mẫu, với sự hỗ trợ của tổ thông tin truy vết nhanh. Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đã lấy hết mẫu F3, một số nơi lấy đến F4. Với sự điều phối, giúp đỡ của Bộ Y tế, TP.Chí Linh (tỉnh Hải Dương) đã lấy được cơ bản nhóm đối tượng có rủi ro cao.

Ban Chỉ đạo đánh giá đến giờ phút này, cơ bản tình huống đúng như dự đoán ban đầu, có những quyết định chuẩn xác, kịp thời, nhờ vậy, kịch bản diễn ra theo hướng tích cực nhất. Điểm đáng mừng là chúng ta xác định đúng điểm huyệt. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ rõ không được chủ quan, tiếp tục truy vết, đặc biệt ở khu vực Chí Linh.

Theo Phó Thủ tướng, đối với thành phố Chí Linh, điều cần tập trung nhất là tổ chức cách ly. Bởi lẽ những đối tượng lấy mẫu xét nghiệm, ban đầu cho kết quả âm tính nhưng không có nghĩa đã an toàn.

Phó Thủ tướng đề nghị lực lượng Quân đội chỉ đạo Quân khu 3 tận dụng tối đa các cơ sở, doanh trại… trên địa bàn TP.Chí Linh và lân cận để cách ly. Ngoài ra, một loạt các trường học, KTX có thể sử dụng làm khu cách ly nhưng yêu cầu quân đội chi viện lực lượng vì trong các trung tâm cách ly tập trung dưới sự điều hành của quân đội có kinh nghiệm tốt. Ngành y tế xem xét nếu cần chi viện thêm.

Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Y tế tích cực, nỗ lực xây dựng các bệnh viện bổ sung (bệnh viện dã chiến). Phó Thủ tướng lưu ý các bệnh viện này phải lên phương án sử dụng ngay để làm khu cách ly tập trung. Bởi thực tiễn chống dịch cho thấy, ca nào có biểu hiện biến chứng nặng thì chuyển đến địa điểm đủ năng lực cứu chữa, còn cơ bản các bệnh nhân dù dương tính nhưng nhiều người không có triệu chứng.

Bên cạnh đó, Chí Linh có các đường giao lộ rất quan trọng về giao thương. “Tinh thần là phong tỏa để chống dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, địa bàn TP.Chí Linh rất rộng, vì thế cần xác định khu vực nhỏ hơn, tập trung lực lượng để làm chặt hơn. Tổ công tác của Bộ Y tế chỉ đạo quyết định những địa điểm cần tập trung cao độ, dứt khoát không để dịch lây lan.

Đối với tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi mẫu xét nghiệm trong cộng đồng.

Cả nước đã kích hoạt truy vết, ở đâu có người nào có liên hệ với vùng có dịch phải thông báo sớm nhất có thể. Bộ Y tế lập danh sách những địa bàn nào coi như vùng dịch, đưa lên trang thông tin chính thức của Bộ để truyền thông, tránh tình trạng phóng đại không cần thiết.

“Toàn thể lực lượng không được chủ quan, phấn đấu tối đa 8 ngày dập gọn ổ dịch này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

XUÂN HOÀNG

 
.
.
.